Tranh vướng nghi vấn thật giả vẫn bán hàng tỷ đồng
Bất chấp nghi vấn về độ chân thực, một số tranh đề tên họa sĩ Việt như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí vẫn bán được giá cao ở quốc tế.
Phiên đấu giá mùa thu của Sotheby's Hong Kong với chủ đề "Đêm nghệ thuật hiện đại và đương đại" kết thúc tối 30/9. Nhà đấu giá giới thiệu đây là phiên hội tụ các “kiệt tác đương đại và hiện đại của phương Đông và phương Tây”.
Ba bức tranh đề tên tác giả Việt Nam tại phiên đấu đã được mua. Trong đó, bức La Famille (Gia đình) được đề tên của họa sĩ Lê Phổ bán với giá 4,180,000 HKD (tương đương 12 tỷ đồng). Đây là mức giá khá cao so với ước lượng của nhà đấu giá (giá ước tính từ 1,500,000 – 2,500,000 HKD).
Tranh được Sotheby's đề cho là của Lê Phổ sai hình họa căn bản. |
Một bức sơn mài đề tên Nguyễn Gia Trí có tên Landscape (Phong cảnh) được bán với giá 2,980,000 HKD (khoảng 8,6 tỷ đồng). Một bức sơn mài khác của họa sĩ Phạm Hậu bán với giá 1,500,000 HKD (khoảng 4,3 tỷ đồng).
Tuy nhiên, từ giữa tháng 9, khi nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong cho đăng catalogue tác phẩm của phiên đấu lên website, giới nghệ thuật trong nước đã chỉ ra những điểm bất hợp lý.
Trong đó, bức Famille bị phản ứng nhiều nhất. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long chỉ ra người phụ nữ trong tranh có hai bàn tay trái, mà không có bàn tay phải. Đó là điều khó chấp nhận, bởi một họa sĩ tài danh nổi tiếng ở cả Pháp và Việt Nam khó có thể vẽ sai hình họa căn bản như vậy. Ông Nguyễn Đức Tiến – một học viên cũ của Sotheby’s đã viết thư tới nhà đấu giá này phản ánh, nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng.
Phía trên là tranh của Hoàng Tích Chù có tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tranh phía dưới bán tại Sotheby's đề là của Nguyễn Gia Trí. |
Nghi vấn tiếp theo thuộc về bức tranh Phong cảnh đề tên Nguyễn Gia Trí mà Sotheby’s đấu giá tối qua. Lot đấu này cũng giống với một bức tranh có tên Phong cảnh chùa Thầy của họa sĩ Hoàng Tích Chù. Bức sơn mài của Hoàng Tích Chù hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
Bức của Hoàng Tích Chù tại Bảo tàng Mỹ thuật và bức đề tên Nguyễn Gia Trí vừa bán tại Sotheby’s rất giống nhau về bố cục, hình họa, giống tới từng chi tiết nhỏ trong tranh, như vị trí bông hoa, vết rách trên tàu lá chuối.
Không chỉ giống về chất liệu, bố cục, tạo hình, nội dung, hai bức tranh còn có kích thước tương đồng. Tranh của Hoàng Tích Chù tại Bảo tàng Mỹ thuật có kích thước 97 x 196cm, tranh đề Nguyễn Gia Trí của Sotheby's có kích thước 97,5 x 198cm. Cả hai tranh đều có kết cấu bằng từ 6 tấm ghép lại.
Điểm khác nhau giữa hai bức này là tranh tại Sotheby’s vẽ khu chùa có mái viền đỏ, còn tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật vẽ mái chùa có mái viền trắng.
Bất chấp những nghi vấn, bằng cứ về độ thật - giả, các bức tranh vẫn được đưa ra đấu giá và được mua với giá cao. Việc làm đó đặt ra những câu hỏi trong khâu thẩm định của nhà đấu giá danh tiếng quốc tế đối với tác phẩm Việt Nam.
Sáng 1/10, Sotheby's Hong Kong tiếp tục có phiên bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật của bậc thầy Đông Nam Á và của các gương mặt đương đại nổi bật. Tại phiên này, tranh Việt xuất hiện với số lượng áp đảo, trong đó có các tên tuổi như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Lê Thị Lựu Vũ Cao Đàm, Đặng Xuân Hòa.../.
Đấu giá mỹ thuật và nỗi lo tranh giả
Tranh giả vẫn được công khai đấu giá?