Triển lãm 200 áp phích về phim Việt Nam
Triển lãm áp phích phim Việt Nam mang tên "Đất nước đi lên từ chiến tranh" đã khai mạc chiều 17/3 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).
200 áp phích được lựa chọn trong hàng ngàn tư liệu lưu trữ được lựa chọn trưng bày trong triển lãm này đã giới thiệu cho công chúng những nét cơ bản, đặc sắc nhất của điện ảnh Việt Nam từ năm 1959 đến nay.
Ban tổ chức cho biết: Cuộc triển lãm chưa thể giới thiệu đầy đủ tới công chúng hàng ngàn bộ phim của điện ảnh Việt Nam nhưng đây là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng thành kính và tri ân của các nghệ sỹ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Người (19/5/1890- 19/5/2009).
Triển lãm "Đất nước đi lên từ chiến tranh" qua áp phích phim Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn từ 1959-1975, nhấn mạnh sự kiện điện ảnh Việt Nam ra đời trong khói lửa chiến tranh nhưng đã làm được nhiều tác phẩm xuất sắc như "Chung một dòng sông", "Vợ chồng A Phủ", "Con chim vành khuyên", "Đường về quê mẹ", "Nổi gió"... Đây là thời kỳ nở rộ của phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình, trong đó có nhiều tác phẩm giành giải thưởng tại liên hoan phim quốc tế.
Giai đoạn hai từ 1976 - 1986 là giai đoạn đất nước sau khi giành được độc lập, có nhiều biến động về kinh tế xã hội, xuất hiện nhiều mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới. Thời kỳ này nhiều tác phẩm điện ảnh ra đời nhưng mỗi đề tài đã có sự biến đổi mạnh mẽ về phong cách tiếp cận, khai thác đề tài, cách bố trí, xây dựng tình tiết. Thời kỳ này được đánh dấu bằng những bộ phim "Mùa gió chướng", "Chom và Sa", "Hòn đất", "Đứng trước biển", "Chuyến xe bão táp", "Nguyễn Ái Quốc đến với Lê nin"...
Thời kỳ từ 1987 đến nay, điện ảnh Việt Nam dù còn khó khăn về nhiều mặt nhưng vẫn tích cực bám sát cuộc sống, phản ánh đầy đủ những mặt khác nhau của thực tế. Đề tài khai thác rất phong phú: Số phận con người trong và sau chiến tranh như "Anh chỉ có mình em", "Bông hoa rừng Sác", "Hà Nội 12 ngày đêm", "Người con gái đất đỏ"...; ca ngợi những con người mới, dám nghĩ dám làm để phát triển kinh tế đất nước như phim "Hải nguyệt", "Tình biển", "Chung cư"; phim theo cuộc đời nhân vật lịch sử như "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" và rất nhiều phim về những vấn đề nóng bỏng được xã hội quan tâm...
Triển lãm diễn ra tại bảo tàng Hồ Chí Minh đến hết ngày 17/4, sau đó tiếp tục được triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh từ 19/5-19/6.
Đây là hoạt động do Viện phim Việt Nam phối hợp với Viện lưu trữ quốc gia Singapore tổ chức nhân kỷ niệm 56 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2009) và kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2009).
Trước đó, vào năm 2008, triển lãm "Đất nước đi lên từ chiến tranh" đã được tổ chức tại Singapore trong khuôn khổ "Những ngày văn hoá Việt Nam tại Singapore", thu hút hàng hàng người tham quan./.