Triển lãm hình tượng Rồng – Tiên tại Pháp
(VOV) -60 bức ảnh tại triển lãm mang tới cho bà con Việt kiều và bạn bè quốc tế cái nhìn thú vị về mỹ thuật Việt Nam
Nam nữ tóm râu rồng, đình Phù lão, Bắc Giang, thế kỷ 17, huyện Lạng Giang, Bắc Giang |
Từ ngày 21/9- 3/10, Trường Đại học Mỹ thuật Việt nam phối hợp với Trung tâm văn hóa Việt nam tại Pháp tổ chức triển lãm "Hình tượng Rồng – Tiên trên chạm khắc đình làng tại Việt Nam". Tối qua, buổi lễ khai trương triển lãm đã diễn ra tại Trung tâm văn hóa với chương trình biểu diễn nghệ thuật "Việt Nam- Đất nước Rồng –Tiên" cùng chương trình tọa đàm "Rồng tiên khúc hoan ca" sẽ được tổ chức trong tuần tới.
Triển lãm ảnh "Hình tượng Rồng – Tiên trên chạm khắc đình làng tại Việt nam" với 60 bức ảnh, mang đến cho bà con kiều bào và bạn bè Pháp một cái nhìn thú vị về một đề tài nghiên cứu mới do nhóm nghiên cứu của Viện Mỹ thuật thuộc Đại học Mỹ thuật quốc gia Việt nam thực hiện. Đây cũng là hoạt động của Việt nam nằm trong khuôn khổ Tuần văn hóa nước ngoài diễn ra tại Paris từ 21-30/9.
Phát biểu trong buổi lễ khai trương triển lãm, Họa sỹ Lê Vân Anh, Phó giáo sư, Hiệu trưởng trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Viện trưởng Viện mỹ thuật nhấn mạnh đình đã trở thành biểu tượng của làng, là niềm tự hào của cộng đồng, là hình ảnh sâu đậm trong tâm thức của người Việt và có nhiều giá trị về mặt di sản nghệ thuật. Trong đó, riêng sự kết hợp giữa Rồng và Tiên là một nét độc đáo đặc trưng trong chạm khắc ở đình làng tại Việt nam.
Họa sỹ Lê Vân Anh, Phó giáo sư, Hiệu trưởng trường đại học Mỹ thuật Việt Nam |
Cũng theo ông Lê Văn Anh, khi nói đến rồng Tiên là nói đến nguồn gốc của người Việt. Rồng dù là biểu hiện Vương quyền nhưng khi về đình làng thì đó lại là biểu hiện của đời thường. Hình ảnh Rồng và Tiên hòa quyện vào nhau mang tính dân gian, vừa khỏe, mộc mạc. Đó là những hình ảnh gần gũi, đậm giá trị Việt Nam và nhân triển lãm này những người tổ chức mang tới cho người Việt xa quê hương để cùng hiểu và giữ gìn, phát huy những giá trị đó.
Được biết, nhóm thực hiện dự án nghiên cứu "Hình tượng Rồng – Tiên trên chạm khắc đình làng Việt Nam" đã đi tìm kiếm và chụp ảnh hình tượng rồng và tiên kết hợp với nhau tại khoảng một nửa trong số khoảng 600 đình làng được xếp hạng tại Bắc Bộ.
Tiên múa, đình Liên Hiệp, thể kỷ 17, huyện Phúc Thọ, Hà Nội |
Tham gia buổi lễ khai trương triển lãm, Đại sứ Việt Nam bên cạnh UNESCO ông Dương Văn Quảng đánh giá ý nghĩa mới lạ của nghiên cứu "Hình tượng Rồng – Tiên trên chạm khắc đình làng tại Việt Nam": "Đã là thưởng thức thì văn hóa phải đem đến cho con người một sự yên tĩnh tâm hồn, muốn thế thì các sản phẩm văn hóa phải thể hiện cái gì đó có phần siêu thực, dù nó phản ánh thực tế nhưng phải có gì siêu thực chứ không phải là dập khuôn, một bức ảnh chụp vô hồn của thực tế đưa vào văn hóa được. Tôi nghĩ rằng khai thác khía cạnh rồng tiên trong nghệ thuật trang trí ở các đình chùa là một nghiên cứu nghiêm túc và nên phổ biến rộng rãi cho người Việt nam, cho bạn bè thế giới biết được khái niệm Rồng- Tiên, yếu tố tâm linh cũng như sức sáng tạo thông qua hai khái niệm này".
Tiếp theo buổi triển lãm, tuần tới, nhóm nghiên cứu sẽ có cuộc tọa đàm với bà con kiều bào và bạn bè Pháp về ý nghĩa hình tượng Rồng – Tiên có tựa đề "Rồng Tiên hoan ca"./.