Triển lãm thư pháp sắp đặt “Vô ngôn”
40 tác phẩm tĩnh và 5 tác phẩm sắp đặt giới thiệu tại triển lãm sẽ mang lại nhiều cảm xúc văn hóa – thẩm mỹ và sự bình phẩm đa dạng cho công chúng yêu nghệ thuật.
Nhằm chào mừng dịp Tết Canh Dần, kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chiều tối 4/2, tại Art Việt Nam Gallery (số 07 Nguyễn Khắc Nhu - Hà Nội), đã khai mạc Triển lãm sắp đặt mang tên “Vô ngôn” của nhóm Thư pháp Tiền Vệ Zenei Gang of Five.
Nhóm gồm các hoạ sĩ: Lê Quốc Việt, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Văn Tuấn và Trần Trọng Dương, với ý tưởng lấy chữ Nôm thể hiện giá trị văn hóa Việt trong đời sống hiện tại. Chữ Nôm là văn tự do người Việt sáng tạo cách nay 1.000 năm, song hành với nền độc lập tự chủ của văn hóa Đại Việt, tiêu biểu là văn hóa Thăng Long.
Những bài phú Nôm bất hủ của vua Trần Nhân Tông, sư Huyền Quang, hay thơ Nôm Hàn Thuyên, Chu Văn An, Nguyễn Trãi… chính là những viên gạch đầu tiên và quan trọng nhất cho sự ra đời và phát triển của chữ Nôm. Văn thơ Nôm là bộ phận văn học – nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ dân tộc, có vị trí đặc biệt trong nền văn học Trung đại Việt Nam, phát triển song hành với văn thơ chữ Hán.
Triển lãm thư pháp và sắp đặt “Vô ngôn” có thể coi là một hình thức bút đàm “tự ngôn tự ngữ” về văn hóa dân tộc. Nguyễn Quang Thắng thực thi ghi chép, ken đặc đến mức trở thành…phi văn bản. Nguyễn Đức Dũng trăn trở với vài con chữ, nhưng những loang chảy ánh sáng trong từng nét bút khiến tác phẩm đạt đến ngưỡng… giải văn tự. Phạm Văn Tuấn vẫn bảo lưu cách viết, song đã trừu tượng hóa hoàn toàn. Trần Trọng Dương hướng đến sự triệt bỏ nhân vi, xóa sạch nét bút, đến mức “vô thư vô pháp”. Có thể nói, nội hàm tác phẩm chấp chới bằng tính biểu trưng của các ký hiệu ngôn ngữ và các yếu tố phi phù hiệu học. Trong khi đó, sắp đặt của Lê Quốc Việt quay lại cách sao chép chữ Hán Nôm truyền thống…
Hoạ sĩ Lê Đức Việt tâm sự: “Đầu năm mới, xin chữ để lấy phước cả năm. Bất cứ hành động nào đều là nét đẹp có truyền thống. Chúng tôi hy vọng rằng, qua cuộc triển lãm này, các giá trị văn hoá trường tồn, không mất đi trong cuộc sống và rất mong người xem ủng hộ trong việc tìm hiểu cái mới, đưa thư pháp Hán Nôm cổ điển trở thành môn nghệ thuật đương đại, lấy chữ Nôm và triết học phương Đông làm bản sắc văn hoá, lấy lý luận nghệ thuật tiền vệ làm cảm hứng sáng tạo, lấy đời sống Việt Nam làm đối tượng phán ánh”.
Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 5/3/2010 tới. Bà Suzanne Lecht, Giám đốc ArtVietnam Gallery cho biết, sắp tới Triển lãm sắp đặt mang tên “Vô ngôn” có thể sẽ được giới thiệu tại Mỹ./.