Trình diễn áo dài ở bảo tàng lớn nhất nước Mỹ
(VOV) - Không màng danh vọng, tiền bạc, với NTK Lê Thanh Phương, thiết kế áo dài là giấc mơ lưu giữ vẻ đẹp truyền thống của dân tộc.
Đẹp vì… giản dị
Áo dài do Lê Thanh Phương thiết kế được chọn tham dự festival đặc biệt mừng Tết Nguyên đán tại Bảo tàng Tự nhiên Mỹ không đạt kỷ lục về độ dài, cũng không có rồng phượng, hoa hòe rối mắt, tóm lại là không “hoành tráng” như nhiều bộ áo dài thường được các người đẹp trưng ra với thế giới. Nhưng sự đơn giản của những mẫu thiết kế của anh mới gần với áo dài truyền thống của Việt Nam nhất và người Mỹ thích điều đó.
Họ thích áo dài của anh vì phom dáng gần như không thay đổi so với ngày xưa với những đặc điểm: tay graplang dài tới mắt cá tay, ôm eo, tà dài, nhẹ, duy nhất chỉ có 1 tà nhằm nguyên vẻ thanh thoát và nhẹ nhàng của áo dài. Thanh thoát và nhẹ nhàng là một trong những yếu tố đẹp nhất của áo dài Việt Nam trong mắt người ngoại quốc.
Với tà áo dài truyền thống, Lê Thanh Phương chỉ thay đổi duy nhất đường cắt trên áo, mang đúng phong cách của riêng anh từ trước đến giờ, để nhìn vào có thể biết ngay áo dài Lê Thanh Phương chứ không cần ghi tên tác giả.
Ngay cả tiệm áo dài của anh với cái tên giản dị “Tiệm may Sài Gòn” cũng được thiết kế, trang trí theo phong cách của Sài Gòn những năm 1960. Anh hay nói vui với mọi người rằng anh chỉ là một thợ may già lỗi thời…
Lê Thanh Phương chăm chút một mẫu áo dài do anh thiết kế |
Nghèo vì theo đuổi vẻ đẹp truyền thống
Lê Thanh Phương tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật nhưng lại lựa chọn việc thiết kế áo dài. Theo đuổi phong cách áo dài xưa và luôn tin vào con đường mình đi, Lê Thanh Phương nhất định không may áo dài theo ý thích của khách hàng mà không hợp với gu của anh. Anh cũng e ngại việc xuất hiện trên báo chí hay mời người đẹp để "tiếp thị" cho áo dài của mình dù có điều kiện để làm những việc đó vì đã từng đoạt giải nhì Vietnam Collection từ hồi sinh viên và là nhà thiết kế phục trang cho rất nhiều bộ phim. Chính vì thế, Lê Thanh Phương nghèo hơn nhiều nhà thiết kế khác.
Diễn viên Hồng Ánh rất yêu thích cách thiết kế áo dài của anh. Chính chị là một nhịp cầu để áo dài của anh đến Mỹ. Bởi trong một lần tới Mỹ, chị mặc áo dài Lê Thanh Phương và đã khiến người Mỹ “mê” liền tà áo dài này. Lê Thanh Phương nói nhờ những người như Hồng Ánh mà anh cảm thấy không cô độc trên con đường mình đi, giúp anh có thêm “lửa” để làm nghề. Anh cũng thích mình có những người khách hàng như vậy chứ không chạy theo thị hiếu, dù trả anh rất nhiều tiền để làm theo kiểu của họ anh cũng không chịu.
Cũng do “ương” nên có những thời kỳ Lê Thanh Phương ngưng thiết kế áo dài, chuyển sang làm thiết kế trang phục cho phim. Những bộ phim anh từng tham gia thiết kế khá đình đám như: Những cô gái chân dài, Thiên thần áo trắng, Bà mẹ nhí, Có lẽ ta yêu nhau, Cô dâu đại chiến, Linh lan trắng, Cô gái xấu xí…. Nhưng cuối cùng Lê Thanh Phương vẫn quay trở lại với áo dài vì niềm đam mê không thể nào nguôi tắt.
- Lê Thanh Phương hướng dẫn các người mẫu nghiệp dư luyện tập cho buổi trình diễn sắp tới. |
Mang áo dài “khoe” cùng nước Mỹ
Và Lê Thanh Phương đã được đại diện cho áo dài Việt Nam trình diễn tại lễ hội Tết Nguyên đán tại Bảo tàng Tự nhiên lớn nhất Hoa Kỳ. Đây là lễ hội đặc biệt dành cho những nước có Tết truyền thống theo lịch mặt trăng với sự tham dự của các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Lễ hội diễn ra vào ngày 25,26/1/2013. Lê Thanh Phương sẽ cùng dàn người mẫu trình diễn áo dài vào ngày 26 này.
Để chuẩn bị cho quá trình này, Lê Thanh Phương đã sang Mỹ từ giữa tháng 12 để tuyển người mẫu. Anh không chọn những người mẫu chuyên nghiệp mà tuyển chọn từ các bạn gái Việt kiều, du học sinh từ khắp các tiểu bang và các nơi trên thế giới để chọn ra những phom dáng mặc áo dài đẹp. Lê Thanh Phương không chọn người mẫu chuyên nghiệp vì anh thích những người mặc áo dài của anh là những người bình thường, sẽ đúng với tính chất lễ hội hơn.
Sau đó, anh lấy số đo của họ và quay trở lại Việt Nam thiết kế áo dài cho từng người mẫu. Ngày 17/1, Lê Thanh Phương đã quay lại Mỹ để chuẩn bị cho buổi tập luyện cho đêm trình diễn. Anh mang theo đạo cụ là nón lá và những bông hoa sen và cả những chiếc áo ngực nhọn, kiểu áo ngực của đúng thập niên 60 xưa. Anh đã mất khá nhiều thời gian tìm hiểu, thiết kể để làm được đúng kiểu áo ngực này.
Sau lễ hội Tết âm lịch ở Bảo tàng tự nhiên Mỹ, Lê Thanh Phương sẽ tiếp tục đem áo dài trình diễn ở một số tiểu bang có cộng đồng người Việt để phục vụ bà con nhân dịp tết âm lịch./.