Trình diễn đàn bầu, đàn tranh trong...tủ kính

(VOV) - Chương trình trình diễn sắp đặt “Bên trong – Bên ngoài” sẽ có 3 nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong...tủ kính.

Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy không chỉ được công chúng yêu nhạc dân tộc Việt Nam yêu mến mà tiếng đàn của chị còn vang lên trên các sân khấu lớn của nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Nga…Chị sẽ là chủ nhân của chương trình trình diễn sắp đặt “Bên trong - Bên ngoài” (Inside/ outside) diễn ra vào 2 ngày thứ 5, 8/11 (từ 11h-11h45, 14h-14h45, 18h-18h45) và thứ 6, 9/11 (từ 11h-11h45, 14h-14h45) tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội.

PV Đài TNVN gặp gỡ, trò chuyện với nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy về chương trình nghệ thuật trình diễn sắp đặt “Bên trong - Bên ngoài”.

PV: Xin chào nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy! Dự án âm nhạc của chị có tên gọi rất là đặc biệt “Bên trong- Bên ngoài”. Chị có thể chia sẻ “Bên trong- Bên ngoài” có ý nghĩa như thế nào?

NS Nguyễn Thanh Thủy: "Bên trong - bên ngoài"  là một phần trong dự án nghiên cứu quốc tế về âm nhạc trong chuyển động Music in Movement do Hội nghiên cứu Thụy Điển tài trợ. Cái tên “Bên trong - Bên ngoài” có rất nhiều ý nghĩa. Nó có sự tương tác nhiều chiều giữa hình ảnh thị giác và âm thanh. Trong buổi trình diễn này, chúng tôi xây dựng một phòng trưng bày với 3 tủ kính và bên trong là 3 nghệ sĩ  mặc trang phục dân tộc và biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Nghệ sỹ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy


Khán giả đến với phòng trừng bày này có thể lại gần và vào trong mỗi tủ kính để nhìn và nghe, khi ấy thì khán giả cũng nhìn được hình ảnh của chính mình trong và ngoài những tủ kính đó – điều này thể hiện một phần của “Bên trong – Bên ngoài” về mặt hình ảnh thị giác.

Còn về mặt âm thanh – bên ngoài 3 tủ kính sẽ là những âm thanh điện tử được kết nối với những âm thanh của các nhạc cụ dân tộc được 3 nghệ sĩ chơi trong tủ kính. Bên cạnh việc được thưởng thức những âm thanh bên ngoài khán giả cũng có thể đeo tai nghe và nghe một mình những bản dân ca truyền thống của Việt Nam. Như vậy, thông qua những tầng lớp hình ảnh và âm thanh khán giả sẽ có những trải nghiệm thú vị khác nhau về “Bên trong và Bên ngoài”.

PV: Xuất phát từ đâu mà chị lại có mong muốn mang tới cho công chúng những cái nhìn mới mẻ về âm nhạc truyền thống Việt Nam?

NS Nguyễn Thanh Thủy: “Bên trong - Bên ngoài” được xây dựng từ việc phân tích những điệu bộ trong biểu diễn âm nhạc dân tộc hiện nay. Đây là một tác phẩm sắp đặt và trình diễn với mong muốn nhìn vào âm nhạc truyền thống Việt Nam từ một quan điểm về giới. Chưa đầy một thế kỷ trước, hầu như chỉ có đàn ông chơi nhạc cụ dân tộc.

Khi âm nhạc chuyển từ những không gian nhỏ riêng biệt sang những chương trình lớn cho công chúng, phụ nữ dần dần chiếm vị trí trong trình diễn. Điều gì quan trọng trong sự thay đổi này? Có sự ảnh hưởng nào của giới trong trình diễn nhạc dân tộc hiện nay? Đâu là bên trong, đâu là bên ngoài khi trải nghiệm vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc?

3 nghệ sỹ sẽ biểu diễn đàn tranh, đàn bầu và đàn tỳ bà trong...tủ kính


Với tư cách là một nữ nhạc sỹ, tôi muốn tìm hiểu sâu đâu là bên trong và bên ngoài của sự thay đổi đó. Hiện nay, như chúng ta thấy có rất nhiều bạn trẻ nói rằng nhạc dân tộc là thể loại khó tiếp cận không có nhiều giới trẻ yêu thích hoặc đó chỉ là thể loại nhạc dành cho bảo tàng và nên đưa vào bảo tàng.

Chính vì thế mà việc chúng tôi tổ chức biểu diễn trong tủ kính là xuất phát từ quan niệm đó. Và với nghĩa bóng đó tôi sẽ đặt tất cả những nghệ sĩ, nữ nghệ sĩ cũng như âm nhạc truyền thống vào tủ kính giống như nó đã là một vật trưng bày ở trong bảo tàng. (cười)

PV: Như vậy trong tác phẩm này sẽ có 3 nữ nghệ sĩ đứng trong tủ kính và chơi âm nhạc dân tộc?

NS Nguyễn Thanh Thủy: Vâng, trong 3 tủ kính đó có hai người là nữ nghệ sĩ và một là nam nhưng đóng giả nữ chơi nhạc cụ dân tộc. Các nghệ sĩ trong ba tủ kính sẽ chơi đàn tranh, đàn bầu và đàn tỳ bà.

Chương trình trình diễn sắp đặt “Bên trong – Bên ngoài” được thực hiện với sự phối giúp đỡ của Hội Nghiên Cứu Thụy Điển, Hệ Âm nhạc –Thông tin – Giải trí (VOV3), Đài Tiếng nói Việt Nam, Quỹ Phát Triển Văn Hóa Hội Đồng Anh, Học Viện Âm Nhạc Malmo - Đại học Tổng Hợp Lund Thụy Điển. Chương trình không bán vé, khán giả vào cửa tự do tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội.

PV: Tại sao chị lại chọn 3 loại đàn này ?

NS Nguyễn Thanh Thủy: Bởi đây là 3 nhạc cụ rất quen thuộc và thông dụng trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Có thể nói, khi nhắc tới âm nhạc truyền thống Việt Nam thì chúng ta sẽ nhớ ngay tới hình ảnh của 3 loại nhạc cụ này. Đây cũng là nhạc cụ quen thuộc của nhóm The Six Tones của chúng tôi.

PV: Chất liệu âm nhạc dân gian nào sẽ được các nghệ sĩ trình diễn trong chương trình “Bên trong – Bên ngoài”?

NS Nguyễn Thanh Thủy: Chúng tôi sẽ sử dụng chất liệu âm nhạc cải lương bao gồm những bài vọng cổ hay “Dạ cổ hoài lang”.

PV: Tại sao chị lại chọn chất liệu âm nhạc cải lương?

NS Nguyễn Thanh Thủy: Trong tác phẩm này, chúng tôi sử dụng những dạ oán lấy trong nhạc cải lương sau đó là một phần của dạ cổ hoài lang và sau đó là vọng cổ. Đây là sợi dây phát triển giống như một đường dây lịch sử của một câu chuyện và nó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình lịch sử đó.  Nó có nhiều tên gọi dưới mỗi thời kỳ và mỗi thời có mỗi dị bản khác nhau và có thể hiểu đó là một sự thay đổi trong âm nhạc truyền thống Việt Nam.

PV: 3 nghệ sĩ sẽ chơi cùng một bản nhạc hay mỗi người một bản?

NS Nguyễn Thanh Thủy: Chúng tôi chơi độc lập (không phải là hòa tấu). Ba tủ kính là riêng biệt và không nghe được nhau chỉ nhìn được nhau thôi và đánh hoàn toàn riêng biệt.

Riêng nghệ sĩ âm thanh Matt Wright người Anh làm về nhạc điện tử sẽ nghe được cả ba người chơi nhạc trong ba tủ kính, đồng thời, anh cũng cho dòng nhạc điện tử vào đó và phát ra ngoài phòng lớn. Như vậy, cái nghe và cái nhìn cũng như bên trong và bên ngoài sẽ mang lại cho khán giả những trải nghiệm thú vị với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

PV: Cảm ơn nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên