Trở lại 40 năm cùng “Mùi cỏ cháy”
Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười: “Nhưng được làm phim về các anh hùng, các liệt sĩ đã ngã xuống là một vinh dự đối với chúng tôi”
Sau gần 1 năm khởi quay, bộ phim truyện mang tên “Mùi cỏ cháy” đã được ê kíp làm phim của Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện những cảnh quay cuối cùng. Với bối cảnh là Thành cổ Quảng Trị được tái hiện một phần tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam – Sơn Tây (Hà Nội).
Cái tên “Mùi cỏ cháy” xuất phát bằng cảm hứng từ những câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo "Tuổi hai mươi chúng tôi mềm như cỏ/ Và dữ dội như cỏ/ Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ Tuổi hai mươi ai mà chả tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn gì Tổ quốc phải không em…". Sau nhiều thăng trầm, từ vấn đề kinh phí, thay đổi đạo diễn… cho đến thời điểm hiện tại đã có thể nói là bộ phim đã hoàn thành.
Hai chiếc M113 cũng là chiến lợi phẩm thời chống Mỹ cũng “tham gia” trong một Tiểu đoàn quân Ngụy. |
“Mùi cỏ cháy” là bộ phim truyện được dựa trên các tập nhật ký, hồi ký các cựu chiến binh mà những câu chuyện của họ được lưu lại trong Tủ sách Mãi mãi tuổi 20 như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Thượng Lân... đã được nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm chuyển thể kịch bản phim. Bốn nhân vật chính trong phim mang tên Hoàng – Thành – Thăng – Long đều là tân sinh viên khoa Văn trường ĐH Tổng hợp nay là ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn đã cùng bạn bè đồng trang lứa, gác bút nghiên lên đường nhập ngũ và ngã xuống trong thời chiến khốc liệt.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười cho biết: “Đây có thể nói là một bản hùng ca về mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Thành Cổ Quảng Trị được tái hiện. Làm phim đề tài này chiến tranh có những thú vị riêng mặc dù cực kỳ khó khăn về mọi mặt. Nhưng được làm phim về các anh hùng, các liệt sĩ đã ngã xuống là một vinh dự đối với chúng tôi”.
Những cuộc chiến được tái hiện giữa bộ đội và quân địch |
Gần 1 năm nay, đoàn làm phim hầu như không được nghỉ. Các cảnh quay đầu đoàn phim tái hiện lại cuộc sống Hà Nội những năm 1970, đây là một điều không hề đơn giản bởi vậy đoàn làm phim đã sử dụng triệt để những cảnh quay sinh hoạt tại gia đình ở địa chỉ ngôi nhà cổ số 87 phố Mã Mây – Hà Nội… Và bốn nhân vật chính trong bộ phim cũng đều là những diễn viên trẻ lần đầu đóng phim: Tô Tuấn Dũng, Thanh Sơn, Lê Văn Thơm đều là sinh viên trường ĐH SK&ĐA và hóa thân thành Thành, Thăng, Long. Còn Năng Tùng – cậu sinh viên khoa Vật lý – ĐH Quốc gia Hà Nội thì vào vai Hoàng lúc trẻ và đạo diễn Hữu Mười đảm nhận vai diễn thời hiện tại.
Trải qua chiến tranh, trong 4 người bạn chỉ còn Hoàng là người duy nhất trở về và bộ phim đã xen kẽ giữa cuộc sống hiện tại của Hoàng với quá khứ chiến tranh. Tất cả những tố chất của các liệt sĩ như Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Thượng Lân, Hoàng Kim Giao... được hiển hiện qua từng chân dung nhân vật.
Bộ phim đang trong thời gian hậu kỳ và sẽ được công chiếu vào dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 - 22/12/2011./.