Trưng bày đèn cổ có niên đại gần 2.500 năm
(VOV) - Đây là những chiếc đèn được chế tác khoảng đầu thế kỷ 20 với các họa tiết tinh tế và đa dạng về chất liệu, kích thước.
Sáng 1/2, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức lễ khai mạc trưng bày “Đèn cổ Việt Nam”. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Xuân Quý Tỵ của Bảo tàng.
Đến tham quan trưng bày, du khách có cơ hội thưởng lãm hơn 50 hiện vật đặc sắc thuộc bộ sưu tập đèn cổ có niên đại cách đây khoảng 2.500 năm, được chế tác công phu, tinh tế, đa dạng về chất liệu, kiểu dáng, kích thước.
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, thông qua trưng bày “Đèn cổ Việt Nam”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước về cấu tạo, kỹ thuật chế tác, cách thức, chức năng sử dụng đèn cổ ở Việt Nam cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa trong bộ sưu tập.
“Có nhiều hiện vật được sưu tập từ các nhà khảo cổ Pháp trước đây như, cây đèn người quỳ - một trong số hiện vật chúng tôi đánh giá rất cao và được công bố là hiện vật quốc gia. Cây đèn này được một học giả người Pháp tìm thấy ở ngôi mộ tại Thanh Hóa” - ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia chia sẻ.
Trưng bày đèn cổ Việt Nam gồm 3 phần. Phấn thứ nhất là các loại đèn thuộc văn hóa thời sơ sử có niên đại từ khoảng Thế kỷ thứ 5 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, chủ yếu là chất liệu Đồng với nhiều hình tượng người, tượng các con vật như voi, bò… Phần thứ 2 là sưu tập đèn từ thế kỷ 1 đến thứ 10 với chất liệu đồng và gốm. Phần cuối là sưu tập đèn từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20 thuộc thời phong kiến Đại Việt độc lập tự chủ cho thấy sự phát triển cao cả về mặt kỹ thuật chế tác lẫn nghệ thuật trang trí bằng các chất liệu khác nhau như gốm, đồng, sắt, gỗ…
Trưng bày đèn cổ Việt Nam diễn ra từ 1/2 đến hết tháng 5/2013./.
Một số hình ảnh về những mẫu đèn được trưng bày tại triển lãm: