Trung tâm dịch Văn học: Đưa văn học Việt Nam ra thế giới

VOV.VN -Đó là nhận định của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam tại lễ ra mắt Trung tâm dịch Văn học diễn ra sáng 26/5 tại Hà Nội.

Trung tâm dịch Văn học sẽ ưu tiên 70% số lượng tác phẩm dịch văn học Việt Nam ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, 30% còn lại sẽ giới thiệu tác phẩm văn học nước ngoài vào Việt Nam. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm dịch Văn học cho biết, từ sau năm 1975, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có một kênh cụ thể nào để giới thiệu những bản dịch văn học một cách đầy đủ, có hệ thống cho các nhà xuất bản nước ngoài. Đến năm 2015, Trung tâm dịch Văn học sẽ tổ chức dịch tác phẩm văn học Việt Nam như: Nhật kí trong tù (Chủ tịch Hồ Chí Minh), tuyển tập truyện ngắn hay nhất trong thời kì chiến tranh, tuyển tập thơ, văn của những gương mặt trẻ Việt Nam trong thời kì đổi mới sang tiếng Ả Rập, tiếng Tây Ban Nha (dựa trên những văn bản dịch Tiếng Anh đã có sẵn).

Trung tâm dịch Văn học sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm giới thiệu, kết nối đưa các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài

Bên cạnh đó, Trung tâm dịch Văn học sẽ giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam trên tạp chí Hoa Sen - Hội Nhà văn Á Phi bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Ả Rập, thành lập trang web văn học Việt Nam bằng tiếng Anh. 

"Phương thức đầu tiên là chúng ta hợp tác với các nhà xuất bản trên thế giới, giới thiệu để họ thấy được giá trị, cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn học Việt Nam mà chưa từng biết đến. Qua đó, để thấy được là cần thiết để dịch và giới thiệu đến xứ sở của họ. Xuất bản tại nước ngoài nghĩa là chúng ta chịu chi phí để giới thiệu những cuốn sách của chúng ta. Phương thức thứ hai là chúng ta phải bắt đầu tiếp cận bằng việc giới thiệu những tác phẩm, tác giả đơn lẻ để từ đó lan tỏa dần trên các tạp chí của họ" - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết.

Trước khi Trung tâm dịch Văn học ra đời có một số tác phẩm văn học Việt Nam như: Thơ văn Lý Trần, Thơ Nguyễn Du, Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Thời xa vắng (Lê Lựu), Nhật kí Đặng Thùy Trâm… được dịch ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Ba Lan… Do vậy, sự ra đời của Trung tâm dịch Văn học được kì vọng như một dấu mốc cho hoạt động quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên