Truyện tranh không chỉ dành cho trẻ em
Jean Auquier - người được coi là “cha đẻ” của Festival truyện tranh tại Việt Nam trả lời PV của VOV
Jean Auquier - Giám đốc Trung tâm Truyện tranh Bỉ là một trong hai khách mời của Festival truyện tranh lần thứ 3 do Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức đang diễn ra tại Hà Nội. Điều đặc biệt, Jean Auquier được coi là “cha đẻ” của Festival truyện tranh tại Việt Nam.
PV: Đây là lần thứ hai ông dự Festival truyện tranh Việt Nam, ông nhận thấy có sự khác biệt nào so với lần đầu tiên ông đến Việt Nam cách đây 3 năm?
Ông Jean Auquier: Chắc chắn có sự thay đổi rất lớn so với lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Tôi thấy sự phát triển rõ rệt hơn của truyện tranh Việt Nam và sự quan tâm của báo chí đối với truyện tranh cũng nhiều hơn. Qua festival lần này, tôi được xem nhiều bản vẽ của những tác giả truyện tranh của NXB Kim Đồng. Thực ra ở Việt Nam trước đây hầu như mới chỉ phát triển truyện có tranh minh hoạ, chứ không phải là truyện tranh, nhưng những tác phẩm tại festival truyện tranh lần này đã có ngôn ngữ riêng biệt, cách kể chuyện hay, cách vẽ tốt, không thua kém các tác giả ở Canada hay Congo. Tôi nghĩ các bạn có tác giả nhưng chưa có độc giả. Các tác giả của Việt Nam rất có tài năng.
PV: Truyện tranh ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho đối tượng trẻ em, thậm chí có bậc cha mẹ còn ngăn cấm con cái đọc vì nó ảnh hưởng đến việc học hành. Quan điểm của ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Ông Jean Auquier: Thực ra điều này tôi không lạ lắm vì trước đây tình trạng này cũng đã xảy ra ở Bỉ. Một số gia đình, phụ huynh cũng không cho con cái đọc truyện tranh và chỉ có quyền đọc truyện tranh sau mỗi kỳ thi. Điều này thật đáng tiếc cho việc đọc, bởi truyện tranh có một ngôn ngữ vô cùng phong phú, nó kích thích sự sáng tạo trong hình dung của trẻ em. Truyện tranh là cách kể chuyện qua hình ảnh, tạo trí tưởng tượng rất tốt cho các em. Như bạn biết, cái tài của tác giả là tạo ra hình ảnh, nhưng điều quan trọng nhất là độc giả phải biết thưởng thức những hình ảnh ấy và chính độc giả phải tưởng tượng khi đọc, bởi vì truyện tranh là những hình ảnh cố định. Tất cả sự chuyển động, âm thanh phải do người đọc tưởng tượng.
Ông Jean Auquier |
PV: Được coi là người có vai trò quan trọng trong các festival truyện tranh ở Việt Nam, qua những lần tổ chức festival này, ông kỳ vọng điều gì?
Ông Jean Auquier: Tôi xin cảm ơn phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam và NXB Kim Đồng đã là những nhà sáng lập ra festival này, còn tôi chỉ như là người khởi động mà thôi. Với tôi, là một người Bỉ đến Việt Nam thì mục đích chính là tạo ra sự trao đổi, giao lưu văn hoá giữa hai đất nước. Mục đích lớn nhất của việc tổ chức các festival này là nhằm phát triển, thúc đẩy hoạt động sáng tác truyện tranh ở Việt Nam. Việt Nam là một đất nước rất giàu hình ảnh, đi đến đâu cũng có nhiều hình ảnh, nhiều câu chuyện, huyền thoại. Đó là nguồn cảm hứng cho sự phát triển truyện tranh. Truyện tranh là một ngôn ngữ rất hiện đại, một nghệ thuật hiện đại. Với tất cả chất liệu mà các bạn có thì nó là chất liệu sáng tác rất tốt cho các tác giả truyện tranh trong tương lai. Thêm nữa, các bạn cũng có một lượng độc giả rất lớn, cả người lớn và trẻ em.
PV: Theo quan sát của ông, truyện tranh Việt Nam có gì đặc biệt?
Ông Jean Auquier: Khi tới Việt Nam, tôi bắt gặp một hình thức nặn trò chơi của Việt Nam là tò he. Đây là trò chơi rất tuyệt vời và tôi thấy trẻ em ở mọi nơi trên thế giới có trò chơi, tranh ảnh hoặc hình thức kể chuyện khá tương đồng. Tò he hay múa rối nước của Việt Nam đều là cách kể truyện qua hình ảnh. Và như vậy, ngôn ngữ và hình thức chọn hình vẽ đã tồn tại rất lâu đời. Truyện tranh chỉ là ngôn ngữ hiện đại chuyển tải những câu chuyện người ta muốn kể lại từ xa xưa. Ở châu Âu hay ở Bỉ, truyện tranh được coi là nền nghệ thuật thứ 9. Truyện tranh Việt Nam cũng có thể được coi là nền nghệ thuật.
PV: Ông có thể cho biết về những dự án hợp tác truyện tranh giữa Việt Nam và Bỉ?
Ông Jean Auquier: Như bạn thấy, dự án hợp tác đã tồn tại vài năm nay rồi, thông qua việc tổ chức festival và việc xuất bản các truyện tranh ở Việt Nam. Hy vọng một ngày nào đó, tôi có thể đón một triển lãm truyện tranh của các tác giả Việt Nam ở Bỉ.
PV: Dự báo của ông về tương lai phát triển của truyện tranh tại Việt Nam?
Ông Jean Auquier: Tôi tin chắc rằng truyện tranh sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh là sự phát triển này trước hết phải thông qua báo chí. Tôi hy vọng các báo và tạp chí sẽ quan tâm đến truyện tranh để phát triển ngôn ngữ nghệ thuật này vì truyện tranh không chỉ dành cho trẻ em mà còn dành cho người lớn. Giống như điện ảnh, nhiếp ảnh, truyện tranh là môn nghệ thuật thu hút tất cả mọi giới. Điều quan trọng là chúng ta cần phải thay đổi quan niệm rằng: truyện tranh không chỉ dành cho trẻ em.
PV: Xin cảm ơn ông!./.