Truyện tranh về những ông Trạng cười lừng danh
(VOV) - Nói về tiếng cười dân gian trong kho tàng văn học Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua những câu chuyện của các ông Trạng.
Từ Bắc chí Nam xưa nay vẫn lưu truyền nhiều nhiều tích truyện về họ, những người thông minh với lí lẽ sắc bén.
Hình ảnh làng quê xưa, những phong tục, sinh hoạt thường ngày hiện lên vui nhộn, ấm nồng qua những câu chuyện Trạng. Đó là hơi thở cuộc sống đồng quê mộc mạc; là tinh thần vui sống, chống ưu phiền; là tư tưởng tự do, phóng khoáng của người Việt ta. Những nét đẹp văn hóa ấy đã trở thành chất liệu tuyệt vời cho bộ truyện tranh màu “Những ông trạng dân gian lừng danh”.
Lời kể súc tích, dí dỏm cùng những minh hoạ sinh động đã làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Đọc truyện các ông Trạng, sau tiếng cười sảng khoái, là những thức cảm nhân sinh thâm thúy và giàu ý nghĩa.
Trọn bộ “Những ông trạng dân gian lừng danh” gồm 5 cuốn: Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Ba Phi, Xiển Bột, Ba Giai - Tú Xuất. Sách in màu khổ lớn, minh họa rất có phong cách của các họa sĩ nổi tiếng: Nguyễn Bích, Tạ Huy Long, Lê Minh Hải…
* “Trạng Quỳnh, ông Trạng thâm thúy” tập hợp 15 truyện cười dân gian sảng khoái, bộc lộ trí tuệ sâu sắc, phong phú của người lao động nhằm đả kích lối sống xa hoa, lộng quyền của bọn vua chúa, tính kiêu ngạo của bọn sứ thần phương Bắc, cũng như mọi thói hư tật xấu trong đời sống xã hội... Truyện Trạng Quỳnh hấp dẫn và phổ biến đến nỗi từ mấy trăm năm nay, đã là người Việt Nam, không ai không biết hay không thuộc ít nhất dăm ba chuyện của Trạng Quỳnh.
* “Trạng Lợn – Ông Trạng may mắn”. Vốn xuất thân trong gia đình dòng dõi khoa bảng, nhưng Trạng Lợn không “phát” về đường văn chương mà chỉ có tài biện bác, lí luận. Từ thuở bé Trạng Lợn đã được nhiều phần may mắn, cứ nói mò mà trúng được mấy lần hạnh vận, nhớ mò thơ phú mà lấy được tiểu thư nhà khuê các, rồi nhờ cụ thánh mà được phong Trạng nguyên đi sứ cả sang Tầu... cuối đời kể cũng vinh hiển. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, nhờ ông Trạng may mắn này mà người đời sau được nhiều trận cười sảng khoái.
* “Xiển Bột – Ông Trạng chữa bệnh”, một nhân vật dân gian được cho là có thật tên là Nguyễn Xiển, sống vào cuối thời phong kiến nước ta, tại làng Hoằng Bột (nay là xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Tương truyền khi mới sinh ra, Xiển mặt vuông chữ điền, tai to như tai Phật, miệng rộng, mắt sáng, tướng rất đặc biệt. Xiển Bột nổi tiếng trong dân gian vì những câu chuyện cười dí dỏm, châm biếm, đả kích những thói xấu của xã hội, những quan lại, cường hào chuyên hiếp đáp dân lành. Ông không những dùng trí tuệ trừng trị các quan mà còn bỡn cợt cả nhà vua, thực thẳng thắn lắm thay!
* “Ba Giai – Tú Xuất, Cao thủ quậy phá” là một cặp đôi bất hủ trong tích truyện về các ông Trạng. Nhiều dị bản về hai “cao thủ chơi xỏ” này đều thừa nhận Tú Xuất thuộc dòng dõi nhà gia giáo, làm thơ rất tài, biện luận hùng hồn, mưu trí mẫn tiệp... còn Ba Giai cũng dòng có học, dĩnh ngộ thông minh, nhưng thi cử không thành nên thành ra nghịch ngợm, phá phách. Đặt trong bối cảnh loạn lạc đầu thế kỉ 20, quyền hành nằm trong tay người Pháp, triều đình nhu nhược, quan lại tham lam, dân tình đói kém, lòng người tan tác, Ba Giai – Tú Xuất có lẽ là đại diện cho một số thanh niên tuy có tài nhưng mất phương hướng, không biết thi triển sức mình như thế nào, sinh ra thất chí, lấy chọc ngoáy làm vui... Đằng sau tiếng cười của họ, có vị đắng và cả tiếc nuối.
* “Bác Ba Phi – “Trạng” nói dóc Nam Bộ”, nguyên mẫu nhân vật là nghệ nhân Nguyễn Long Phi (1884-1964). Bác vốn là một nông dân tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Bác sinh ra tại tỉnh Đồng Tháp, từ bé đã phải đi cày thuê để nuôi 8 người em nhỏ. Khi 15 tuổi, mẹ qua đời, bác trở thành lao động chính trong gia đình. Tuy cuộc sống cơ cực, ban ngày phải đi khẩn hoang, cày cuốc ruộng vườn; đến đêm, bác thường tham gia tụ họp đờn ca, bà con trong xóm rất mê tiếng ca và nể trọng tính tình vui vẻ, bộc trực, khảng khái của bác. Bác Ba Phi thuộc lớp hậu duệ của những tiền nhân đi khai mở rừng U Minh. Cả quãng đời bác là quá trình khai phá đất rừng U Minh nguyên sinh hào phóng mà cũng khắc nghiệt.
Với tinh thần khai phá, tính lạc quan yêu đời, thế giới quan của bác Ba Phi hiện ra thật sinh động và đáng yêu. Những câu chuyện của bác Ba Phi mang lại cho người nghe tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng rất giàu đặc trưng Nam Bộ, ẩn chứa tính hào hùng của lớp người đi mở đất, lòng yêu thương thiên nhiên và con người./.