TS. Đinh Hồng Hải: Việt Nam nên phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Tiến sỹ Đinh Hồng Hải vừa có buổi thuyết trình nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận đương đại tại Cafe sách Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Việt Nam là một quốc gia có lịch sử văn hoá lâu đời với nhiều di tích danh lam - thắng cảnh. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 10 di sản văn hoá thế giới với 5 vật thể và 5 phi vật thể được UNESCO công nhận. Việt Nam cũng là một quốc gia có thành phần dân cư hết sức đa dạng với 54 tộc người anh em đó là một nguồn tư liệu sống vô giá về văn hoá các tộc người. Với những giá trị nổi bật đó, văn hoá truyền thống Việt Nam được các nhà khoa học ví như “một bảo tàng sống” của văn hoá Đông Nam Á.

Bên cạnh những di sản văn hoá có giá trị lớn đã được thế giới công nhận, Việt Nam còn có rất nhiều thành tố quan trọng trong văn hoá dân gian đóng vai trò là nền tảng của văn hoá truyền thống Việt Nam. Đó chính là “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hoá truyền thống Việt Nam.

Cuốn sách “Những Biểu Tượng Đặc Trưng Trong Văn Hóa Truyền Thống Việt Nam” là chuyên khảo đầu tiên về Các bộ trang trí điển hình trong văn hoá truyền thống Việt Nam.

Cùng Phóng viên VOV Online trò chuyện với diễn giả- tác giả Đinh Hồng Hải.

PV: Ông có thể giới thiệu tổng quát với độc giả VOV Online về cuốn sách “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam”?

TS. Đinh Hồng Hải: Cuốn sách là công trình nghiên cứu, một trong những dự án mà chúng tôi làm cách đây 10 năm nghiên cứu biểu tượng. Nội dung của cuốn sách là nghiên cứu biểu tượng những hướng tiếp cận đương đại. Ở đây, mục tiêu chúng tôi đề cập đến là những cách tiếp cận đối với biểu tượng.

Thứ nhất, chúng ta phải kể đến những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam và những biểu tượng của thời hiện đại. Đó có thể là phần cuối của dự án và chúng tôi sẽ đưa ra một lý thuyết mà ở trên thế giới người ta có đề cập đến biểu tượng. Do đó, chúng tôi sẽ đặt tên cho cuốn sách là “Nghiên cứu biểu tượng những hướng tiếp cận đương đại”. Và nội dung của buổi thuyết trình ngày hôm nay cũng chính là nền tảng của cuốn sách đấy.

Hiện tại với cuốn sách này, chúng tôi đã dịch được khoảng 200 trang những ý kiến, những bài viết của các học giả hàng đầu trên thế giới nghiên cứu về biểu tượng và chúng tôi mong muốn sẽ đưa đến cho bạn đọc một cái nhìn tổng thể trước khi chúng ta tiếp cận đến những cái cụ thể trong nội dung của văn hóa Việt Nam.

TS. Đinh Hồng Hải

PV: Nhìn nhận và đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa cũng như của người dân về những biểu tượng đặc trưng văn hóa Việt Nam hiện nay còn có những cách nhìn đa chiều. Với tư cách là tác giả cuốn sách, ông cho rằng chúng ta phải định hướng như thế nào để có sự nhất quán trong cách ứng xử cũng như cách nhìn nhận đó?

Đinh Hồng Hải là Tiến sỹ Nhân học văn hoá, nghiên cứu sinh trao đổi (Visiting Fellow) tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ 2008-2010, hiện làm việc tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của ông là nghiên cứu biểu tượng, kí hiệu học và nhân học biểu tượng.

TS. Đinh Hồng Hải: Theo tôi có 2 vấn đề đặt ra. Thứ nhất, người Việt Nam chúng ta có cái nhìn nhận cũng như tiếp cận với những biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam chưa sâu và chưa đầy đủ. Ví dụ bây giờ tôi có thể đặt một câu hỏi với bất cứ em sinh viên hay em học sinh nào Tam đa là gì? Tứ linh là gì? Ngũ phúc hay Lục tặc là gì?,… có thể các em sẽ không biết được.

Điều đó làm thiếu đi chiều sâu và có thể một vấn đề nữa mà chúng ta chưa đề cập tới là thiếu phương pháp tiếp cận.

Ví dụ thời hiện đại của chúng ta có vô vàn biểu tượng diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, xã hội nhưng tiếp cận nó bằng cách nào thì chúng ta chưa có hệ thống phương pháp đầy đủ.

Chính vì thế, hôm nay tôi sẽ đưa ra ba cách tiếp cận chính: Thứ nhất là tiếp cận theo góc độ ngôn ngữ, thứ hai là tiếp cận dưới góc độ ký hiệu học và thứ ba là tiếp cận dưới góc độ nhân học.

Đó là những bước tiếp theo mà chúng tôi sẽ làm, có thể sẽ phải mất nhiều năm mới hoàn thành ngay được. Và cuốn sách “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam” chính là cuốn sách đầu tiên trong bộ sách đầu tiên của chúng tôi bàn về vấn đề này.

TS. Đinh Hồng Hải tại buổi thuyết trình ngày hôm qua, 6/7

PV: Vậy trong quá trình nghiên cứu đó, ông đã gặp phải những khó khăn như thế nào?

TS. Đinh Hồng Hải: Cách đây 10 năm tôi đã tiến hành tiếp cận nghiên cứu biểu tượng và có lẽ khó khăn lớn nhất đối với tôi, đó chính là phương pháp tiếp cận. Như chúng ta đều biết, ở Việt Nam hiện nay đã có trên 10 di sản văn hóa thế giới, đó đều là những di sản được thế giới công nhận. Nhưng có một vấn đề khá nan giải là chúng ta tìm hiểu nó như thế nào thì chưa có nhiều và mục tiêu của chúng tôi khi tiếp cận những di sản văn hóa đó là tìm hiểu những giá trị của nó trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

PV: Vậy thông qua buổi diễn thuyết này cũng như giới thiệu cuốn sách của mình, ông mong muốn các nhà nghiên cứu văn hóa và người dân Việt Nam hiểu như thế nào về các biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt Nam?

TS. Đinh Hồng Hải: Mục tiêu của chúng tôi đề ra là tạo nên một sự hứng thú, sự đam mê của bạn đọc, sinh viên, học sinh Việt Nam với những biểu tượng văn hóa truyền thống. Đó đều là những giá trị văn hóa rất đặc trưng mà cha ông chúng ta trao lại cho ngày hôm nay. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta cần tìm hiểu và bảo vệ nó như những tiêu chí mà UNESCO hay Đảng và Nhà nước đề cập đến. Ngoài ra, chúng ta cần phải bảo tồn và phát huy nó trong văn hóa đương đại.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên