Từ thành Cổ Loa đến kinh đô Thăng Long

Những di chỉ khảo cổ tại Cổ Loa cho thấy con người đã xuất hiện ở khu vực là kinh đô của nước Đại Việt 1.000 năm trước từ cách đây 2 vạn năm, giai đoạn của nền văn hóa Sơn Vi

Tuy nhiên, đến thời kỳ băng tan, biển tiến sâu vào đất liền, các cư dân của thời đại đồ đá mới bị đẩy lùi lên vùng núi. Phải tới khoảng 4000 – 5.000 năm trước Công Nguyên, con người mới quay lại sinh sống ở nơi đây. Các hiện vật khảo cổ giai đoạn tiếp theo, từ đầu thời đại đồ đồng đến đầu thời đại đồ sắt, minh chứng cho sự hiện diện của Hà Nội ở cả bốn thời đại văn hóa: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Sự xuất hiện của thành Cổ Loa ghi dấu vùng đất Thăng Long lần đầu tiên trở thành một đô thị trung tâm về chính trị và xã hội.

Năm 208 TCN, nước Âu Lạc được thành lập trên cơ sở tiếp nối nước Văn Lang thời các vua Hùng - một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Nước Âu Lạc ra đời là sự hợp nhất của hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt, thể hiện bước phát triển mới của quốc gia cổ đại người Việt. Thục Phán An Dương Vương - vua nước Âu Lạc, trong một bối cảnh và yêu cầu mới, đã thể hiện tầm nhìn của một nhà chính trị chiến lược khi quyết định dời vị trí trung tâm đất nước từ vùng Phong Châu ngày nay xuống vùng đồng bằng - chọn Cổ Loa làm nơi đóng đô.  

Quyết định chọn vùng đất Cổ Loa làm kinh đô, An Dương Vương và quân dân Âu Lạc bấy giờ cũng đồng thời bắt tay vào một nỗ lực phi thường: chỉ trong một thời gian ngắn, một toà thành đồ sộ và độc đáo đã hoàn thành và được thần thoại hóa với sự tích Thần Kim Quy. Đó là thành Cổ Loa, “thành ốc”, có thành cao hào sâu, có thuỷ bộ liên hoàn, có trong ngoài phối hợp... Cùng sự đoàn kết quân dân trên dưới một lòng, toà thành vững chắc này đã khiến quân xâm lược phương Bắc nhiều phen đại bại.   

Nhưng rồi cuối cùng thành Cổ Loa - nước Âu Lạc đã không đứng vững được trước kẻ thù xâm lược ngoại bang. Thành chắc đấy, vũ khí lợi hại đấy, nhưng từ vua quan đến chúng dân Âu Lạc - tổ tiên ta buổi đầu dựng nước - vẫn còn quá chất phác, hồn nhiên, mà kẻ thù lại lắm xảo quyệt, mưu mô. Nguyên nhân mất nước dồn cả vào một lỗi lầm của Mỵ Châu nhẹ dạ tin người. An Dương Vương xé lòng khi phải tuốt gươm chém đầu con gái, nhưng đó cũng chính là thời điểm người Việt nhận thức sâu sắc phải làm gì để tồn tại và tiến lên trong một bối cảnh mà xâm lăng từ bên ngoài sớm trở thành áp lực. Chỉ có điều, cha ông ta đã phải trả giá quá đắt cho bài học lịch sử này. Nước mất, nhà tan, cơ đồ Âu Lạc chìm đắm trong đêm trường Bắc thuộc nghìn năm.  

Các thế lực phong kiến phương Bắc, sau khi tiêu diệt nước Nam Hán của Triệu Đà, trong một thời gian dài, vẫn chọn Cổ Loa làm thủ phủ cho vùng đất phương Nam. Cổ Loa vẫn sừng sững đó một toà thành - chứng tích hào hùng của thời mở nước. Người Việt vẫn hướng về Cổ Loa mà tăng thêm nghị lực, tăng thêm sức mạnh trong cuộc đấu tranh bền bỉ khôi phục nền độc lập dân tộc. Gần 1.000 năm chịu sự áp bức nô dịch của phong kiến phương Bắc là gần 1.000 năm người Việt ngoan cường chống trả, không chịu để bị đồng hóa, không chịu để mất nước.  

Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938 đã kết thúc hơn một nghìn năm mất nước. Ngô Quyền, kế thừa thành quả của hơn ba mươi năm dựng nền tự chủ thời họ Khúc, họ Dương, đã có đủ sức mạnh nhấn chìm hàng vạn quân Nam Hán xuống sông Bạch Đằng, khẳng định dứt khoát nền độc lập của người Việt. Trở về Cổ Loa đóng đô, Ngô Vương Quyền muốn nối lại quốc thống, chắp lại mạch dòng. ý thức đó của Ngô Quyền đủ thấy dòng chảy tinh thần Việt không hề gián đoạn, trái lại nó càng được củng cố trước những thử thách khắc nghiệt trong hơn một nghìn năm mất nước. Thành trì được bồi trúc thêm, điện đài được xây dựng mới. Triều đình Cổ Loa tuy mới được thiết lập nhưng cũng đã hiện rõ vẻ bề thế đế vương.

Nhưng chính quyền Ngô Vương Quyền không duy trì được lâu dài. Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), triều đình vắng đi người đủ tài đủ đức, đủ công huân để các hào trưởng anh hùng nhất khoảnh tự nguyện thần phục. Chính quyền Cổ Loa tan rã (năm 965), đất nước loạn lạc, mười hai sứ quân tung tác khắp nơi. Nền độc lập vừa giành lại được có nguy cơ đổ vỡ khi phải đối diện với một nhà Tống vừa mới lên cầm quyền. Đinh Bộ Lĩnh cờ lau dẹp loạn, thống nhất sơn hà, lấy kinh đô ở vùng Hoa Lư (năm 968). Trải các nhà Đinh - Tiền Lê, với nhiều nỗ lực lớn lao, quốc gia độc lập và thống nhất Đại Cồ Việt được xác lập vững chắc. Trên cơ sở đó, năm 1010 Nhà vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô ra thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long. Một kỷ nguyên mới bắt đầu.

Đế đô Cổ Loa đã làm trọn vai trò lịch sử vĩ đại khơi dòng và nối dòng, để đất nước quá độ qua Hoa Lư, rồi vững vàng ở vùng đất Kinh Bắc “long bàn hổ cứ”. Từ Cổ Loa đến Thăng Long và Hà Nội - thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, một hành trình lịch sử không phải chỉ một nghìn năm.

Lòng đất Cổ Loa là nơi ẩn dấu nhiều tầng văn hoá, từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn, trở thành nơi “hội tụ” của Văn minh sông Hồng, với hàng loạt di chỉ khảo cổ trên địa bàn Cổ Loa và vùng phụ cận, trong đó không ít đã đi vào bản đồ khảo cổ học Việt Nam nổi tiếng trong nước và thế giới đặc biệt là hệ thống tường thành, kỹ thuật chế tác vũ khí (nỏ thần). Cổ Loa và khu vực xung quanh Hà Nội đã và sẽ là mảnh đất hấp dẫn đối với các nhà khảo cổ học để lật tìm về quá khứ xa xưa của vùng đất này, cũng là hình ảnh xa xưa của Việt Nam trong những ngày đầu của quá trình dựng nước. Tiềm ẩn mà cũng là tiềm năng, là di sản khi mỗi tấc đất Cổ Loa đều ẩn chứa những trang quá khứ kỳ bí và hấp dẫn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên