Tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng
(VOV) -Sáng nay (22/10), tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-2012)
Sau 100 năm, nhà văn Vũ Trọng Phụng vẫn là cây bút hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng 8, được nhắc đến nhiều nhất trên văn đàn. Dù tuổi đời và tuổi nghề rất ngắn ngủi nhưng ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị như các tiểu thuyết: “Giông tố”, “Số đỏ”, “Làm đĩ”, “Vỡ đê”; các phóng sự “Cơm thầy cơm cô”, Dân biểu dân biểu”, “Vẽ nhọ bôi hề”, “Kĩ nghệ lấy Tây” , “Lục xì” …và hàng chục truyện ngắn khác.
Những sáng tác “để đời” của ông được ghi nhận là những di sản đặc sắc của thế hệ vàng văn chương Việt Nam hiện đại bởi lẽ những hình tượng nhân vật, số phận con người và rất nhiều vấn đề được ông đề cập tới nay vẫn còn nguyên giá trị hiện thực. Tại lễ tưởng niệm, Giáo sư Phong Lê- nguyên Viện trưởng Viện văn học Việt Nam nhận định: văn phẩm Vũ Trọng Phụng giá trị bởi sự nhận diện sắc nét gương mặt xã hội; dùng châm biếm để phê phán sự thật xã hội giai đoạn 1930-1945.
Theo giáo sư Phong Lê, trong những tiếng chửi của văn học hiện thực phê phán trước 1945 thì tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là tiếng chửi sắc lạnh nhất, quyết liệt nhất, riêng Vũ Trọng Phụng đã bao trọn một bức tranh tổng quan toàn bộ ngóc ngách, tệ nạn của xã hội. Nếu có một điển hình phản diện trước 45, nhiều vẻ, nhiều quan hệ là Nghị Hách và đệ nhất điển hình là Xuân Tóc đỏ.
Tại lễ tưởng niệm, Nhà xuất bản Kim Đồng đã giới thiệu những bản in tác phẩm Vũ Trọng Phụng từ những năm đầu thế kỉ 20 của các nhà sưu tập mến mộ ông./.