Văn hóa Kẻ Chợ từ câu chuyện Long Biên
Những tranh luận về việc di dời chợ đầu mối Long Biên đã khơi lại số phận của những khu chợ lâu năm tại Hà Nội, hay văn hóa chợ trong đời sống đương đại.
Với 1.200 tiểu thương đang kinh doanh, chợ Long Biên từ hàng chục năm nay vẫn mặc định được coi như một “điểm đen” về sự lộn xộn, bừa bãi, mất vệ sinh trong Hà Nội. Đây là hệ quả tất yếu từ tình trạng quá tải, khi dân số và nhu cầu mua bán tại khu vực quanh đây đã tăng vọt theo thời gian.
Thế nhưng, với lịch sử hình thành, Long Biên vẫn là một phần của đời sống Hà Nội, vẫn là một không gian đặc thù với hàng loạt tập quán, nếp sống, mối quan hệ... đã được hình thành theo thời gian. Đó cũng là trường hợp của hàng chục, hàng trăm khu chợ lớn nhỏ khác trong thành phố.
Nên giải quyết ra sao với những khu chợ này, để vừa đảm bảo nhu cầu dân sinh, vừa giữ được một phần văn hóa của Hà Nội?
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế: Chỉ là chuyện của chợ
Người Thăng Long xưa vẫn có câu: đi chợ như đi hội. Tức là, chợ ngoài chức năng thương mại còn là có chức năng giao tiếp cộng đồng, vui chơi cộng đồng. Từ “hội chợ” được người xưa dùng theo nghĩa đó chứ không như bây giờ.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế. |
Nên, quay lại đề xuất di dời chợ Long Biên, ngoài yếu tố thiệt - hơn về thương mại, sự việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng nhỏ thị dân quanh chợ và cộng đồng lớn người Hà Nội. Chúng ta đã thất bại trong việc “cao ốc hóa” các khu chợ cổ trước đó nên chúng ta cần rất thận trọng với chợ đầu mối Long Biên.
Chợ đầu mối Long Biên thời hiện đại cũng mang trong mình những chức phận khác ngoài thương mại. Chợ nằm trong vệt du lịch đêm khá thú vị ở Hà Nội được du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm là: Ăn tối ở phố cổ, đêm ra chơi chợ hoa Quảng Bá, rồi về chợ đầu mối Long Biên ngắm “đêm trắng” Hà Nội, tiếp đó qua Ba Đình xem thượng cờ, cuối cùng ăn sáng ở hồ Tây. Tour này sẽ bị đứt đoạn nếu chợ đầu mối Long Biên bị chuyển đi.
Bài toán phát triển đô thị liên quan tới các khu chợ cổ này không phải là chuyện mới ở các đô thị trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng. Năm 2010, Thị trưởng Seoul (Hàn Quốc) đã đưa ra triết lý đô thị phải có sự song hành giữa truyền thống và hiện đại. Và họ đã giải quyết các chợ cổ ven đô bằng cách vẫn đưa các khu chợ vào các tòa nhà mua sắm.
Song, tòa nhà mua sắm này gồm 2 tầng: tầng 1 là nơi trưng bày các sản phẩm nghệ thuật, những đồ mỹ nghệ còn tầng 2 là địa điểm mua sắm. Và Soul sau đó đã được đánh giá là hình mẫu trong việc giải quyết tốt bài toán giữ gìn những nét văn hóa truyền thống với nhu cầu phát triển hiện đại.
Tất nhiên, mỗi cộng đồng đều có đặc thù riêng song việc cân bằng giữa yếu tố thương mại và văn hóa, giữa nhu cầu mua - bán và nhu cầu giao tiếp của Seoul cũng gợi mở cho Hà Nội nhiều điều.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Quang Phùng: Còn đâu văn hóa Kẻ Chợ
Với đề xuất di dời chợ đầu mối Long Biên, tôi nghĩ nhà quản lý bên cạnh việc nghiên cứu vấn đề ở góc độ khoa học còn cần tiến hành điều tra xã hội ở góc độ dân sinh.
Có ba câu hỏi cơ quan chức năng cần giải quyết trước khi quyết định chính thức việc di dời chợ đầu mối Long Biên: Tại sao phải di dời chợ? Ai sẽ được hưởng lợi khi chợ di dời? Những người đang buôn bán trong khu chợ sẽ ra sao?
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Quang Phùng. |
Nếu không đề cao vai trò của dân sinh, của thực tế cung cầu, bài học về việc “dẹp” Chợ Giời vẫn còn đó. Qua bao thăng trầm, bao lần chính quyền mạnh tay giải tỏa, Chợ Giời vẫn âm thầm tồn tại như một phần không thể tách rời của thủ đô. Bởi đơn giản, người dân Hà Nội vẫn cần Chợ Giời. Tất nhiên, mỗi khu chợ có những đặc thù khác nhau song đó là bài học rất lớn trong việc các nhà quản lý can thiệp vào chợ dân sinh.
Ở góc độ văn hóa, văn hóa Kẻ Chợ nay thành văn hóa trung tâm thương mại. Những chợ Mơ, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da mang hồn thủ đô nay đều thành các khu mua sắm cao tầng.
Những nếp sinh hoạt văn hóa gần gụi, thân quen ngàn năm nay tan biến trong những sàn nhà sáng bóng với những bức tường ngăn kín bưng. Và trên thực tế, những khu chợ cổ bị dồn vào trung tâm thương mại này vắng cả người bán, người mua.
Sẽ có người nói, cuộc sống thay đổi, văn hóa, nếp sống cũng cần thích nghi kịp thời đại mới. Song, mọi sự chuyển đổi đều phải dựa trên sự tự cân bằng văn hóa từ cộng đồng chứ không phải quyết sách hành chính mang tính áp đặt. Chỉ khi nào người dân tự nguyện thay đổi do nhu cầu bức thiết, khi ấy, văn hóa mới không bị đứt gãy và quyết sách mới phát huy hiệu quả.
KTS Lại Thành Tín: Đừng tạo ra những khu chợ vô hồn
Chúng ta hãy đặt câu hỏi: mất bao nhiêu năm để Hà Nội có một chợ đầu mối như chợ Long Biên? Sẽ mất bao nhiêu công sức để tạo dựng nên một hình ảnh thân thuộc với người dân Hà Nội và một điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch khi đến thăm thành phố?
KTS Lại Thành Tín. |
Từ góc độ quản lý, chúng ta lo ngại những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố… Tuy nhiên, để nhận diện và đánh giá giá trị của một khu vực hay một hoạt động, để rồi từ đó đưa ra những giải pháp trong công tác quy hoạch, quản lý thì luôn khó khăn hơn việc thả nhẹ một câu “di dời nhé”.
Trong quá khứ, chợ hình thành chính bởi sự tồn tại của cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, giao thông đường bộ duy nhất nối liền Hà Nội với các vùng quê phía Đông khi đó. Khi ứng xử với chợ Long Biên, chúng ta nên nhìn về nó trong tổng thể cảnh quan kiến trúc văn hóa của cả khu vực.
Vừa qua, chúng ta đã nhắc tới việc bảo tồn cầu Long Biên và biến nó thành một cây cầu đi bộ. Nhưng, để tạo sức hút cho cây cầu đi bộ của tương lai ấy, cần có những điểm đến quan trọng ở 2 đầu cầu.
Nếu có cách tiếp cận và khai thác hợp lý, chợ đầu mối Long Biên có tiềm năng để trở thành một điểm du lịch đặc biệt cho Hà Nội. Tại một số nước như Hàn Quốc và Thái Lan, chợ đầu mối của họ đã làm được điều này.
Những hoạch định để chuyển đổi chợ đầu mối Long Biên thành một khu chợ du lịch cũng phải được tính toán cụ thể. Khi có chợ du lịch đầu mối Long Biên rồi, không gian phía Đông của cầu Long Biên có thể được quy hoạch để trở thành một công viên xanh, một không gian sáng tạo hoặc một điểm văn hóa công cộng nhằm kết nối cộng đồng.
Làm được những điều ấy sẽ có giá trị hơn nhiều so với những ý tưởng đặt các quán cà phê, cửa hàng lưu niệm, toa xe lửa... lên cây cầu Long Biên trăm tuổi.
Nhìn chung, sự phát triển của các khu chợ truyền thống luôn gắn liền với việc hình thành một cộng đồng trong hàng chục năm, với một văn hóa riêng và những đặc điểm riêng về sinh hoạt, thói quen mua bán, các mối quan hệ với khách hàng. Xóa đi lớp văn hóa ấy là xóa đi phần hồn đã có của chợ - lớp giá trị không thể bù đắp được so với việc xuất hiện một công trình mới.
Câu chuyện này thật ra không chỉ diễn ra với các khu chợ lâu năm tại đô thị. Tôi đã từng có dịp đến nhiều khu chợ vùng cao tại Tây Bắc, và thực tế cho thấy việc xây những điểm chợ mới, hiện đại để thay thế chợ cũ hầu hết đều không thành công, cũng bởi chúng ta không hiểu về tập quán, thói quen văn hóa của họ.
Khi chúng ta nhìn nhận những thất bại từ quá khứ, chúng ta sẽ có những bước đi thận trọng trong hiện tại để tiến tới thành công cho tương lai./.