Vi phạm bản quyền - chuyện biết rồi, khổ lắm…

Đến nay, đa số công chúng vẫn coi chuyện thụ hưởng “miễn phí” là đương nhiên.

Hành vi sao chép băng đĩa nhạc diễn ra tràn lan
Sau 8 năm Việt Nam ký công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, vẫn còn rất nhiều vụ kiện cáo liên quan đến vi phạm bản quyền trong lĩnh vực này. Chắc chắn những người “vi phạm” biết đến những điều luật trong công ước Berne, nhưng tại sao tình trạng vi phạm vẫn xảy ra?

Đã qua 8 năm Việt Nam tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, thời gian đủ dài để người dân Việt Nam dần quen với khái niệm “bản quyền tác giả”. Thế nhưng biết là một chuyện, còn có tuân thủ hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, đặc biệt khi mà đa số chúng ta đến bây giờ vẫn coi chuyện thụ hưởng “miễn phí” là đương nhiên.

Đầu tiên phải kể đến việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, nhiều chương trình biểu diễn hiện nay đang cố tình “quên” nghĩa vụ của mình-là trả tiền tác quyền cho tác giả. Mặc dù giá vé bán rất cao, 500-600.000 đồng, thậm chí là có chương trình giá vé lên đến 2 triệu đồng/1 vé cũng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ bản quyền.

Cũng phải nói rằng, bên cạnh việc Ban tổ chức chương trình ca nhạc cố tình vi phạm bản quyền tác phẩm của các tác giả, cũng có sự “đóng góp” không nhỏ của các ca sĩ tham gia chương trình. Rất nhiều chương trình nghệ thuật sau khi “phục vụ” khán giả xong, bị phát hiện vi phạm bản quyền, hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ bản quyền với tác giả, khi các ca sĩ được hỏi đều cho rằng họ... không biết và chỉ hát theo yêu cầu của ban tổ chức (?).

Còn những “nghi án” đạo nhạc thì cũng không phải là hiếm trong làng nhạc Việt hiện nay. Theo những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, một bản nhạc chỉ cần giống 1 vài giai âm là đã có thể gọi là “đạo nhạc” được rồi. Mà chuyện này thì ở làng nhạc Việt hiện nay là không thiếu. Thậm chí có nhiều trường hợp nặng hơn rất nhiều, tức là bê “nguyên xi” 1 tác phẩm (thường là nhạc quốc tế) vào “bài hát” của mình. Hay gần đây là vụ lùm xùm quanh tác phẩm Ra ngõ tụng kinh do ca sĩ Trần Thu Hà thể hiện được “nghi” là bị 1 nhóm nhạc quốc tế “đạo” lại. Tuy nhiên, có người lại nói, cả “Ra ngõ tụng kinh” và bài hát của nhóm nhạc quốc tế kia đều “mượn” giai điệu của 1 bài hát của một ca sĩ quốc tế khác đã có từ rất lâu rồi.

Đó là chuyện âm nhạc, còn chuyện vi phạm bản quyền sách cũng là khá phổ biến hiện nay trên thị trường. Đầu năm nay, việc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News khởi kiện 2 trung tâm ngoại ngữ quốc tế có thể nói là vụ kiện đầu tiên về bản quyền sách tại Việt Nam. Nhiều người hy vọng rằng, qua vụ kiện này, ý thức tôn trọng bản quyền tại nước ta được nâng cao?!.

Nhưng kiện làm sao hết, khi mà chỉ cần dạo qua một vòng các chợ sách vỉa hè, sẽ dễ dàng bắt gặp vô vàn đầu sách lậu. Hầu hết chúng đều có nội dung khá cẩu thả, nhiều lỗi, bìa sách cũng được scan lại cho giống bản gốc và bán với giá rẻ hơn nhiều so với sách thật. Và tất nhiên, những tác giả của các cuốn sách này sẽ không được hưởng một đồng lợi nhuận nào. Thiệt thòi về kinh tế đối với tác giả là rất lớn, với người tiêu dùng, cũng thật khó “nuốt” khi gặp phải những cục sạn khi mua phải loại sách “rởm” này.

Với việc internet phổ biến như hiện nay, việc copy chất xám của người khác là chuyện rất phổ biến, chỉ cần lên mạng vào mục tìm kiếm, gõ từ khoá cần tìm, hàng triệu kết quả sẽ hiện ra và cứ thế các “đại văn xào” tha hồ mà lấy về chế biến thành tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, rất nhiều nhiếp ảnh gia cũng kêu rằng bị mất bản quyền hình ảnh khi đưa lên mạng, mà việc phát hiện thường chỉ là tình cờ và rất lâu sau đó, và cũng không hề được một cơ quan nào bảo vệ, dù có kiện cáo thì cũng sẽ chẳng đi đến đâu bởi vấp phải sự trây ì của người vi phạm cũng như hệ thống quản lý “lằng nhằng” của các đơn vị liên quan đến giải quyết vi phạm bản quyền.

Nhưng có lẽ “kinh hoàng” nhất phải kể đến vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam, cũng trong đầu năm nay cơ quan chức năng đã phát hiện ra 4 doanh nghiệp lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sử dụng hơn 700 phần mềm không bản quyền trị giá lên đến gần một triệu đô la Mỹ.

Cũng theo một con số thống kê gần đây, có đến trên 80% phần mềm đang được sử dụng ở Việt Nam là phần mềm lậu, vi phạm bản quyền. Chỉ cần dạo một vòng qua các cửa hàng bán phần mềm có thể thấy những phần mềm, hay các đĩa nhạc trị giá hàng triệu đồng được bán rẻ như bèo. Một đĩa phần mềm của Microsoft có giá 5 ngàn đồng, một đĩa phần mềm đồ hoạ trị giá hàng trăm đô cũng chỉ được bán với giá là 20 ngàn đồng, một đĩa DVD ca nhạc từ 15 đến 20 ngàn...

Việc “quên” hay cố tình lờ đi thực hiện nghĩa vụ của mình với bản quyền tác giả là vi phạm pháp luật. Nó cũng thể hiện thái độ ứng xử thiếu văn hóa với những tác phẩm, tác giả. Vậy nên, những trung tâm bảo vệ quyền tác giả cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của mình, kêu gọi các tác giả cùng đồng hành, lên tiếng phản đối và quyết liệt trong việc xử phạt vi phạm tác quyền. Có thế mới góp phần bảo toàn được những thành quả lao động cũng như sự sáng tạo của các tác giả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên