Việt Nam đủ chứng cứ khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa
VOV.VN - Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn được các vua triều Nguyễn quan tâm bằng những chính sách cụ thể.
Châu bản là một loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn (1802 - 1945). Trên các châu bản này còn lưu lại các dấu tích bút phê của các vua triều Nguyễn bằng son đỏ. Hiện nay tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ đang lưu giữ một kho tàng châu bản triều Nguyễn, gồm 734 tập với hàng ngàn trang văn bản gốc. Trong đó có nhiều châu bản liên quan đến các hoạt động chủ quyền với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nội dung các tờ châu bản phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bằng chứng sinh động cho thấy các vua triều Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này thông qua việc liên tục cử người ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi đề cập đến một số châu bản triều Nguyễn về các hoạt động chủ quyền trên đảo Hoàng Sa.
Tờ thứ 4 của Châu bản ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 16 (năm 1835). Châu bản do Nguyễn Đức Hoạt soạn thảo, Hà Tông Quyền đọc duyệt, Nguyễn Văn ký, Hà Duy Phiên đối chiếu và ký. (Châu bản này đang được lưu trữ tại Kho lưu trữ Trung Ương. Ký hiệu : quyển số 54, tờ 94) |
Châu bản ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 16 (năm 1835), Nội các có bản tấu nội dung như sau:
“Cai đội Phạm Văn Nguyên được phái đi Hoàng Sa, khi trở về dềnh dàng quá hạn, đã có chỉ giao cho Bộ trị tội. Nhưng qua tra xét, chưa thấy có biểu hiện tư tệ. Vả lại, lần này được phái đi ra biển thực hiện công vụ chu đáo, rất đáng được dự thưởng. Duy Quản viên Phạm Văn Nguyên khi trở về, có sự tự mãn, đi lại rất không hợp cách, trước đã bị cách chức, bị bắt gông. Nay giao cho Bộ xét phạt đánh đòn 80 trượng nhưng gia ân tha, cho khôi phục lại chức cũ”.
Công tác vẽ bản đồ cũng được triều Nguyễn quan tâm, điều này thể hiện rõ ràng trong châu bản qua nội dung:
“Các viên có trách nhiệm vẽ bản đồ nhưng chưa rõ ràng là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng cũng bị phạt 80 trượng nhưng đều chuẩn cho tha. Viên dẫn đường là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh thì được ban thưởng tiền phi long loại nhỏ 3 mai. Các viên binh, tượng đi đợt này được thưởng tiền 1 quan, cho về đơn vị cũ, cục cũ. Các dân phu do tỉnh phái đi, trừ 2 viên đã được thưởng tiền, số còn lại đều được thưởng tiền mỗi người 1 quan để tỏ rõ sự ưu ái”.
Châu bản ngày 28-12 năm Thiệu Trị thứ 7 (năm 1847) về việc đình hoãn đi Hoàng Sa. Châu phê “đình”. Tài liệu đang được lưu trữ tại Kho lưu trữ Trung Ương. Ký hiệu quyển số: 51, tờ 235 |
Trong châu bản ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (năm 1847) có nêu rõ: “Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển”.
Trong châu bản Bộ Công đã tấu trình xin hoãn chuyến khảo sát đầu xuân do chưa chuẩn bị kỹ càng và đã được nhà vua châu phê “đình”: “Ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), vâng theo lời huấn thị: năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), hoãn việc phái binh thuyền [đi khảo sát], đến năm sau phúc trình lại. Ngày tháng giêng năm nay, bộ thần đã phúc trình đầy đủ, được Châu phê: đình (dừng lại). Đầu xuân, đã đến kỳ đi khảo sát. Điều cần thiết là phải chuẩn bị đầy đủ trước. Nhưng xét thời gian này việc công quá bận rộn, xin dừng việc đi khảo sát đầu xuân năm nay, đợi năm sau phúc trình lại. Vậy xin tâu trình đợi chỉ, để chiểu theo thi hành”.
Triều Nguyễn cũng thường xuyên thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.
>> Mời đọc: Châu bản triều Nguyễn về vụ cứu nạn tàu Pháp ở Hoàng Sa
Việc ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những người được triều đình cử đi thực thi công vụ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được quan tâm thực hiện. Đồng thời Triều đình nhà Nguyễn cũng có chính sách thưởng phạt nghiêm minh đối với những người được triều đình cử đi công vụ tại Hoàng Sa đã lập được công lớn (thưởng) hoặc không hoàn thành nhiệm vụ (phạt).
Tờ cuối trong châu bản ngày 22 tháng 1 năm Minh Mệnh thứ 12 Do Nguyễn Đức Hoạt vâng mệnh soạn thảo, Hà Tông Quyền vâng mệnh đọc duyệt; Thân Văn Quyền duyệt lại và ký, Trương Đăng Quế đối chiếu và ký. (tài liệu lưu trữ tại Kho lưu trữ Trung Ương. Ký hiệu : quyển số 49, tờ 230-231) |
Trong châu bản ngày 22-11 năm Minh Mệnh thứ 14 (năm 1833), Nội các có báo cáo về một văn bản của bộ Binh như sau: “trước đây căn cứ vào lời kê khai sai của người được phái đi khảo sát Hoàng Sa là Phạm Văn Sênh, lái thuyền cùng thủy thủ của suất ấy là 19 người để đến nỗi bộ Binh đã làm tờ phiếu xin ban thưởng cho viên ấy tiền bạc 10 mai, các viên lái thuyền gồm 19 tên, mỗi tên tiền bạc một mai. Nay Phạm Văn Sinh nghĩ lại thấy thừa ra 1 tên, không dám làm đơn lĩnh số tiền bạc này. Bộ Binh đã gửi tư cho Nội vụ chiếu phát theo thực số, còn viên quan bộ Binh không kiểm tra, phát hiện ra chỗ sai, bộ Binh đã gửi tờ trình đính kèm xin phạt tội".
Trong châu bản, Nội các cũng kết luận và xin ban chỉ nội dung như sau: “Phạm Văn Sênh khai báo hàm hồ, bộ ấy cũng không kiểm tra lại cho rõ ràng, đến nỗi việc ban thưởng thừa ra một số, thực là không hợp. Nhưng xét nghĩ số tiền bạc này chưa lĩnh, mà lại quá ít, xin gia ân cho miễn xét tội, ngoài ra chuẩn theo tờ tấu”.
Những tờ châu bản này là những tư liệu gốc chứa đựng nhiều thông tin quý giá khẳng định các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này một cách liên tục, hòa bình, bằng các hoạt động do nhà nước tổ chức, với sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua.
Đó là trong châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), Bộ Công có phúc trình: Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần trong đó có Châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài khắc sâu dòng chữ to: Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính Thân, các viên Cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu”.
Theo châu bản này, viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật. Nội dung chính của châu bản là xin triều đình chuẩn bị gấp số cột gỗ để đội thuỷ quân lên đường đúng lịch trình.
Điều thú vị của châu bản này là dòng chữ do nhà vua Minh Mệnh viết bên cạnh chữ mộc bài với nội dung ghi rõ “cột gỗ, mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dầy 1 tấc”. Văn bản này hiện được lưu trữ tại Ủy ban biên giới quốc gia.
Điều này thể hiện chính sách và sự quan tâm sâu sắc của triều đình đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Những tư liệu đang được lưu trữ Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ là những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc./.