Việt Nam tham dự Liên hoan phim Pháp ngữ

Liên hoan được tổ chức theo sáng kiến của bộ phận Pháp Ngữ thuộc phái đoàn thường trực của Việt nam bên cạnh UNESCO. 

Nhân kỷ niệm ngày quốc tế Pháp ngữ 20/3, Liên hoan phim Pháp ngữ lần thứ 2 được tổ chức từ 22 - 25/3 tại trung tâm chiếu phim mang tên “Thành phố đại học quốc tế Paris” thủ đô Paris, Pháp.

Liên hoan phim lần này được tổ chức với nhan đề “Du lịch qua những bộ phim” dưới sự chủ trì của bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO và ông Abdou Diouf, Tổng thư ký Tổ chức Pháp ngữ.

Trong khuôn khổ Liên hoan phim, 37 phim truyện ngắn, truyện dài, tài liệu, phim hoạt hình và viễn tưởng được lựa chọn từ 25 nước trên tổng số 70 nước, sẽ được trình chiếu để hưởng ứng Ngày Quốc tế Pháp ngữ (20/3). 

Đa số các tác phẩm là những phim đã dành được giải trong các liên hoan phim quốc tế, quốc gia, khu vực... cùng nhiều diễn viên trở nên nổi tiếng trong nền điện ảnh thế giới. Tất cả đều phản ánh sự đa dạng và phong phú về nghệ thuật của cộng đồng Pháp ngữ.

Phim “Chuyện của Pao” là một trong hai bộ phim tham dự "Liên hoan phim Pháp ngữ lần 2"

Việt Nam tham dự liên hoan phim Pháp ngữ với 2 bộ phim mang tên “Sinh Mệnh” (Le destin) của đạo diễn Đào Duy Phúc, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn và bộ phim “Chuyện của Pao” (L’Histoire de Pao) của đạo diễn và biên kịch Ngô Quang Hải. Cả hai bộ phim màu, mỗi phim dài gần 100 phút và có phụ đề tiếng Pháp, do Xưởng phim 1 của Việt Nam sản xuất năm 2006.  

Phim “Sinh Mệnh” được xây dựng về đề tài chiến tranh, nhưng không phải miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh mà bộ phim đã mượn chiến tranh để nói về tình người và đề cao tính nhân văn.

Phim “Chuyện của Pao” được xây dựng trên bối cảnh của vùng núi Tây Bắc tuyệt đẹp và rất thành công trên phương diện nghệ thuật. Câu chuyện được kể lại một cách chân thành và cảm động về cô gái dân tộc H’Mong xinh đẹp Pao đã khám phá ra điều bí mật nặng nề về mẹ - một câu chuyện bi kịch tình cảm trong gia đình. 

Liên hoan phim mang tới cho khán giả cái nhìn toàn cảnh những hình ảnh của các nước thành viên tổ chức Pháp ngữ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước cũng như về vẻ đẹp độc đáo của mỗi nước nói riêng, đồng thời ca ngợi sự phong phú trong cách biểu đạt của các nước trong khối Pháp Ngữ nói chung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên