Với giới trẻ, Tết không chỉ là ngắm pháo hoa
VOV.VN - Xã hội phát triển dẫn đến việc giới trẻ ngày càng “thoáng”
và “đô thị” hơn trong cách hưởng thụ những ngày Tết.
và “đô thị” hơn trong cách hưởng thụ những ngày Tết.
Anh Nguyễn Trương Quý, tác giả của “Tự nhiên như người Hà Nội” (2004), “Ăn phở rất khó thấy ngon” (2008), “Hà Nội là Hà Nội” (2010), “Xe máy tiếu ngạo (2012), “Còn ai hát về Hà Nội” (2013)… một người yêu Hà Nội và viết rất nhiều về Hà Nội sẽ chia sẻ suy nghĩ về Tết ở Hà Nội và cách người trẻ đón Tết.
Tác giả Nguyễn Trương Quý (Ảnh: Tamkem) |
PV: Thưa tác giả Nguyễn Trương Quý, trong những tác phẩm nghiên cứu của anh chắc có đề cập đến Tết ở Hà Nội?
Tác giả Nguyễn Quý Trương: Rải rác trong số những tản văn viết về Hà Nội, tôi đã viết một số câu chuyện về Tết Hà Nội, xung quanh cuộc sống của người Hà Nội đương đại. Đa phần, tôi so sánh nó với những cái tết trong quá khứ mà tôi trải qua cũng như đọc lại những gì mà người xưa đã viết. Mỗi giai đoạn Tết mang lại cho con người một cảm nhận khác nhau. Thời kinh tế khó khăn thì Tết là một dịp hứa hẹn để làm cho cuộc đời người thay đổi, nhưng cũng là nỗi lo lắng vất vả đối với những người đã dành dụm cả năm cả tháng mới có một ít để tiêu Tết.
Tôi nghĩ Tết xưa và bây giờ có những chia sẻ chung về giá trị, có gì đó mơ hồ giữa giao thoa của trời đất, khi tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến, con người khao khát thay đổi để cuộc sống tốt hơn. Còn khác nhau cũng nhiều. Bây giờ cảm giác vật chất đầy đủ hơn, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn. Một mặt con người hiện đại vừa giằng co để bảo tồn phong tục xưa, một mặt rất muốn vượt thoát những tập quán ăn sâu vào nếp sống. Có thể nói Hà Nội là một đại diện của không khí giao thời đó.
PV: Sự thay đổi trong buổi giao thời như anh nói, cụ thể đó là gì?
Tác giả Nguyễn Quý Trương: Bây giờ có nhiều cách để đón giao thừa chứ không chỉ là ra Bờ Hồ để xem pháo hoa hay cứ phải làm mâm cỗ bất di bất dịch sáu đĩa sáu bát. Bây giờ thoáng hơn. Tuy nhiên, mọi người vẫn cố gắng bảo tồn kí ức thiêng liêng, lắng đọng của thời khắc giao thừa. Tôi cảm nhận bây giờ người ta dùng nhiều phương tiện hiện đại hơn để thay đổi những điều bất lợi trong cuộc sống sinh hoạt.
Tết âm lịch là sự kế thừa của phong tục nền nông nghiệp. Còn bây giờ, ảnh hưởng của truyền thông, của lối sống công nghiệp thì cái Tết dương lịch tiện lợi hơn cho việc sắp xếp lịch hoạt động cho một năm.
PV: Nói như vậy cũng có nghĩa những người trẻ bây giờ có những cách chơi Tết “thoáng” hơn?
Tác giả Nguyễn Quý Trương: Giới trẻ Hà Nội bây giờ thực tế hơn, họ có những so sánh mang tính định lượng rõ rệt hơn. Việc truyền lại cảm hứng giữa các thế hệ hơi bị đứt quãng.
Báo chí hay dùng những mỹ từ “đất trời vào xuân, không khí lắng đọng” nhưng giới trẻ có vẻ rất khó cảm được. Những điều đó thường ảnh hưởng qua hệ thống giáo dục thực tiễn hoặc những đứa trẻ có cơ hội sống gần với thiên nhiên, đồng áng mới nhìn thấy Tết là một lẽ tự nhiên, chứ không phải chỉ là dịp trẻ em được nghỉ học và đi chơi.
Câu chuyện về giải trí, hưởng thụ tết đã khác trước. Nếu trước đây chúng ta thường ngồi trước máy thu hình thì bây giờ, tôi thấy nhiều bạn trẻ hẹn nhau đi du lịch ngay từ ngày đầu năm. Giới trẻ bây giờ ít kết nối với cộng đồng nơi họ sống nhưng lại có một loại cộng đồng khác, là cộng đồng mạng. Đó là cái khác biệt nhất so với ngày xưa. Họ chuẩn bị, họ đón Tết, họ ăn Tết, tất cả gần như diễn ra trên mạng. Đó là thế giới ảo nhưng nó cho người ta cảm giác sống, thỏa mãn về mặt tâm lý. Tết bây giờ đâu chỉ là ăn, là mặc nữa. Việc chia sẻ với nhau ngoài hệ thống gia đình, làng mạc thì mạng Internet làm cho tốc độ nhanh hơn.
Giới trẻ có cái Tết "thoáng" hơn, không chỉ là tụ tập xem pháo hoa (Ảnh: An Nhơn) |
PV: Tết của anh ở Hà Nội thường như thế nào?
Tác giả Nguyễn Quý Trương: Bản thân tôi đón Tết ở Hà Nội nhiều quá rồi. Bạn thử nghĩ xem, 30 cái tết cứ lặp đi lặp lại như vậy thì cũng rất chán. Thỉnh thoảng tôi cũng muốn thay đổi, đi du lịch chẳng hạn, cũng thấy thú vị. Tất nhiên cũng có thay đổi về mặt vật chất, về mặt cộng đồng, không khí nhưng dường như tôi thấy Tết chưa phải là dịp sinh ra những tương tác mới. Nhiều khi, tôi hình dung Tết như tôi đang đi dự một show bảo tàng, giống như tôi là một thành viên phải đi giữ nó. Tôi vẫn cố gắng dần dần mình hướng đến những giá trị khác hơn. Thời gian rảnh thì mình có thể viết sách hay gặp gỡ một số người thú vị nếu có cơ hội.
PV: Nếu như ngày càng có nhiều người trẻ như anh chọn nhiều hình thức để tận hưởng những cái Tết khác nhau, anh có nghĩ rằng đến một lúc nào đấy chúng ta sẽ có những cái “Tết mới”, theo quy chuẩn của những người trẻ, thậm chí trẻ hơn chúng ta sau này?
Tác giả Nguyễn Quý Trương: Tôi nghĩ khả năng đó rất là cao. Đối với những người trẻ, khi họ lớn lên sẽ tạo dựng nên những giá trị ấy. Tất nhiên người Việt Nam vẫn có những điểm đồng xuất phát trong tâm khảm, cảm xúc về giá trị cổ truyền, vẻ đẹp của hoa xuân, hay qua cây cầu nghệ thuật diễn xướng…
Tôi vẫn thấy có nhiều bạn trẻ say mê Vũ Bằng hay say mê những bài hát cũ về mùa xuân. Những giá trị trong trẻo của các thời kì đã qua vẫn khiến cho thế hệ sau nhìn thấy niềm hứng khởi. Cái gì có lý sẽ tồn tại, tôi tin các bạn trẻ sẽ tìm cho mình một giá trị. Có thể nó sẽ không lớp lang, bài bản như Tết xưa nhưng chắc chắn là họ sẽ lựa chọn cái gì cần thiết. Các bạn trẻ đang tạo nên Tết đô thị, thay dần cho Tết nguyên bản vốn thoát thai từ hoạt động nông nghiệp.
PV: Xin cám ơn tác giả Nguyễn Trương Quý./.