“Vua đầu bếp Việt Nam” khó gây “bão” với khán giả

(VOV) - Tập đầu tiên của chương trình “ Vua đầu bếp – MasterChef Việt Nam” phát sóng đêm 8/3 vẫn chưa thu hút được khán giả.

 Ban giám khảo thiếu tinh tế

So với các cuộc thi nấu ăn đã tổ chức ở Việt Nam thì chương trình “Vua đầu bếp  - MasterChef  Việt Nam” có phần đặc biệt hơn khi đây là sân chơi dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp và giới tính. Họ đến đây được thỏa sức thể hiện tài năng và niềm đam mê ẩm thực của mình.Tuy nhiên, sau tập đầu tiên khán giả có vẻ chưa ưng ý với phong cách dàn dựng của chương trình, đặc biệt là tác phong làm việc của ba vị giám khảo.

Thành phần ban giám khảo từ trái qua: Doanh nhân Hoàng Khải, Phan Tôn Tịnh Hải, Luke Nguyễn

Giám khảo “Vua đầu bếp- MasterChef Việt Nam” đã được chương trình lựa chọn khá kĩ càng với những tên tuổi có tiếng tăm trong giới ẩm thực. Cụ thể như Luke Nguyễn là một trong những đầu bếp, chủ nhà hàng nổi tiếng tại Austraylia và một số quốc gia trên thế giới. Doanh nhân Hoàng Khải- chủ chuỗi nhà hàng, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Việt Nam và là người có bề dày kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực.Vị giám khảo cuối cùng là bà Phan Tôn Tịnh Hải đã từng tốt nghiệp thạc sĩ ngành ẩm thực và dinh dưỡng tại NewYork (Mỹ) và được biết đến nhiều qua các chương trình truyền hình ẩm thực khác.

Mặc dù có kinh nghiệm và kiến thức khá vững vàng về chuyên môn cũng như các món ăn nhưng ban giám khảo lại chưa biết cách thể hiện, truyền đạt. Những lời nhận xét còn đơn điệu, nhạt nhẽo với những từ ngữ ngắn gọn như “Tuyệt vời”,  “ Yes or No”... mà không đưa ra lập luận cụ thể khiến các thí sinh có phần ngỡ ngàng khi chưa biết món ăn của mình thu hút ở điểm nào và khiến họ không hài lòng ở điểm nào.

Giám khảo Tịnh Hải thưởng thức món ăn của thí sinh

Bên cạnh đó, trong suốt quá trình nếm và thử các món ăn, ban giám khảo nhiều lúc tỏ ra quá… phấn khích, thưởng thức món ăn một cách “vồ vập” dù như vậy có thể là dụng ý gây hài hước.

Một người thấy ngon, các giám khảo khác cũng đồng tình mà chưa có sự tranh luận thấu đáo. Hơn nữa, họ còn thản nhiên bình luận một cách thẳng trước mặt thí sinh “ Cái này thì có gì ngon”, “ cái này thì có gì đẹp”...

Nhìn chung, giám khảo “MasterChef Việt Nam” còn tập trung “diễn” quá nhiều và chưa thực sự chú trọng vào nhu cầu của khán giả là cảm nhận cái “Ngon và Dở” của từng món ăn theo tiêu chí của chương trình.

Thí sinh biểu lộ cảm xúc “thái quá

Là những đầu bếp không chuyên đến với chương trình, đa phần thí sinh đều đã chuẩn bị cho mình bài giới thiệu khá kỹ càng cùng những món ăn “tủ” đặc sắc. Tự tin là yếu tố cần thiết của mỗi thí sinh khi tham gia một chương trình nào đó, thế nhưng, đôi khi sự tự tin sẽ bị phản tác dụng thành tự kiêu, thậm chí  là trò lố nếu như nó bị dùng một cách thái quá, thiếu kiểm soát.

Cụ thể trong vấn đề này là thí sinh Trần Thị Bích Vân. Sự nghiệp diễn xuất đã giúp cô trau dồi cho mình sự tự tin cũng như khả năng ăn nói lưu loát. Thế nhưng, những ưu điểm đó của Vân dường như đã bị bộc lộ “thái quá” khiến cho phần thể hiện của cô giống như một màn “tấu hài” trong chương trình tìm kiếm tài năng hơn là so với một chương trình truyền hình thực tế về nấu ăn.  

Thí sinh - diễn viên Trần Thị Bích Vân

Phần giới thiệu hơi dài dòng, tốn thời gian lại có phần “trung thực” khi Bích Vân thản nhiên phát biểu “Em nhất quyết sẽ làm vua đầu bếp Việt Nam” hay “em không biết chặt gà” đã khiến ban giám khảo và khán giả phải ngạc nhiên khi một cô đầu bếp vì niềm đam mê nấu ăn đến với chương trình lại không biết… “chặt gà”.

Hay như thí sinh Trần Giang Thục-  một cô sinh viên mít ướt đã khiến khán giả phải “khó chịu” khi cô khóc lóc và và cầu xin ban giám khảo cho cô một ân huệ khi thể hiện món vịt nấu chao theo truyền thống và xen chút sáng tạo khi cô cho tía tô vào cùng… Sự “sáng tạo” đó của Thục ban đầu đã khiến giám khảo Tịnh Hải phải ngỡ ngàng nhưng sau màn khóc lóc, cô đã nhận được chiếc tạp dề trắng của chương trình để bước tiếp vào vòng trong.

So với các cuộc thi khác như Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, The Voice,…khán có thể đánh giá được trực tiếp chất lượng của mỗi thí sinh về giọng hát như thí sinh nào hát hay, màn trình diễn nào ấn tượng, đặc sắc…thì đối với chương trình “Vua đầu bếp- Masterchef Việt Nam”, khán giả dường như chỉ thấy được phần nhìn và khó lòng có thể đánh giá được tài năng thực của mỗi thí sinh.

“Vua đầu bếp- Masterchef Việt Nam” là một gameshow về tài năng nấu ăn, chính vì vậy, yếu tố chất lượng món ăn phải được đặt lên hàng đầu theo tiêu chí chương trình.

Tuy nhiên, một món ăn thu hút khán giả về phần trình bày, trang trí đẹp mắt nhưng chưa chắc đã thực sự ngon hơn so với những món ăn trình bày đơn giản. Khán giả không được thưởng thức, chỉ được xem nên họ không thể đánh giá được tài năng thực sự của mỗi thí sinh cùng ban giám khảo.  

Cùng với đó, câu hỏi “Liệu ban giám khảo có thực sự công bằng” cũng là vấn đề nhiều khán giả nêu ý kiến thắc mắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vua Đầu Bếp - MasterChef đã đến Việt Nam
Vua Đầu Bếp - MasterChef đã đến Việt Nam

(VOV)- Chương trình truyền hình thực tế dành cho những người đam mê nấu nướng chính thức có mặt tại Việt Nam với tên gọi "Vua đầu bếp".

Vua Đầu Bếp - MasterChef đã đến Việt Nam

Vua Đầu Bếp - MasterChef đã đến Việt Nam

(VOV)- Chương trình truyền hình thực tế dành cho những người đam mê nấu nướng chính thức có mặt tại Việt Nam với tên gọi "Vua đầu bếp".