Vui Tết dân gian ở Bảo tàng Dân tộc học

Tại đây có trình diễn các môn nghệ thuật dân tộc như hát xoan, ca trù, rối nước… và nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc phía bắc và Tây Nguyên như Việt, Thái, Cao Lan, H’Mông, Ê-đê…

Sáng mồng 6 Tết Nhâm Thìn (28/01/2012), tại Bảo tàng Dân tộc học (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc hội “Vui xuân Nhâm Thìn - 2012”. Đây là chương trình hội xuân với nhiều hoạt động nghệ thuật dân tộc và trò chơi dân gian, thường được Bảo tàng Dân tộc học tổ chức trong dịp xuân mới, sau Tết Nguyên Đán hàng năm.

Chương trình “Vui xuân Nhâm Thìn - 2012” có trình diễn các môn nghệ thuật dân tộc như hát xoan, ca trù, rối nước… và nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc phía bắc và Tây Nguyên như Việt, Thái, Cao Lan, H’Mông, Ê-đê… Các trò chơi dân gian dành cho tất cả mọi người cùng tham gia. Bên cạnh đó, hội xuân còn có các hoạt động văn hóa – vui chơi kết hợp khác như viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, nặn tò he, vẽ tranh - tô tượng 12 con giáp…; cùng các hoạt động trình diễn ẩm thực với các món ăn truyền thống.

Lễ hội “Vui xuân Nhâm Thìn - 2012” do Bảo tàng Dân tộc học tổ chức, phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân các dân tộc ở nhiều vùng miền. Đây là một hoạt động đặc sắc, giàu truyền thống dân tộc trong những ngày đầu xuân Nhâm Thìn. Hội “Vui xuân Nhâm Thìn – 2012” tại Bảo tàng Dân tộc học diễn ra trong 2 ngày mồng 6 và mồng & Tết (ngày 28&29/01/2012).

 Múa rồng khai hội “ Vui xuân Nhâm Thìn”

Điệu “Trống quân” - tiết mục hát xoan của phường xoan An Thái (xã Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ)

Múa “Xúc tép” của dân tộc Cao Lan (Đoan Hùng, Phú Thọ)

Sân khấu ca trù - được trình diễn trong ngôi nhà Việt

 Múa rối nước – môn nghệ thuật gắn liền với văn hóa nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng - thu hút rất nhiều khách tham quan

Trình diễn múa sạp của dân tộc Thái. Môn nghệ thuật dân gian này được rất nhiều người hưởng ứng cùng tham gia

Trò “Bắt chạch trong chum” thu hút rất nhiều bạn trẻ cùng tham gia. Trò này gắn liền với tín ngưỡng phồn thực ở lễ hội Tiên Du (Phù Ninh, Phú Thọ), và cũng được tổ chức thành cuộc thi ở các hội xuân nhiều nơi khác. “Bắt trạch trong chum” yêu cầu hai người cùng chơi, một nam và một nữ.

 Trình diễn pháo đất của các nghệ nhân Hải Dương

Ô ăn quan - một trò chơi trí tuệ

Cô bé này lần đầu thử chơi “goòng” - một trò chơi của trẻ con có lẽ đã “thất truyền” ở thành phố

Chơi quay, trò chơi của các dân tộc H’mông, Dao, Nùng

Kéo co - trò chơi ai cũng có thể tham gia

Rồng rắn lên mây, trò chơi của các dân tộc Việt, Thái. Trò chơi này không cần dụng cụ, đạo cụ.

Đánh cầu lông gà, trò chơi của dân tộc Thái, H’mông, Pà Thẻn

Ném còn, trò chơi của các dân tộc Thái, Tày, Cao Lan. Trò chơi này rất khó với người mới tham gia. Những khách tham quan chơi cùng rất ít người ném thành công.

Rất nhiều người thử sức đi cà kheo, và thấy không hề dễ

 Chơi đu, trò này không dành cho những cai yếu tim và sợ độ cao

 …Cùng in tranh Đông Hồ

Nhiều gia đình, cùng các em nhỏ đã tới vui xuân Nhâm Thìn ở Bảo tàng Dân tộc học. Những tiết mục nghệ thuật và các trò chơi dân gian đã rất cuốn hút, để lại nhiều ấn tượng trong những ngày đầu xuân mới.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên