Xa vắng dần những điệu hát ru...

Để giản tiện và đỡ mất thời gian, công sức, nhiều bà mẹ đã thu các bài hát, bản nhạc vào băng đĩa và mở lên mỗi khi cho con đi ngủ.

Theo nhà nghiên cứu Văn học Văn Giá: Hát ru là vẻ đẹp rất kỳ diệu của văn hóa dân tộc. Nếu không gìn giữ, để mất là có tội với tiền nhân và cha ông. 

Thang thuốc của tâm hồn

“Tôi là một bà mẹ vụng về không biết ru con. Con gái của tôi tròn 4 tuổi nhưng chưa bao giờ được nghe mẹ ru. Thay vì hát ru con, tôi toàn bật nhạc cho con nghe. Mãi hồi lâu rồi con cũng ngủ, nhưng dường như cháu ngủ vì đã thấm mệt do phải nghe những âm thanh xập xình, loạn xạ. Bây giờ, có lẽ đã thành thói quen, con bé nhà tôi toàn bắt chước những bài hát và điệu nhảy nước ngoài”- chị Giang, ở Long Biên tâm sự.

Trong khi đó, đôi vợ chồng hàng xóm của chị Giang, sống chung với ông bà nội, cứ mỗi buổi tối, bà nội lại hát ru cho bé. Đến bây giờ, dù mới lên 3 nhưng bé thuộc nhiều làn điệu hát ru, các bài hát dân ca. Chị Giang hơi tiếc và cứ ước giá con của chị cũng được giống như thế…

Theo các nhà nghiên cứu, lời ru của mẹ đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Tuy nhiên, ngày nay vì nhiều lý do khác nhau, do quá bận rộn với công việc mà nhiều bà mẹ trẻ không còn chú trọng việc hát ru con ngủ. Trong khi đó, một số bà mẹ lại nghĩ chỉ cần thu các chương trình có sẵn hay nghe thật nhiều loại nhạc thì đứa bé lớn lên sẽ thông minh, lanh lợi.

TS Nguyễn Lệ Hằng, GĐ Trung tâm Phát triển trẻ em và kỹ năng sư phạm gia đình cho rằng, trẻ em trong xã hội hiện đại chịu nhiều thiệt thòi hơn so với thời của cha mẹ chúng. Các em bây giờ không có nhiều cơ hội vui chơi chan hòa với thiên nhiên, không được tiếp xúc với các trò chơi dân gian ngày trước và đặc biệt là những lời hát ru êm ái của mẹ. Các em sống “quẩn quanh” trong các thiết bị hiện đại mà quên đi giá trị của những nét truyền thống, dân gian.

Từ những nghiên cứu, trải nghiệm của mình, PGS.TS, nhà nghiên cứu Văn học Văn Giá đưa ra nhận xét: đứa trẻ nào được hưởng thụ lời hát ru truyền thống từ bà, mẹ từ tấm bé thì đứa trẻ đó sẽ có lòng nhân ái, nhân bản và có cơ hội phát triển hơn những đứa trẻ khác. Đặc biệt, lời hát ru của mẹ không những giúp trẻ con ngủ ngon hơn mà còn làm tình mẫu tử trở nên khắng khít.

Làn điệu hát ru rất phổ biến trên thế giới, dân tộc nào cũng có và vẻ đẹp của nó rất độc đáo.

Bà Trần Kim Phượng, 63 tuổi, hiện đang sinh hoạt tại CLB Sức khỏe người cao tuổi Hà Nội tâm sự: “Hồi còn bé, tôi được nghe ông, bà, cha mẹ hát ru. Những làn điệu hát ru thật mượt mà, sâu lắng, tình cảm đã ngấm sâu vào trong trái tim tôi từ lúc nào không hay. Tôi thuộc rất nhiều lời hát ru nhưng thích nhất vẫn là làn điệu ru con Nam Bộ, vì tôi là người Nam Bộ. Khi lớn lên, tôi đã dùng những làn điệu đó để ru những đứa con của mình, nay chúng đã trưởng thành. Bây giờ tôi lại hát ru cho cháu”.

Theo cảm nhận của bà Kim Phượng, qua lời hát ru, việc giáo dục con cái rất có hiệu quả, bởi nó làm cho con người giàu lòng nhân ái, sống thiện hơn.

Cùng chia sẻ về tuổi thơ đầy ắp tiếng ru, ông Nguyễn Quang Triệu ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai kể lại: “Ở quê, mỗi gia đình đều có 1 chiếc võng để đặt con trẻ nằm ngủ buổi trưa, vừa đung đưa vừa hát ru con. Thế hệ của chúng tôi ai cũng biết các bài hát ru và có thể hát được nhiều bài. Còn bây giờ, cuộc sống hiện đại, ít người biết hát ru, đặc biệt là các bà mẹ trẻ. Họ dùng nhạc rock, rap, nhạc mạnh tải về từ máy tính để ru con ngủ”.

Nhưng cũng không phải là không còn những bà mẹ trẻ yêu hát ru, luôn dành cho con mình những gì ngọt ngào nhất trước khi bước vào giấc ngủ. Vợ chồng chị Nguyễn Thanh Hiền (Hà Nội), từ khi con còn nhỏ, anh chị lại có thêm một sở thích chung, đó là: Hát ru và kể chuyện cho con nghe mỗi ngày. Chị tâm sự: “Từ khi sinh cháu, tôi đã nựng nịu, hát ru con, dù thực tế tôi hát không hay và cũng không giỏi hát. Chồng tôi rất ủng hộ, nhiều khi anh cũng “tranh thủ” ru con. Đã trở thành thói quen, bây giờ 5 tuổi nhưng con bé vẫn thích được mẹ hát ru”.

“Dù bây giờ nhịp sống hiện đại có bận rộn thật, có nhiều điều kiện để chăm sóc trẻ nhưng tôi nghĩ vẫn không gì có thể thay thế được cho những lời hát ru, và hơn cả là sự quan tâm của cha mẹ. Chỉ cần hiểu được điều này và các bậc cha mẹ ý thức được tầm quan trọng của chúng thì vẫn có thể làm được”, chị Thanh Hiền khẳng định.

Cứu lấy hát ru!

Tiết mục biểu diễn của CLB Nghệ thuật UNESCO Hà Nội (Ảnh: Kim Dung)
Tại buổi giao lưu hát ru, một hoạt động nằm trong khuôn khổ của Ngày hội Gia đình Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT; Phó Trưởng ban Ngày hội bày tỏ lo lắng: "Hát ru đang ngày bị mai một bởi ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại. Không còn nhiều những bà mẹ hát ru con mình. Trong khi, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, những câu hát ru sẽ lưu lại trong tiềm thức con trẻ, là những gì êm ái nhất, nhân bản nhất trong hành trang cho con bước vào đời".

Bà Nguyễn Thị Hoa nhớ lại: “Ngày xưa, mỗi lần ông bà hát ru, tôi thấy êm ái lắm. Nó làm cho tôi nhớ mãi. Sau này, dù có đi đâu về đâu, có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được những lời hát ru của mẹ”.

Vì vậy, việc gợi nhớ lại những làn điệu hát ru trong Ngày hội này là một việc làm hết sức cần thiết, nhắc nhở con cháu cũng như các bà mẹ trẻ nhớ lại nét đẹp văn hóa truyền thống, thấm đẫm chất nhân văn trong làn điệu dân ca, làn điệu hát ru – hồn của dân tộc Việt Nam.

Bà Hoa cũng cho biết thêm: "Năm nay, chúng tôi chỉ dừng lại ở mức giao lưu để người cao tuổi có cơ hội thể hiện và nhằm ôn lại những làn điệu dân ca cùng lời hát ru để thể hệ trẻ có thể tiếp nhận và thực hiện. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ tổ chức những buổi liên hoan về hát ru dành cho các bà mẹ trẻ. Để làm được điều này sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức, cho nên chúng tôi cần phải có tôn chỉ hoạt động và mục đích đề ra phải thật cụ thể, rõ ràng. Do đó, việc giữ lại lời hát ru mang tính truyền thống hay cải biên cho phù hợp với thế hệ trẻ là cả một quá trình dài và phải thực hiện nghiêm túc".

Đó không chỉ là nỗi trăn trở của riêng bà Phượng, ông Triệu, nhà nghiên cứu Văn Giá, mà đó còn là nỗi lòng của những người đi trước - những người luôn coi trọng ý nghĩa và cái đẹp của lời hát ru.

Theo nhà nghiên cứu Văn học Văn Giá: Hát ru là vẻ đẹp rất kỳ diệu của văn hóa dân tộc vì thế chúng ta phải gìn giữ. Chúng ta phải tiến hành kiểm kê, ghi âm, nghiên cứu và quảng bá... Nếu không làm như vậy, những làn điệu hát ru sẽ mất hoàn toàn, đó là điều có tội với tiền nhân, cha ông và với lịch sử dân tộc. Cũng nên tuyên truyền cho các bà mẹ trẻ hiểu được vẻ đẹp kỳ diệu của lời hát ru, giai điệu hát ru của Việt Nam và sau khi họ hiểu thì có đợt tập huấn, khích lệ họ học hát ru con./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên