“Xẩm đỏ” - 35 phút về cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu
Hoàn thành sau 2 năm bấm máy, bộ phim tài liệu “Xẩm đỏ” sẽ ra mắt khán giả vào ngày 18/8 tới đây.
- Nghệ nhân Hà Thị Cầu và lần cuối cùng trẩy kinh
- Khôi phục, quảng bá nghệ thuật hát Xẩm Hà Nội
- Nghe xẩm tàu điện và mơ giấc Metro
- Neo giữ hồn Xẩm
Ðạo diễn trẻ Lương Đình Dũng chia sẻ: “Đối với tôi, Xẩm cụ Cầu là một giá trị xuyên thời gian, xuyên qua những binh biến, loạn lạc của thời cuộc, xuyên qua những bất hạnh và nghèo đói của cuộc đời”.
Nhân dịp này, phóng viên Đài TNVN có cuộc trao đổi với đạo diễn của bộ phim “Xẩm đỏ”.
PV: Tiến hành quay hơn 2 năm, với 1.200 phút hình ảnh nhưng anh chỉ chọn ra 35 phút để dựng thành phim “Xẩm đỏ”. Anh có thể giới thiệu cho khán giả được biết, trong 35 phút của bộ phim là gì?
Ðạo diễn Lương Đình Dũng: Bắt đầu bộ phim tôi đưa ra hình ảnh những người hát rong trên phố Hàng Bạc, Hà Nội. Đó không phải là hát Xẩm mà là hát rong với những loa, đài, thùng và những người thanh niên rất trẻ đi hát xin tiền. Ở đây tôi muốn nói là chúng ta đang ở thời hiện tại, đang xem bộ phim này. Và bộ phim vào câu chuyện của nghệ nhân Cầu.
Ở đây tôi muốn bắt đầu là: nếu chúng ta thực sự muốn nghe Xẩm thì chúng ta phải nghe bà Cầu hát. Nghe bà hát và kể về cuộc đời. Trong câu chuyện ấy tôi muốn kể những chuyện vừa buồn vừa vui, vừa kể bằng lời của cụ lại vừa kể bằng âm nhạc của chính cụ.
Trong 35 phút này tôi chỉ muốn nói một điều là: nó là âm nhạc quý. Cuộc đời một nghệ sĩ có nhiều truân chuyên. Ẩn chứa trong con người đã chứng kiến gần một thế kỷ. Con mắt cụ được chuyển tải vào âm nhạc. Qua cụ tôi cũng nhìn được lại quá khứ, một giai đoạn lịch sử của chúng ta.
PV: Sử dụng thể loại phim tài liệu để tái hiện hình ảnh một nghệ nhân dân gian gắn với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, anh đã làm như thế nào?
Ðạo diễn Lương Đình Dũng: Ban đầu chúng tôi dự định quay khoảng 1 tháng, bởi vì chúng tôi nghĩ “có lẽ cũng đến vậy”. Khi xuống quay thì bắt đầu mình mới khám phá được. Tôi quay 1 băng và tôi về quan sát cụ Cầu để chuẩn bị những câu hỏi.
Ban đầu định quay phim này, tôi định quay chủ yếu vào mùa đông. Nhưng nếu như thiếu mưa, cây gạo, chợ, sân đình…thì bộ phim này chưa đủ. Mặc dù nó là Xẩm chợ. Chính vì thế, tất cả những thời gian xâu chuỗi ấy, tôi quyết định mình cứ quay đến khi nào mình cảm thấy đủ thì thôi.
Và cho tới bây giờ tôi cảm thấy đủ cho bộ phim thứ nhất. Biết đâu một thời gian nữa tôi sẽ đi quay tiếp để cho bộ phim thứ hai. Bởi vì về bà Cầu còn nhiều lắm. 35 phút chưa thể nói hết được.
PV: Trong bộ phim “Xẩm đỏ” anh không sử dụng lời bình, chỉ có đối thoại với nhân vật và âm nhạc. Đây có phải là sự sáng tạo trong bộ phim này?
Ðạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi nghĩ một số phim, tính chất của nó nên dùng lời bình. Còn làm phim không lời bình thì trong trường hợp này hơi vất vả. Nhưng nếu đưa lời bình vào để mình kể lể, mình than thân trách phận, mình đẩy thêm những sầu khổ vào thêm thì người xem sẽ có thể cảm động hơn đấy…Nhưng tôi nghĩ là không. Âm nhạc là một cái gì đó người ta cần phải vui, người ta cần phải lắng nghe và cảm nhận. Mình không nên đưa những riêng tư vào. Đó chính là nguyên nhân mà tôi làm bộ phim này không có lời bình.
PV: “Xẩm đỏ”- là một cái tên rất lạ. Anh có thể chia sẻ những gì trong đó?
Ðạo diễn Lương Đình Dũng: Thông điệp chính của tôi chính là muốn qua lời ca tiếng hát của cụ Hà Thị Cầu muốn chuyển đến mọi người nghe, cảm thấy trong âm nhạc Xẩm ấy là một tình người lớn lao. Ngoài ra cũng là một thông điệp: chúng ta đang có một di sản sống rất quý giá của một môn nghệ thuật truyền thống. Nếu có thể thì chúng ta lưu lại, truyền lại cho mai sau, những thế hệ sau muốn học môn nghệ thuật này.
Thông điệp tôi muốn nói ngay ở trong tên phim: “Xẩm đỏ”- tức là đối với tôi Xẩm phác họa bằng màu sắc sẽ thiên về mầu nóng. “Xẩm đỏ” ấy cũng cảnh báo một môn nghệ thuật đang dần dần mất đi hoặc bị phôi phai đi nếu như chúng ta không gìn giữ.
PV: Xin cám ơn Ðạo diễn Lương Đình Dũng!./.