Xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc: Vì lịch sử hay vì dân sinh?

(VOV) - Bảo tồn di tích hay phát triển là sự lựa chọn khó khăn của các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử.

Tranh luận về việc xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc có lẽ không phải là câu chuyện duy nhất từ trước đến nay vấp phải hai quan điểm khác nhau về bảo tồn di tích. Trước đó, năm 2002, khi thực hiện dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình trên khu vực nằm giữa các đường phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn, khi tiến hành khai quật, đã phát lộ một phức hệ di tích – di vật rất phong phú, đa dạng từ thành Đại La (thế kỷ VII-IX) đến thành Thăng Long (thế kỷ Xl-XVIII) và thành Hà Nội (thế kỷ XIX).

Nhận thấy sự quan trọng của di chỉ này, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đề nghị Đảng, Quốc hội và Chính phủ cho phép tiếp tục mở rộng diện khai quật để có cơ sở khoa học đầy đủ hơn trong đánh giá cũng như trong các giải pháp bảo tồn.

Khai quật khảo cổ Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (ảnh: Cinet.vn)

Hai cuộc hội thảo sau đó được tổ chức, tuy có một số ý kiến khác nhau trong thảo luận, nhưng không ai có thể phủ nhận được giá trị lớn lao của di sản văn hoá này và nguyện vọng của hầu hết các nhà khoa học là mong muốn được bảo tồn lâu dài. Và, mặc dù là một dự án quan trọng bậc nhất cả nước bấy giờ, nhưng Bộ Chính trị vẫn quyết định để các nhà nghiên cứu tiếp tục khai quật để có cơ sở khoa học định giá và kết luận đầy đủ hơn về quần thể di tích này, trên cơ sở đó xây dựng phương án bảo tồn và phát huy ý nghĩa lịch sử của di tích này.

Thời gian đã chứng tỏ việc làm đó hoàn toàn chính xác khi khu di tích Hoàng Thành - Thăng Long đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Gần đây, năm 2010, trong khi thi đang công xây dựng nút giao thông tại Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, một phần của di tích Hoàng Thành Thăng Long lại được phát lộ. Điều này ngay lập tức gây lúng túng đối với các nhà quản lý, thi công dự án và vấp phải những “yêu cầu khó” về việc phải ngừng thi công và di chuyển con đường sang vị trí khác từ phía các nhà khảo cổ, nghiên cứu văn hóa. Rất nhiều cuộc tranh luận “nảy lửa” tốn giấy mực đã diễn ra, nhưng cuối cùng, vì mục đích dân sinh, tuyến đường vẫn tiếp tục thực hiện.

Có thể nói, ở khu vực nội thành Hà Nội, đụng đâu cũng vướng…di tích. Chính vì thế, nguy cơ của việc vi phạm Luật Di sản văn hóa là rất lớn. Và sự vênh nhau giữa hai “phái” bảo tồn và phát triển mà ở đây là Bộ VHTT&DL và Bộ Giao thông Vận tải trong việc này càng trở nên khó giải quyết.

Để giải quyết vấn đề này, dự án về xây dựng bản đồ quy hoạch di sản đã được bàn đến từ rất lâu và đều nhận được sự đồng thuận từ hai phía, thế nhưng, không hiểu sao sau gần chục năm, vẫn chỉ nằm trên giấy. TS Tống Trung Tín – Viện Khảo cổ học cho biết: Bộ VHTT&DL đã có kế hoạch nhưng đến nay Viện Khảo cổ học vẫn chưa được giao làm việc này. Có lẽ vì thế nên hễ cứ ở đâu xây dựng là ở đó lại…đụng phải di sản.

Đàn Xã Tắc và khu vực sẽ xây cầu vượt (ảnh: Huy Phương)

Trở lại sự việc Đàn Xã Tắc và việc xây dựng cây cầu vượt. Trở ngại lớn nhất đấy chính là di tích này đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa cấp Quốc gia. Chính vì vậy các nhà hoạch định đã phải một phen đau đầu khi phải tính toán thật khéo léo sao cho vừa đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân trong việc đi lại, nhưng lại vừa không vi phạm Luật Di sản văn hóa. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đại đa số người dân đều đồng tình với việc nên xây dựng một cây cầu để giảm thiểu tình trạng tắc đường hiện nay.

Di sản văn hóa là vốn quý của nhân loại, bởi nó cho thấy sự giàu có về tinh thần của một dân tộc. Nhưng cũng không nên bảo tồn một cách cứng nhắc trước nhu cầu phát triển của xã hội.

Được biết ở một số nước phát triển, họ còn biết kết hợp giữa làm đường với di sản nhằm biến những di tích đó trở thành một bộ phận làm tăng giá trị của các tuyến đường, nhờ ý tưởng biết kết hợp xây dựng với tư duy kinh tế, du lịch. Hoặc như ở Dresden, Đức, người dân ở Thung lũng Elbe đã quyết định từ bỏ danh hiệu di sản văn hóa thế giới để xây dựng một cây cầu lớn với 4 làn xe bắc qua con sông  này để đáp ứng nhu cầu phát triển nơi đây.

Vẫn biết bảo tồn hay phát triển là bài toán khó, nhưng không vì thế mà không thể tìm ra được “mẫu số chung”. Mẫu số chung đó không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của bất kỳ  “nhóm” nào, nó phụ thuộc vào điều mà người dân thực sự Cần nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên