Ý nghĩa tục “xên hươn” năm mới của người Thái
VOV.VN - "Xên hươn” của đồng bào Thái là dịp để con cháu nhớ ơn công lao của ông bà, cha mẹ nuôi dưỡng sinh thành.
Tục “xên hươn” năm mới của đồng bào Thái Tây Bắc có ý nghĩa để cầu ông bà, tổ tiên phù hộ cho họ hàng con cháu khoẻ mạnh, ăn nên làm ra, mùa màng bội thu thóc lúa đầy bồ.
Tục “xên hươn” năm mới của người Thái có từ xa xưa, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tục này được tổ chức theo dòng họ, theo lịch của người Thái như họ Quàng thường tổ chức vào ngày Kỷ, họ Lường thường vào ngày Ất của năm mới...
Thầy cúng đang rót rượu chuẩn bị lễ. Ảnh: Làng VHDL các dân tộc VN. |
Trước khi tiến hành tục “xên hươn”, gia chủ sẽ trình báo với tổ tiên từ buổi chiều tối hôm trước. Gia chủ mang một chiếu rải trước bàn thờ, một cái thớt, một con dao, một đĩa đựng lá trầu với vôi, một mớ lá dong cuộn theo một cái kẹp tre nướng thịt, một cái xiên thịt, một đôi đũa to để mời tổ tiên về ăn tết với con cháu.
Nội dung bài khấn, ông mo Lù Văn Pâng, ở bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La cho biết: "Ngày mai là ngày lành tháng tốt, năm hết tết đến con cháu mời các cụ tổ tiên về chung vui cùng con cháu, các cụ nhớ nhắc nhở nhau đến, đừng bảo là không biết, về đây chứng kiến cho tấm lòng thành của con cháu qua một năm lao động, sản xuất...”
Mâm lễ cúng Xên hươn của người Thái. Ảnh: Làng VHDL các dân tộc VN. |
Mâm cỗ để thờ cúng tổ tiên gọi là “pan phườn” gồm có một con lợn luộc chín để nguyên to nhỏ tuỳ theo điều kiện từng gia đình, một bát canh, một đĩa muối trắng, một nắm đũa, một gói thịt băm nướng, một thịt xiên nướng, một con gà luộc chín, 2 gói cơm xôi, 2 chai rượu, một bát ăn cơm, một đôi đũa, một cái thìa, trong đó không thể thiếu bát tô canh măng chua. Chính diện của bàn thờ, bà con đục lỗ để tiện cho việc thờ cúng, khi ông mo cúng được một hồi ông sẽ dùng thìa xúc măng chua, miếng cơm xôi, chén rượu bón vào chỗ lỗ hổng gọi là “ hu hóng” để cho tổ tiên ăn. Mỗi lần bón ông mo đều có lời mời, có như vậy tổ tiên mới ăn. Đến trưa, gia chủ chuẩn bị bữa cơm đón khách và thờ cúng tổ tiên.
Ông mo sẽ cho người dọn một mâm có đủ các món ăn trong ngày đó vào mâm khác, rồi mang lên cúng tổ tiên gọi là “pạt tông”. Ngoài cúng ở bàn thờ chính, bà con thường làm mâm cỗ cúng “ hỏng một ”-gian thờ đầu hồi, cúng bếp gọi là “chi phay”. Mâm cúng có con gà luộc chín và các nông sản do gia chủ chuẩn bị. Ông mo là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh, đại diện cho con cháu trong dòng họ, mời tổ tiên về phù hộ cho mọi người được an khang thịnh vượng.
Khi mặt trời xế chiều ông mo bắt đầu ngồi vào mâm cúng “pan phườn” để tiễn các cụ về mường trời còn gọi là “Sống phi hươn”. Trước khi tiễn các cụ về ông mo gọi con cháu trong nhà đến thắp hương để các cụ phù hộ độ trì cho con cháu năm mới dồi dào sức khoẻ, gặp nhiều may mắn, sản xuất chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Ông mo Lù Văn Pâng cho biết thêm: "Mời các cụ tổ tiên ăn uống xong rồi, ông mo tiễn các cụ về mường trời và không quên cầu cho tổ tiên phù hộ cho con cháu họ hàng làm ăn phát đạt, sang năm sẽ có cỗ to hơn để cúng tổ tiên.”
Sau khi ông mo tiễn các cụ tổ tiên về mường trời, con cháu, anh em họ hàng cùng nhau ăn uống, thanh niên trai gái cùng nhau hát giao duyên, ông mo hát chúc tụng gia chủ gọi là “ khắp xỏng xên” và ngược lại gia chủ chúc ông mo năm mới dồi dào sức khoẻ để họ hàng làng bản cậy nhờ trong việc thờ cúng tâm linh.
Quang cảnh không gian nhà dân tộc Thái trong ngày tổ chức Lễ Xên hươn. Ảnh: Làng VHDL các dân tộc VN. |
"Đồng bào Thái hàng năm có tục xên hươn là cúng tổ tiên, Việc thứ nhất cúng tổ tiên là để tạ ơn tổ tiên trong năm qua đã phù hộ cho mình một năm qua làm ăn phát tài đi lên. Thứ 2 là sang năm mới cầu mong cho tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi dào sức khoẻ làm ăn phát đạt", ông Lò Văn Lả nghệ nhân sưu tầm, bảo tồn văn hoá Thái cho biết.
"Xên hươn” của đồng bào Thái là dịp để con cháu nhớ ơn công lao của ông bà, cha mẹ nuôi dưỡng sinh thành. Có lẽ cũng vì thế mà tập tục đầy ý nghĩa này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác./.