Yêu cầu Hội Phết Hiền Quan 2019 phải chấm dứt phản cảm

Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu lễ hội Hiền Quan phải có giải pháp đổi mới cách thức tổ chức nhằm chấm dứt những phản cảm kéo dài...

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) vừa có buổi làm việc với Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ và một số địa phương có lễ hội điểm nóng trên địa bàn. Trong đó, Hội Phết Hiền Quan dự kiến sẽ vẫn là tâm điểm trong mùa lễ hội năm nay với những lo lắng sẽ tái diễn các màn tranh cướp bạo lực, phản cảm.
Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu, lễ hội Hiền Quan phải có giải pháp đổi mới cách thức tổ chức nhằm chấm dứt những phản cảm kéo dài, ảnh hưởng đến giá trị văn hóa của lễ hội này.
Sốt ruột vì... cướp phết
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, lễ hội Phết Hiền Quan trong vài mùa gần đây luôn trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý và không hài lòng từ phía truyền thông, dư luận cùng các nhà quản lý. Nhiều yếu tố truyền thống đã bị biến tướng và trở nên xô lệch. Thay thế những hình ảnh giới thiệu nét đẹp của lễ hội là cảnh tượng các thanh niên trai tráng lấm lem bùn đất, giẫm đạp, xô xát để tranh giành quả phết. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền thiếu định hướng cũng khiến cho người tham gia ôm ấp niềm tin thái quá và tìm mọi cách để chạm tay, hoặc cướp được quả phết cầu may.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết, gần đây mùa lễ hội nào cũng thấy sốt ruột vì cướp phết. “Hiền Quan đã trở thành điểm nóng với nhiều hình ảnh lộn xộn, phản cảm. Nhiều ý kiến cho rằng báo chí chưa khách quan, nhưng phải thẳng thắn là họ nói không sai, ở lễ hội có xô xát thật chứ không phải không. Vì vậy, người làm quản lý phải ghi nhận và điều chỉnh. Cơ bản là chúng ta phải xây dựng được đề án đổi mới và có biện pháp khắc phục...”, ông Thủy nói.
Đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông) được xây dựng và hoàn thiện vào cuối tháng 9.2018 cũng thừa nhận, trong những năm gần đây, việc tổ chức tranh phết tại lễ hội còn có những ý kiến trái chiều; còn có những hình ảnh bạo lực, giẫm đạp lên nhau, gây thương tích, phản cảm và làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội.

Những hình ảnh có thể làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội.
Về phương án tổ chức đánh phết năm 2019 và những năm tiếp theo, đề án cho biết, thời gian tổ chức lễ hội vào hai ngày 12 - 13 tháng Giêng, phần lễ được tổ chức vào các buổi sáng và phần hội được tổ chức vào các buổi chiều. Nhằm hạn chế hình ảnh phản cảm, bạo lực, UBND xã Hiền Quan đề xuất phương án “kết hợp cách đánh phết truyền thống với cách đánh phết hiện tại”. Khu vực đánh Phết được bố trí trên diện tích 1.000m2, BTC lễ hội cắm cây nêu, cọc tre, giữa các cột căng các dải băng làm giới hạn. Chấm dứt việc tranh phết, người chơi đưa được quả phết ra khỏi ranh giới này sẽ là người thắng cuộc.
Về lực lượng tham gia, trước khi tổ chức lễ hội 30 ngày, BTC sẽ rà soát, lập danh sách người tham gia đánh phết từ 14 khu dân cư, mỗi khu cử 10 người và chia thành hai đội, tượng trưng cho đội Giáp Thượng, Giáp Hạ theo truyền thống. Trang phục lễ hội với các màu xanh, đỏ để phân biệt cũng sẽ được may cho các thành viên tham gia. Đề án đổi mới cũng nhấn mạnh, những đối tượng không thuộc hai đội được BTC lựa chọn để đánh phết tuyệt đối không vào khu vực sân đánh phết; trong đánh phết, cấm các hành động bạo lực, đấm, đá, giẫm đạp, xúc phạm thân thể, danh dự của đối phương.
“Chỉ tổ chức tranh phết (6 quả), không tổ chức tranh chúi vì quả chúi theo truyền thống là vật tế, ném đi các phương để xua đuổi tà ma, rủi ro, bệnh tật..., cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt”, đề án nêu rõ.
Tờ trình của Sở VHTTDL gửi UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, để thực hiện các giải pháp đổi mới công tác tổ chức và quản lý lễ hội Phết Hiền Quan là hết sức khó khăn, cần tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ, kiên quyết của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền và nhân dân địa phương. Việc xây dựng sân bãi có hàng rào xung quanh để tổ chức đánh Phết nhằm hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy phản cảm, bạo lực không thực hiện được vì hội Phết Hiền Quan diễn ra hằng năm chỉ trong hai ngày 12 - 13 tháng Giêng, thời gian tổ chức phần hội cũng chỉ diễn ra trong vòng 2, 3 tiếng. Quỹ đất để xây dựng sân bãi hiện tại địa phương không bố trí được, sẽ phải sử dụng đất canh tác trồng trọt, tăng gia của người dân. “Vì vậy, phương án đầu tư xây dựng sân bãi liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng tốn kém, lãng phí và không phù hợp với hình thức đánh phết truyền thống...”, Tờ trình cho biết.

Những hình ảnh phản cảm tại hội Phết Hiền Quan năm 2018.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cần phải đổi mới, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ yêu cầu huyện Tam Nông chỉ đạo và có biện pháp hỗ trợ để xã Hiền Quan thay đổi phương thức tổ chức lễ hội. “Không ai cấm Hiền Quan tổ chức lễ hội nhưng không thể nói vẫn cứ làm như cũ. Giải pháp cần phải hài hòa, sao cho người dân không bị mất đi lễ hội của mình nhưng cũng không tạo nên sự phản cảm và nhất thiết phải tuân thủ đúng pháp luật. Có thể thay đổi dần dần mà không khiến cho lễ hội truyền thống bị biến chất, không làm người dân cảm thấy đó là lễ hội của người khác, vùng khác. Thời đại mới mà chúng ta vẫn duy trì những hình ảnh phản cảm, bạo lực như thế để nói rằng đó là truyền thống thì không nên”, ông Thủy nhấn mạnh.
Cụ thể, lãnh đạo Sở lưu ý, phương án chia đội tạm ổn, tuy nhiên phải có các biện pháp kiểm soát, đặc biệt là phải đảm bảo lực lượng an ninh.
Nhằm khắc phục hiện tượng người tham gia lễ hội cùng đổ xô vào tranh phết, Sở VHTTDL yêu cầu BTC bố trí nhiều lớp hàng rào chắc chắn, đi kèm là sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát. “Cứ một mét có một lớp rào đóng cọc tre hoặc chôn gỗ xuống. Người bên ngoài cứ vượt qua lớp rào sẽ có lực lượng cảnh sát ngăn lại. Bên cạnh đó, theo nghi thức truyền thống sẽ có phân định ranh giới bằng cây nêu, người cướp được phết đưa vượt khỏi ranh giới này là thắng cuộc. BTC sau đó phải có lực lượng bảo vệ đưa người cướp được phết về nhà, tránh tái diễn việc quả phết bị cướp lại, dẫn đến các hành vi bạo lực…”, ông Thủy chỉ đạo.
Tán đồng phương thức này, bà Ninh Thị Thu Hương cũng lưu ý, BTC cần bố trí đầy đủ các phương tiện, công cụ và con người để kiểm soát, tránh để vỡ trận. Các giải pháp đảm bảo an toàn cần tính toán chặt chẽ và không thể sơ sài. “Bên cạnh các biện pháp an ninh cần tăng cường mạnh mẽ công tác tuyên truyền. Người Hiền Quan phải biết tự bảo vệ lễ hội của mình, không để du khách khắp nơi hoặc nhân dân các vùng lân cận cùng lao vào tranh cướp phết. Nếu có vấn đề, sự cố thì có thể tạm dừng…”./.




Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lễ hội Phết Hiền Quan sẽ bị tạm dừng nếu vẫn để xảy ra bạo lực
Lễ hội Phết Hiền Quan sẽ bị tạm dừng nếu vẫn để xảy ra bạo lực

VOV.VN - Trong trường hợp không có phương án đảm bảo an ninh trật tự, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ tạm dừng tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan.

Lễ hội Phết Hiền Quan sẽ bị tạm dừng nếu vẫn để xảy ra bạo lực

Lễ hội Phết Hiền Quan sẽ bị tạm dừng nếu vẫn để xảy ra bạo lực

VOV.VN - Trong trường hợp không có phương án đảm bảo an ninh trật tự, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ tạm dừng tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan.

Bộ Văn hóa yêu cầu Phú Thọ báo cáo việc tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan
Bộ Văn hóa yêu cầu Phú Thọ báo cáo việc tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan

VOV.VN - Bộ Văn hoá, Thể Thao & Du lịch yêu cầu tỉnh Phú Thọ báo cáo về tình trạng hỗn loạn tại Lễ hội Phết Hiền Quan trước ngày 20/3.

Bộ Văn hóa yêu cầu Phú Thọ báo cáo việc tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan

Bộ Văn hóa yêu cầu Phú Thọ báo cáo việc tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan

VOV.VN - Bộ Văn hoá, Thể Thao & Du lịch yêu cầu tỉnh Phú Thọ báo cáo về tình trạng hỗn loạn tại Lễ hội Phết Hiền Quan trước ngày 20/3.