Yêu Hà Nội bắt đầu từ múa cổ Thăng Long

(VOV) -Múa cổ Thăng Long Hà Nội  là một hình thức sinh hoạt dân gian trong đời sống người dân kinh kỳ...




Múa cổ Thăng Long

Múa cổ Thăng Long Hà Nội là sự kết tinh của nhiều nền văn hóa. Đây là một hình thức sinh hoạt dân gian trong đời sống người dân kinh kỳ xưa. Tuy nhiên với thời gian, múa cổ đang dần vắng bóng trong cuộc sống hiện đại. Để làm sống lại những điệu múa này các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đang cất công tìm về từng địa phương nghiên cứu phục dựng lại. Trong bài viết này, xin giới thiệu về một người nghệ sĩ đã dành tâm huyết cả đời cho nghệ thuật múa cổ Thăng Long. Bà là Lê Hồng Thắng một nghệ sĩ múa lão thành, người đang khai thác vốn cổ để làm phong phú thêm nghệ thuật múa Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất giàu truyền thống Lam Kinh, nghệ sĩ Lê Hồng Thắng gắn bó với những điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội như một cơ duyên. Đó là từ những năm 60, khi bà được vinh dự ra Thủ đô theo học trường Múa Việt Nam, được tiếp xúc với các điệu múa kinh kỳ. Đó là một tài sản vô giá, thể hiện sự sáng tạo của ông cha ta xưa kia. Từ nền văn hóa lúa nước, mảnh đất châu thổ sông Hồng hòa cùng thiên nhiên, con người Hà Nội… đã tạo nên những điệu múa này. Bà yêu múa cổ Thăng Long từ đó. Nghệ sĩ Lê Hồng Thắng tự nhủ:

“Nếu muốn hiểu người Hà Nội xưa như thế nào, tinh túy, thâm sâu…  như thế nào và người ta yêu văn hóa như thế nào, sáng tạo văn hóa như thế nào phải nhìn vào các điệu múa. Mình yêu cái đó và mình thấy rằng cần phải khôi phục điều đó để giữ dìn và phát huy văn hóa Hà Nội cho mai sau”.

Múa cổ tuân theo quy luật tự thân và không thể tách múa cổ ra khỏi môi trường sinh ra nó là không gian văn hóa, lễ hội làng quê. Khác với các lĩnh vực nghệ thuật khác, muốn phục dựng thành công một điệu múa cổ, người nghệ sĩ phải tìm tòi trong tư liệu cổ, tham khảo ý kiến nghệ nhân và phải nhờ đến thanh niên địa phương lập đội hình tập múa. Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội nói:

"Chị Thắng là người bỏ nhiều công sức, và chịu khó lăn lộn đến các địa phương, chị đã giữ được hồn cốt các điệu như hồn cốt điệu Phù Đổng hay giữ được hồn cốt làng Lệ Mật. Chị hay nói với người dân địa phương, giữ là giữ cái ngày xưa ông cha ta để lại, công chị là rất lớn và chị đã có những nghiên cứu cụ thể”.


Một tiết mục múa cổ (Ảnh: Quang Trung).

Khác với các nghệ sĩ, nhà sưu tầm khác, nghệ sĩ Lê Hồng Thắng không chỉ phục dựng thành công hình hài, màu sắc các điệu múa cổ, bà còn làm “sống lại” tinh thần, cốt cách điệu múa… Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Thanh Bảo nhận xét:

 “Thần thái của của múa cổ là diễn xuất cái chính ở đây là đã phục hồi được cơ bản cái đường nét, ngôn ngữ của múa cổ. Nó rất độc đáo. Bởi múa cổ từ động tác, điệu bộ đều rất tế nhị”.

Hơn 50 năm trong nghề, nghệ sĩ Lê Hồng Thắng đã góp phần phục đựng thành công hơn 10 điệu múa cổ như: Múa tứ linh; Múa Tiên; Múa Lễ chữ; Múa gậy… Với những đóng góp này, 20 năm liền bà được bầu vào Ban chấp hành Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội, 3 lần giữ chức Phó chủ tịch Hội. Đến nay, đã gần 70 tuổi, nghệ sĩ Lê Hồng Thằng vẫn cặm cụi tra cứu tư liệu tìm lại những điệu múa xưa. Bà trăn trở tìm cách lưu giữ những điệu múa cho mai sau. Bà đau đáu khi không thể phục dựng điệu múa Nghiềm quân ở Hoài Đức…

Chính khả năng làm việc cần mẫn cùng tình yêu lớn dành cho văn hóa Thăng Long, bà được người dân mỗi nơi bà đi qua yêu mến, kính trọng. Để rồi, mỗi khi mùa lễ hội về, các nghệ nhân lão thành lại gọi: “Bà Thắng ơi, có về xem múa không?”. Đó là phần thưởng vô giá cho những năm cống hiến tận tụy cho múa cổ Thăng Long của nghệ sĩ Lê Hồng Thắng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tối 1/2 khai mạc Liên hoan các điệu múa cổ Thăng Long-Hà Nội
Tối 1/2 khai mạc Liên hoan các điệu múa cổ Thăng Long-Hà Nội

Gần 300 nghệ nhân, diễn viên không chuyên sẽ trình diễn các điệu múa cổ bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Tối 1/2 khai mạc Liên hoan các điệu múa cổ Thăng Long-Hà Nội

Tối 1/2 khai mạc Liên hoan các điệu múa cổ Thăng Long-Hà Nội

Gần 300 nghệ nhân, diễn viên không chuyên sẽ trình diễn các điệu múa cổ bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Phục hồi phát huy múa cổ Thăng Long
Phục hồi phát huy múa cổ Thăng Long

Không thể tách múa cổ ra khỏi môi trường sinh ra nó, đó là không gian văn hóa, lễ hội làng quê

Phục hồi phát huy múa cổ Thăng Long

Phục hồi phát huy múa cổ Thăng Long

Không thể tách múa cổ ra khỏi môi trường sinh ra nó, đó là không gian văn hóa, lễ hội làng quê