Âm nhạc kỳ diệu của những người câm điếc
VOV.VN - Đã 6 tháng nay, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, (TP.HCM), người dân quen với sự có mặt của một nhóm người câm điếc miệt mài biểu diễn văn nghệ.
Cứ 7h tối mỗi ngày, nhóm người câm điếc mang chiếc loa cũ, đặt ở vị trí có nhiều người qua lại trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, (TP.HCM) và bắt đầu thể hiện những giai điệu thật đẹp bằng ngôn ngữ cử chỉ
Khi giai điệu đầu tiên của ca khúc “Sống như những đóa hoa” của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng vang lên, người trưởng nhóm ra hiệu xếp thành hàng và các thành viên bắt đầu lắc lư theo điệu nhạc. Bàn tay phải của họ khép lại, đặt lên ngực trái, tay còn lại đưa lên cằm rồi kéo dài xuống cổ. Sau đó, hai bàn tay lại đặt bằng nhau và đưa thẳng ra trước mặt, cứ thế tạo thành những động tác vô cùng uyển chuyển. Không chỉ tay, biểu cảm còn thể hiện ở miệng - lúc tròn xoe, lúc bập bẹ như trẻ con, hai chân thay nhau đưa lên, đặt xuống nền đất. Đến đoạn nhạc dạo, cả nhóm lại nhảy chân sáo, đi thành một vòng tròn... Đó là những hình ảnh mà mọi người đều có thể chứng kiến khi xem nhóm người câm điếc biểu diễn mỗi lúc phố Nguyễn Huệ lên đèn.
Những người câm điếc biểu diễn bằng mọi ngôn ngữ của cơ thể. |
Nhóm được thành lập từ Hội những người câm điếc Thành phố Hồ Chí Minh, do bà Phạm Cao Phương Thảo phụ trách, nhằm giúp người câm điếc hòa nhập cộng đồng, mang lại cơ hội việc làm cho họ. Nhóm có khoảng gần 100 thành viên, nhưng mỗi lần đi biểu diễn đường phố thì chỉ từ 3 đến 7 người, còn lại những thành viên khác ở nhà nghỉ ngơi và tập luyện. Bà Thảo cũng là người duy nhất trong nhóm có thể nghe và nói, và cũng từ lâu rồi, bà xem các thành viên trong nhóm như con mình. Bà dành hết thời gian của mình để dịch bài hát sang ngôn ngữ ký hiệu và tập biểu diễn với nhóm.
Bà chia sẻ: “Các em không nghe được thì nhìn ngôn ngữ múa, hát bằng ngôn ngữ ký hiệu. Từ đó tôi nghiên cứu mấy bài nhạc để tập cho các em. Đa số các em là trẻ lang thang, không được học hành đến nơi đến chốn nên sự hiểu biết về ngôn ngữ rất yếu”.
Bà Phạm Cao Phương Thảo đang hướng dẫn cho các thành viên biểu diễn. |
Khó khăn là vậy, nhưng nhờ kiên trì tập luyện nên các thành viên dần dần thành thạo. Kể từ đó, nhóm đi biểu diễn ở khắp nơi và nhận được nhiều lời khen ngợi. Những lúc có nhiều người xem, thấy mọi người thích thú, nhóm biểu diễn 4 giờ liên tục không biết mệt mỏi. Mỗi khi có người dừng lại xem, hay tán thưởng bằng một tràng vỗ tay, các thành viên lại dùng bàn tay phải chụm lại đưa lên trước miệng rồi từ từ mở ra trước mặt, lòng bàn tay ngửa ra và cúi người xuống thay cho lời cảm ơn.
Mặc dù không may mắn có được cuộc sống như những người bình thường, nhưng những thành viên của nhóm luôn cố gắng hòa nhập với cộng đồng, không tạo thành gánh nặng cho xã hội, mang lại niềm vui cho mọi người. Việc biểu diễn bằng ngôn ngữ ký hiệu không những tạo ra niềm vui cho bản thân những người câm điếc mà còn lay động cộng đồng. Không thể biểu diễn bằng lời ca, tiếng hát nhưng những cử chỉ, dáng điệu, biểu cảm của nhóm nhận được rất nhiều sự đồng cảm, thấu hiểu từ mọi người./.