“Bài hát Việt” có nên dừng khi đã... nhạt?
(VOV) - Bài hát Việt giống như một bàn ăn xoay vòng với những món ăn đã cũ trong khi thực khách đã quá... ngán.
Nhạc sĩ, ca sĩ cũng… quay vòng
Ra đời vào năm 2005, Bài hát Việt là một sân chơi âm nhạc tầm cỡ toàn quốc để tôn vinh nhạc sĩ, ca sĩ, người phối khí… những người góp phần mang lại thành công cho một ca khúc. Từ sân chơi Bài hát Việt, nhiều nhạc sĩ đã tạo dựng được danh tiếng, nhiều ca sĩ tìm được chỗ đứng trong làng nhạc Việt, nhiều ca khúc đã được phổ biến rộng trong công chúng và có ảnh hưởng tích cực đến đời sống âm nhạc Việt Nam.
Có thể kể đến những ca khúc như “À í a” ( Lê Minh Sơn), “Mưa bay tháp cổ” (Trần Tiến), “Bà tôi” (Nguyễn Vĩnh Tiến), “Chuông gió” (Võ Thiện Thanh), “Con cò” (Lưu Hà An), “Chênh vênh” (Lê Cát Trọng Lý), “Em trong mắt tôi” (Nguyễn Đức Cường)… Bên cạnh đó, những ca sĩ trẻ như Thùy Chi, Đinh Mạnh Ninh, Hà Anh Tuấn, Ngọc Khuê… đều khẳng định được tài năng của mình khi giành giải “Ca sĩ được khán giả yêu thích nhất” qua các năm.
Trở lại với năm thứ 8, Bài hát Việt vẫn là một sân chơi âm nhạc chính thống cho các tác giả trẻ thể hiện khả năng |
Giải thưởng trong Bài hát Việt do Hội đồng thẩm định lựa chọn có thể coi là sự ghi nhận công sức của các nhạc sĩ, ca sĩ trong việc tạo ra những sản phẩm âm nhạc có chất lượng, gu thẩm mỹ cao. Đây là việc nên làm và cần phải làm để định hình phong cách âm nhạc, nghe nhạc có văn hóa trong sự xô bồ của nhạc thị trường tràn lan như hiện nay. Thế nhưng, một điều không hề mong muốn là Bài hát Việt đang ngày càng bị thu hẹp số lượng nhạc sĩ, ca sĩ tham dự.
Mỗi một liveshow Bài hát Việt sẽ giới thiệu 9 ca khúc mới trong số đó, phần lớn tác giả là những gương mặt quen thuộc với sân chơi Bài hát Việt hay lần đầu đến với Bài hát Việt nhưng đã gây được ấn tượng từ trước. Đã phải dùng từ “người nhà” để nói về những nhạc sĩ như Giáng Son, Dương Cầm, Hà Okio, Châu Đăng Khoa, Lưu Thiên Hương… Thậm chí, trong liveshow tháng 10, chỉ có 1 tác giả mới duy nhất là Việt Thắng với ca khúc “Thu nhớ”.
Những người được tác giả tin tưởng gửi gắm cho đứa con tinh thần của mình cũng là các gương mặt “gà nhà” (xuất xứ từ các cuộc thi âm nhạc do “nhà Đài” tổ chức) như: Trung Quân Idol, Uyên Linh Idol, Ngọc Anh, Tô Minh Đức… Không chỉ sáng tác, các tác giả còn kiêm luôn phần thể hiện như Hà Okio, Đinh Mạnh Ninh, Minh Thư hay Tạ Quang Thắng.
Đã phải dùng từ "người nhà" để nói về những ca sỹ như Đinh Mạnh Ninh, Tô Minh Đức, Trung Quân... |
Bị bó hẹp trong một lượng những ca sĩ, nhạc sĩ nhất định, các sáng tác trong Bài hát Việt không thể thoát khỏi phong cách sáng tác, phong cách thể hiện quen thuộc. Sự lặp đi lặp lại nhàm chán vô hình chung làm giảm đi sự hứng thú của khán giả với chương trình. Bài hát Việt giống như chiếc bàn ăn xoay vòng với những món ăn đã cũ mà quên đi rằng, khẩu vị của thực khách luôn thay đổi và thay đổi một cách chóng mặt.
Áp đặt hay định hướng gu nghe nhạc?
Khán giả và công chúng yêu nhạc luôn đóng phần quan trọng trong bất kỳ một chương trình âm nhạc nào. Có khán giả, chương trình mới tồn tại. Khán giả tại Bài hát Việt vừa là đối tượng phục vụ, vừa là đối tượng điều chỉnh văn hóa nghe nhạc. Thế nhưng, tại sân chơi âm nhạc này, khán giả dường như đang ngày càng bị xem nhẹ.
Có thể thấy, từ những năm đầu tiên của Bài hát Việt cho đến bây giờ, format của chương trình không thay đổi là bao. Vẫn là tuyển chọn những sáng tác tốt, những giọng ca tốt để trình diễn… Hầu hết các giải của tháng đều được trao bởi Hội đồng thẩm định, chỉ một giải duy nhất là do khán giả bình chọn (Giải bài hát ấn tượng). Bài hát Việt như đang rơi vào sự nhạt nhòa bởi nó giống như sân chơi của giới nghệ sỹ, tự lựa chọn tác phẩm, tự chọn người thể hiện rồi tự trao giải.
Đến với Bài hát Việt 2012, các ca khúc dự thi đề cập nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, những mơ ước của người trẻ và hướng mọi người có thái độ sống tích cực hơn. Thế nhưng, cách viết nhiều khi gượng ép, khiên cưỡng, thiếu tự nhiên trong cả ca từ và giai điệu khiến người nghe cảm thấy… mệt và khó cảm nhận.
Có thể nói, Bài hát Việt đang máy móc áp đặt khán giả nghe theo thứ âm nhạc mà BTC đưa ra chứ không chú ý đến người nghe cần nghe gì?
Trong Bài hát Việt số tháng 7, có một đoạn phóng sự ngắn nói về nhạc thị trường với những lời phê phán như: “Phần lớn các ca khúc nhạc teen thời nay đều viết tốc hành, cấu trúc lủng củng, giai điệu nghèo nàn, gượng ép, ca từ trống rỗng, tối nghĩa, không nói lên được những hoài bão của tuổi trẻ...”. Thế nhưng, cứ cho là có những sáng tác “chất lượng, bài bản, tử tế, có thẩm mỹ cao” thì vì lý do gì Bài hát Việt lại càng ngày càng khó thu hút khán giả đến với mình?
Nếu không tìm cách đổi mới hình thức và nội dung, Bài hát Việt sẽ càng ngày càng bị thu hẹp trong một sân chơi riêng của các nhạc sỹ, ca sỹ “gà nhà” mà không dành cho số đông công chúng yêu nhạc./.