Ca Huế lần đầu được tôn vinh xứng tầm ở Festival Huế 2014
VOV.VN - Chương trình tôn vinh ca Huế “Âm sắc Hương Bình” là một trong những điểm nhấn quan trọng của Festival Huế 2014.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với NSND Nguyễn Trọng Bình – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế - Tổng đạo diễn chương trình “Âm sắc Hương Bình”.
Các diễn viên tham gia đêm nhạc "Âm sắc Hương Bình" đang tích cực tập luyện tại Nghinh Lương Đình |
Sản phẩm văn hóa đặc sắc của Cố đô
PV: Đây là lần đầu tiên, hoạt động ca Huế được đưa vào Festival Huế với tư cách là một chương trình độc lập. Vì sao phải đến kỳ thứ 8, ca Huế mới được tổ chức một cách bài bản trong khi đây là một loại hình âm nhạc rất lâu đời tại Huế?
NSND Nguyễn Trọng Bình: Trong 7 kỳ Festival trước, ca Huế đã được đưa một cách rải rác vào trong các hoạt động và chương trình âm nhạc. Với lịch sử hơn 500 năm hình thành và phát triển của ca Huế, với chất lượng nghệ thuật đỉnh cao, chúng ta nên tôn vinh ca Huế bằng một đêm nghệ thuật đặc sắc. Với chủ trương của UBND tỉnh và Sở VH-TT&DL Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã khai thác nét đặc trưng của ca Huế và đưa vào trong chương trình “Âm sắc Hương Bình”.
Mục đích của chương trình nhằm tôn vinh những giá trị của nghệ thuật ca Huế, tri ân các bậc nghệ nhân tiền bối, khẳng định chất lượng nghệ thuật cũng như bản sắc độc đáo của nghệ thuật ca Huế. Đồng thời, chương trình cũng nhằm quảng bá một sản phẩm văn hóa đặc sắc, tiêu biểu đã trở thành thương hiệu du lịch cho du khách mỗi khi đến Huế.
PV: Là Tổng đạo diễn kiêm người viết kịch bản của chương trình, ông có gặp nhiều khó khăn khi thực hiện một chương trình ca Huế hoàn toàn mới cho Festival?
NSND Nguyễn Trọng Bình: Ban đầu, tôi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn bởi chính yếu tố hoàn toàn mới từ cách khai thác chất liệu, loại hình thể hiện cho gần gũi với công chúng đến việc tôn vinh và làm nổi bật giá trị của ca Huế.
NSND Nguyễn Trọng Bình |
Ca Huế là một loại hình âm nhạc bác học, vốn được diễn xướng trong không gian thính phòng. Khách đến thưởng thức ca Huế hầu hết là những người có tri thức về âm nhạc, những người lớn tuổi. Do đó, khi phải đưa ca Huế lên sân khấu lớn, trước quảng đại quần chúng thì phải tìm ra cách để lôi cuốn được sự chú ý của khán giả.
Trong quá trình nghiên cứu viết kịch bản, tôi phát hiện ra rằng, ca Huế không chỉ làm say đắm những người mộ điệu trong không gian thính phòng mà còn lan ra nhiều hình thức biểu diễn khác như ca Huế thêm các điệu bộ, ca Huế múa dân gian và ca kịch Huế. Nắm bắt điều đó, trong cấu trúc chương trình, tôi vẫn lấy ca Huế làm cốt lõi và phát triển thêm hát múa dân gian (khai thác chất liệu dân gian của Huế), biểu diễn những trích đoạn hay nhất của ca Huế.
Hiện, hơn 100 diễn viên cùng ekip vẫn đang luyện tập tích cực để chuẩn bị cho đêm nhạc “Âm sắc Hương Bình” duy nhất tại Festival Huế.
Vẫn còn nhiều trăn trở
PV: Khách du lịch đến với Huế vẫn luôn bị ấn tượng bởi những chương trình ca Huế tổ chức trên sông Hương. Khi thứ âm nhạc bác học gắn với việc kinh doanh, liệu ca Huế có bị biến chất?
NSND Nguyễn Trọng Bình: Đúng là, các nghệ sĩ tham gia vào hoạt động ca Huế hiện nay đang “sống nhờ” vào việc tổ chức ca hát trên dòng sông Hương. Hoạt động ca Huế sông Hương đã diễn ra hơn 20 năm nay. Ngoài vấn đề đáp ứng đời sống của anh chị em nghệ sĩ thì chất lượng âm nhạc vẫn đảm bảo được, dần trở về với những bản gốc của ca Huế.
Ngày xưa, ca Huế chỉ biểu diễn trong các phủ đệ các bậc vua chúa của triều Nguyễn, do đó, ca Huế trên sông Hương trở nên gần gũi hơn với cách thức cũ. Ở Huế còn có Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế, do đó mở rộng không gian biểu diễn những tác phẩm lớn chứ không chỉ dừng lại trên sông Hương. Tôi thấy, đây là hoạt động hợp lý, đúng theo quy luật duy trì và phát triển của âm nhạc ca Huế.
Hoạt động ca Huế trên thuyền rồng tại sông Hương (Ảnh: Thể thao & Văn hóa) |
PV: Với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống, việc tìm được thế hệ kế thừa luôn là một vấn đề rất nan giải. Ca Huế có đang trong tình trạng như vậy?
NSND Nguyễn Trọng Bình: Đây đúng là điều mà chúng tôi vẫn trăn trở. Ở Huế có trường Nghệ thuật – Văn hóa Thừa Thiên Huế và Học viện Âm nhạc trực tiếp đào tạo ra những lớp diễn viên và nhạc công kế tiếp của ca Huế. Do đó, lực lượng diễn viên của ca Huế rất hùng hậu. Riêng số diễn viên được thẩm định về chuyên môn để cấp thẻ hoạt động trên sông Hương đã là hơn 400 người.
Tuy nhiên, hiện nay, những người nắm bắt được hết tinh hoa, kỹ năng của ca Huế, có khả năng truyền dạy lại cho các thế hệ sau ngày càng mai một. Các loại hình âm nhạc khác có thể đào tạo ra được nhiều thầy, nhưng với âm nhạc truyền thống thì phần lớn là dạy theo truyền khẩu. Do đó, để đào tạo ra các thầy là rất khó.
PV: Với một lịch sử lâu đời cùng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, vì lý do gì mà ca Huế vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia?
NSND Nguyễn Trọng Bình: Hiện nay, lãnh đạo tỉnh và ngành Văn hóa đã chỉ đạo các ban ngành, nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu xây dựng bộ hồ sơ để bước đầu tiên trình ra Trung ương, ra Bộ VHTT&DL để công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tiến tới trình lên UNESCO thành di sản thế giới.
Theo tôi, với bản chất và giá trị của mình, ca Huế nó hoàn toàn xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể. Có nhiều loại hình sinh sau ca Huế, lấy chất liệu từ ca Huế như Đờn ca tài tử đã được công nhận rồi thì không có lý gì, ca Huế lại không được. Chương trình tôn vinh ca Huế “Âm sắc Hương Bình” cũng nhằm góp một tiếng nói, thêm một tư liệu vào trong hồ sơ để đệ trình xin là di sản cấp quốc gia.
PV: Xin cảm ơn ông./.