Ca sỹ trẻ: Chưa thành “sao” đã ngạo mạn, thiếu ý thức

(VOV) - Thời gian qua, nhiều ca sĩ trẻ đã bị công chúng “lên án” bởi những phát ngôn và hành vi ứng xử thiếu ý thức.

Ca sĩ tự ý bỏ chương trình, hát nhép, phát ngôn bừa bãi, thiếu chuyên nghiệp trong văn hóa ứng xử… đã trở thành điểm nóng của showbiz Việt trong thời gian vừa qua. Những hành động không “đẹp mắt”, thiếu chuyên nghiệp này xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và không có dấu hiệu giảm. Dù bị khán giả và báo chí lên án nhưng nhiều ca sĩ trẻ vẫn đang tiếp tục tự “làm xấu” mình trong mắt công chúng.

Sự việc ca sĩ Bùi Anh Tuấn hát nhép lộ liễu trong một chương trình ở Hà Nội nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận của khán giả. Không những vậy, sau một thời gian ngắn, Bùi Anh Tuấn tiếp tục mắc lỗi khi bỏ tổng duyệt và bị cắt tiết mục tại chương trình “Bài hát yêu thích” tháng 2.

Bùi Anh Tuấn (ảnh tư liệu)

Được gọi với cái tên mỹ miều là “hoàng tử”, Bùi Anh Tuấn bước ra từ cuộc thi The Voice – Giọng hát Việt với “hào quang” lấp lánh và lượng fans “khủng”. Nhưng, cùng với “hào quang ảo” đó là nhiều “ì xèo” về tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, kỹ năng ứng xử thiếu lễ độ với khán giả, đồng nghiệp và phóng viên báo chí.

Bùi Anh Tuấn không phải là đại diện duy nhất trong những “ngôi sao” mới nổi nhưng lại có cách làm việc thiếu tôn trọng khán giả và đồng nghiệp. Trong thời gian qua, những phát ngôn gây sốc, bừa bãi của ca sĩ trẻ cũng được đưa đến tai khán giả theo nhiều cách khác nhau. Với sự bùng nổ và phổ biến của mạng xã hội (facebook), nhiều ca sĩ mới nổi vô tư “xả rác” bằng những hình ảnh, lời nói thiếu văn hóa, công kích người khác trên trang cá nhân của mình.

Nổi tiếng với những bộ “cánh” hàng hiệu, những phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội, ca sĩ N. nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của khán giả. Nổi tiếng theo một cách nào đó, nhưng với lĩnh vực âm nhạc cô theo đuổi thì khán giả chưa thực sự thấy những nỗ lực và cống hiến của cô.

Mới đây, khán giả lại được phen hoảng hốt khi một ca sĩ trẻ “bị” tung clip “nhạy cảm” lên mạng. Điều đáng chú ý, đoạn phim này và những bức ảnh chụp từ đoạn phim này lại được gửi đến email của hàng chục phóng viên báo chí trong Nam, ngoài Bắc. Sự việc này nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn tán của khán giả. Hầu hết đều chỉ trích hành vi vô liêm sỉ muốn nổi danh bằng mọi thủ đoạn này của anh ta.

 Cao Thái Sơn từng bị phạt và bị khán giả phản đối vì hát nhép (ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, tâm điểm của sự lên án không chỉ nằm ở việc phạm lỗi mà còn ở việc họ “xử lý” vấn đề. Nhiều ca sĩ đã đưa ra những lý do thiếu thuyết phục để “bào chữa” cho hành vi của mình nhưng chưa thực sự thuyết phục. Thay vì nhận lỗi, nhiều ca sĩ trẻ “phó mặc” sự bàn tán của khán giả hoặc thẳng thừng “đáp trả” mà không thừa nhận cái sai của mình.

Là những ca sĩ trẻ được chú ý, việc thường xuyên gặp những vấn đề ngoài ý muốn là điều khó tránh khỏi. Với tư cách là “người của công chúng”, đáng lẽ họ hiểu hơn ai hết phải biết giữ hình ảnh đẹp trong mắt khán giả. Thế nhưng, họ lại thiếu kỹ năng xử lý trước những vấn đề do mình gây ra. Không ngoa ngôn khi nhận định rằng “căn nguyên” của những ca sỹ trẻ này chính là…bệnh ngôi sao.

Khi được “thổi” lên quá nhanh, họ sớm tự mãn với danh tiếng có được trong khi trình độ văn hóa, kỹ năng ứng xử lại quá non nớt hoặc tỷ lệ nghịch với danh tiếng ảo đó.

Giáo sư, nhà viết sử, tác giả Daniel J Boorstin đã từng nói “Người nổi tiếng là người nổi tiếng vì sự nổi tiếng của họ”. Còn ngạn ngữ Nhật Bản có câu: “Làm người phải như cây lúa, khi chưa có hạt thì ngẩng đầu lên, khi đầy hạt thì cúi đầu xuống”.

Để trở thành một “ngôi sao” – người của công chúng không đơn giản là việc được đám đông tung hê. Ngoài tài năng thì đạo đức, trình độ văn hóa, tác phong nghề nghiệp cũng là những hành trang không thể thiếu của một ca sỹ trẻ. Nếu không nhận ra điều này mà tự mãn, ngạo mạn, mê muội trong “hào quang” đến quá nhanh thì danh tiếng sớm muộn cũng xì hơi nhanh như “quả bóng” mà thôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên