Dân ca ví, giặm tồn tại được là nhờ cộng đồng

VOV.VN - Dân ca ví, giặm vẫn luôn được ngân lên giữa sân khấu biểu diễn của các hội thi, liên hoan, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày... 

Không gian diễn xướng của dân ca ví, giặm nay có nhiều đổi thay so với trước. Bên cạnh lời ca cổ trong hình thức thể hiện là những bài hát được sáng tác lời mới, trở thành 2 yếu tố thể hiện sự phóng khoáng và biến thể, dễ thích nghi của thể loại trong đời sống. Kết hợp với thái độ ứng xử hài hòa, tự nhiên của người dân xứ Nghệ, ví, giặm đang ngày càng khẳng định sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần, không chỉ của riêng người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà tất cả những người yêu mến những làn điệu mượt mà của dân ca ví, giặm.

Có thể khẳng định, sau nhiều năm nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, ví, giặm đang có nhiều cơ hội và lợi thế để tự tin được nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Về Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ, người ta không lạ gì khi thấy nhiều bạn trẻ, nhiều em thiếu nhi tham gia học hát dân ca, sinh hoạt đều đặn trong những câu lạc bộ và có mặt trong rất nhiều kì liên hoan dân ca ví, giặm. 

Dân ca ví, giặm xuất hiện nhiều trên các sân khấu biểu diễn của các hội thi, liên hoan (ảnh minh họa: PV)

Vào những năm tháng gian khó trước đây, câu ví, giặm của những người lao động cất lên giữa bao la ruộng nương, mênh mang sông nước nhằm bày tâm tư, tình cảm của họ với nhau, truyền cho nhau những thông điệp cụ thể trong đời sống thường nhật. Còn bây giờ, khi chuyển sang cách thức lao động mới, những thúng, mủng, dần, sàng,... dần được thay bằng những đồ dùng công nghiệp hiện đại. Vì thế, không gian ví, giặm không còn vẹn nguyên như trước, nhưng dân ca ví, giặm xứ Nghệ không mất đi. Thay vào đó, câu ví, giặm được ngân lên giữa sân khấu biểu diễn của các hội thi, các cuộc liên hoan, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày... Hay chỉ đơn giản, những câu hát dân ca nay được ghi âm lại nhờ phương tiện hiện đại, được gửi đi khắp nơi như món quà người thân quê nhà gửi cho người ở phương xa.

Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm (Hà Tĩnh), người đang sưu tầm và lưu giữ hàng chục làn điệu ví, giặm cổ cho biết: “Người dân mình bây giờ rất thích dân ca. Có nhiều bài hát mới nhưng các cụ, các ông, các bác không thích. Họ đề nghị tôi làm cho họ một đĩa hát dân ca để họ nghe. Những người con Nghệ Tĩnh dù đi vào Miền Nam, hay đi Đài Loan (Trung Quốc), Angola nhưng những bài hát về quê hương, những bài dân ca họ vẫn rất thích”.

Sự phát triển của đời sống hiện đại cũng là cơ hội giúp dân ca ví, giặm được truyền bá bằng các phương tiện mới (ảnh: Phương Thúy)

Khi nói về sự biến đổi của dân ca ví, giặm, cũng như sức sống của nó trong đời sống đương đại, ông Nguyễn Ngọc Ất - Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ cho biết: “Những câu dân ca ví, giặm của cha ông xưa đã không ngừng được trao truyền, tiếp biến, gọt giũa, bồi đắp và gìn giữ để ngày càng trở nên đa dạng, phong phú hơn”. Đồng thời, ông cũng khẳng định, chừng nào tiếng Nghệ còn thì ví, giặm sẽ không bao giờ mất: “Sản phẩm của ví, giặm là tiếng nói Nghệ, là phương ngữ tiếng nói Nghệ. Điều kiện cơ bản nhất là sự nắm giữ, trao truyền của ví, giặm trong nhiều thế hệ hàng trăm năm trở lại đây và lan tỏa trong cộng đồng, đồng thời có sự đồng thuận giữa người nắm giữ và chính quyền các cấp”.

Nhiều nhà văn hóa cũng nhận xét, chính sự biến đổi linh hoạt của ví, giặm đã khiến cho nó trở nên gần gũi, thân thuộc hơn với đời sống sinh hoạt hiện nay. Do đó, sức sống của ví, giặm với những làn điệu vừa da diết, vừa gần gũi trở nên mạnh mẽ hơn trong đời sống văn hóa tinh thần của biết bao thế hệ người Việt. Có lẽ không ở đâu như Nghệ An và Hà Tĩnh, bất cứ người dân nào cũng biết ít nhất đôi ba câu ví, giặm. Ở các xóm làng, đều thành lập các câu lạc bộ hát dân ca. Phong trào bắt đầu được gây dựng từ năm 1998, đến nay riêng tỉnh Nghệ An, số lượng câu lạc bộ đã tăng lên đến 77, chưa kể câu lạc bộ tại trường học. Bên cạnh đó, còn phải kể đến một lực lượng không nhỏ người dân thường xuyên vận dụng các làn điệu ví, giặm để biểu diễn văn nghệ quần chúng, hay đơn giản chỉ mượn câu hát ví von, sử dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Theo NSƯT Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, đến nay, vẫn còn nhiều điều băn khoăn về thực trạng hoạt động dân ca trong cộng đồng. Các hình thức sinh hoạt như hát phường, hát hội xưa nay không còn. Tất cả đã lùi vào dĩ vãng cùng với sự ra đi của những làng nghề truyền thống. Đây chính là những lý do cơ bản để nói rằng việc khôi phục và bảo tồn dân ca xứ Nghệ đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, dân ca ví, giặm vẫn có sức sống mãnh liệt.

Sức sống của dân ca ví, giặm vẫn tồn tại mạnh mẽ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhiều người dân xứ Nghệ (ảnh minh họa: TTXVN)

Còn nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho rằng: “Nhiều lời ca, điệu hát được sinh ra từ ví, giặm phục vụ cho đời sống tinh thần. Nếu tập hợp lại, chúng ta sẽ thấy ví, giặm góp phần phản ánh một thời kì của Việt Nam trong những năm chống Pháp, chống Mỹ. Trải qua các thời kì, người xứ Nghệ đã làm cho ví, giặm thích nghi, tương tác với mọi phương thức sinh hoạt và có sức sống trường tồn. Người dân xứ Nghệ đã tự bảo vệ bằng cách đưa nó trở lại đời sống khi các phường nghề không còn. Đấy là một cách ứng xử mà tôi cho rằng tương đối tự nhiên. Người ta còn biết đưa nó vào các cuộc liên hoan văn nghệ. Cùng với việc gìn giữ điệu ví, điệu giặm trong đời sống sinh hoạt của con người hiện đại, họ còn biết đưa nó vào nhà hát. Nói tóm lại, ví, giặm đã gắn chặt với con người xứ Nghệ từ xưa tới giờ. Và người xứ Nghệ đã biết chuyển đổi vị trí, chức năng của nó cho phù hợp với đời sống xã hội của vùng xứ Nghệ”.

Trong những năm gần đây, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm phổ biến dân ca ví, giặm trong cộng đồng, mà mô hình hoạt động của câu lạc bộ tại địa phương là một điển hình. NSƯT  Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang phục hồi lại các không gian, môi trường diễn xướng, làn điệu cổ bằng việc nâng cao chất lượng mạng lưới câu lạc bộ ở các phường, xã. Đó là hát, diễn phải gắn với các điều kiện, không gian trình thức biểu diễn, không gian diễn xướng. Các làn điệu cổ ra đời như thế nào cũng được nghệ thuật hóa, được khơi gợi lại trên các chương trình biểu diễn”.

Ví, giặm đang ngày càng trở thành yếu tố không thể thiếu trong đời sống thường nhật của người dân. Sức mạnh ấy đủ chứng minh giá trị của ví, giặm ở ngay trong chính cộng đồng, được người dân nắm giữ, trao truyền qua bao thế hệ. Không ngoa khi nói rằng, cho đến bây giờ, ví, giặm được ví như một tập tục gắn liền với người dân Nghệ An và Hà Tĩnh, được trân trọng và chuyển đổi hài hòa trong mọi phương thức sinh hoạt cộng đồng, ngày càng góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên