Chiến thắng tại Aleppo: “Cú hích” lớn cho Chính phủ Syria
VOV.VN - Ngày 22/12, Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad tuyên bố đã hoàn toàn làm chủ thành phố Aleppo.
Tuyên bố được đưa ra sau khi những phiến quân cuối cùng chấp nhận hạ vũ khí và cùng gia đình họ rút khỏi Aleppo dưới sự giám sát của 31 phái viên Liên Hợp Quốc theo nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 19/12.
Binh sĩ Syria ăn mừng việc giải phóng thành phố Aleppo. Ảnh: Reuters
Ưu thế lớn khi làm chủ Aleppo
Đây là thắng lợi lớn nhất quân Chính phủ Syria giành được từ khi nước này rơi vào vòng xoáy của nội chiến tháng 3 năm 2011.
Sau khi bùng phát ở Ai Cập, tràn qua Tunisia, Lybia, Yemen... cơn lốc "Mùa xuân Arab" lan tới Syria. Chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad phải đương đầu với làn sóng biểu tình của các lực lượng đối lập được phương Tây hậu thuẫn, nhưng đã trụ vững.
Mặc dù vậy, kể từ đó, Syria bước vào một cuộc nội chiến tàn khốc, với sự tham gia của rất nhiều phe nhóm, trong đó IS nổi lên như một thế lực mạnh. Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ còn kiểm soát được 1/3 diện tích lãnh thổ Syria, gồm thủ đô Damascus và khu vực ven biển phía Tây giáp Địa Trung Hải.
Bị lên án là "độc tài", đàn áp dã man người biểu tình, dùng vũ khí hóa học trấn áp lực lượng đối lập... Tổng thống Bashar al-Assad và chính phủ của ông chịu sức ép rất lớn phải ra đi.
Lực lượng đối lập và phương Tây coi đó là "điều kiện tiên quyết" cho các cuộc đàm phán lập lại hòa bình ở Syria. Đằng sau cái "điều kiện tiên quyết" này là toan tính còn lớn hơn, đó là việc triệt tiêu chỗ đứng của Nga tại khu vực.
Syria của Tổng thống Bashar al-Assad vốn thân Nga và là cơ sở cuối cùng của Nga ở Trung Đông sau khi Liên Xô tan vỡ. Hải cảng Latakia là nơi các tầu chiến Nga có thể tới neo đậu và triển khai ở Đông Địa Trung Hải. Từ các sân bay quân sự thành phố Tartus, không quân Nga có thể vươn tầm hoạt động ra toàn khu vực Trung Đông.
Do vậy, số phận Tổng thống Bashar al-Assad và chính phủ của ông dường như là mâu thuẫn không thể giải quyết giữa Nga và phương Tây. Để hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, từ đầu tháng 10/2015, Tổng thống Nga Putin quyết định dùng không quân và tên lửa hành trình tấn công một loạt các vị trí của phiến quân. Hiệu quả cao của chiến dịch này giúp Chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát ở nhiều khu vực, củng cố sức mạnh.
Nằm ở cực Tây-Bắc Syria, đông dân, tập trung nhiều nhà máy quan trọng, đầu mút giao thông đi vào nội địa, thông ra biển, đi sang Thổ Nhĩ Kỳ láng giềng...thành phố Aleppo nổi lên như một điểm chiến lược, có thể tạo ưu thế lớn xoay chuyển cuộc chiến cho ai làm chủ nó.
Từ đầu tháng 10/2016, dưới sự yểm tợ của không quân Nga, quân Chính phủ Syria mở chiến dịch lớn vào khu Đông Aleppo còn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng phiến quân như: Jabhat Fateh al-Sham, Ajnad al-Sham, Ahrar al-Sham, Faylaq al-Sham... Chiến sự diễn ra hết sức ác liệt bởi bên nào cũng ý thức được tầm quan trọng của Aleppo.
Nhiều khu vực dân cư bị kẹt trong làn đạn dẫn tới nguy cơ thảm họa nhân đạo. Phương Tây mượn cớ này nhảy dựng lên tố cáo Nga và Chính quyền Al-Assad phạm tôi ác chiến tranh và yêu cầu Liên Hợp Quốc can thiệp, yêu cầu ngừng bắn, nhưng thực chất là lo ngại mất Aleppo.
Làm chủ Aleppo, từ nay quân Chính phủ Syria nắm trong tay bàn đạp chiến lược để mở rộng quyền kiểm soát vào khu vực nội địa miền Đông. Vị thế của Chính quyền al-Assad và đồng minh được củng cố đáng kể trước khi đi tới một cuộc hiệp thương.
Mỹ “khó chịu” vì thành công của Nga và Syria ở Aleppo?
Mỹ và Liên minh bị lu mờ trước Aleppo
Không thể tránh được việc so sánh giữa chiến thắng mà Chính phủ Syria, dưới sự hậu thuẫn của Nga, vừa giành được tại Aleppo với sự trì trệ của các chiến dịch Mỹ và Liên minh tiến hành cùng thời gian nhằm tái chiếm Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria) từ tay IS.
Phải chăng chúng chịu ảnh hưởng của cuộc bầu cử và giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Mỹ. Phải chăng Mosul và Raqqa mới là những nơi khó khăn, bởi tập trung các lực lượng IS cuồng tín, cùng đường? Đó là những lý do, nhưng chưa hẳn là nguyên nhân chính.
Những chiến dịch này được chuẩn bị từ hàng năm nay với một quân số và vũ khí áp đảo, nhưng lại thiếu một yếu tố rất quan trọng là sự thống nhất mục tiêu và tinh thần chiến đấu, chưa nói đến chiến thuật yếu kém. Ở Mosul, 2 lực lượng chủ chốt tiến đánh là quân Chính phủ Iraq và lực lượng Peshmerga.
Nếu như quân Chính phủ Iraq phục vụ mục tiêu của Bátđa, thì Peshmerga theo đuổi mục tiêu củng cố khu vực Turkistan tự trị, được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.
Lực lượng dân quân Shiite thì không được tham chiến, bởi phòng ngừa một cuộc xung đột tôn giáo giữa người Shiite và người Sunni chiếm đa số tại Mosul. Còn ở Raqqa, Mỹ còn đang lúng túng trong việc lựa chọn lực lượng nào là chủ chốt.
Tại Syria hiện nay, chỉ có hai lực lượng chiến đấu chống IS là: Lực Lượng Dân chủ Syria (một liên minh người Kurd và Arab do Mỹ hỗ trợ), và tổ chức Quân đội Syria Tự Do (được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn).
Cả hai đều yếu kém, thêm nữa sự đối nghịch giữa các lực lượng người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ khiến hai lực lượng này không thể nào hợp tác được với nhau.
Thắng lợi trên chiến trường quyết định ai là chủ bàn cờ. Ngày 20/12, Ngoại trưởng ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã họp tại Moscow để thảo luận về các bước đi hậu Aleppo và việc khởi động lại tiến trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.
Một cuộc họp riêng rẽ của nhóm nước hỗ trợ Chính phủ Syria do Nga đứng đầu. Mỹ và EU bị phớt lờ. Phải chăng, tình thế tại Syria đã thay đổi sau chiến thắng Aleppo./.