Đàn tính tẩu, thay lời tỏ tình của người Thái trắng Quỳnh Nhai
VOV.VN - Đàn tính tẩu là nhạc cụ dân tộc đặc trưng của người Thái trắng ở Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Trong mỗi ngày vui của gia đình, bản mường, không thể thiếu lời khắp, điệu múa xòe của dân tộc hòa cùng âm thanh trầm bổng của tỉnh tẩu như nói tiếng lòng của đồng bào.
Ông Điêu Văn Minh, người am hiểu về phong tục tập quán, văn hoá đồng bào Thái trắng Quỳnh Nhai cho biết: Từ ngày có bản, có mường, người Thái trắng Quỳnh Nhai đã biết đến tính tẩu, coi tính tẩu như một báu vật trong nhà và được truyền từ đời này qua đời khác. Trước đây, các chàng trai trong bản thường mang cây đàn tính tẩu đi gẩy để đánh thức người con gái mà mình trộm thương, trộm nhớ thay cho lời tỏ tình. Nhờ tiếng đàn tính tẩu thánh thót, trầm bổng mà người con gái cũng có thể đoán biết được người mình yêu. Cũng từ tiếng đàn thân thương đó mà nhiều đôi trai gái cũng đã bén duyên, nên vợ nên chồng. Đặc biệt, khác với người Thái đen, người Thái trắng không có đàn tính đệm thì không thể hát được. Đàn tính được gẩy đệm cho các điệu hát dân ca của đồng bào Thái trắng, với cung bậc, âm thanh trầm, bổng khác nhau và tiếng tính tẩu phải luôn luôn luyến láy, lên xuống theo giọng hát của từng người. “ Đàn tính tẩu được đánh đệm theo 3 điệu hát.
Điệu thứ nhất là đệm cho hát Long Te (Hát giao duyên dọc Sông Đà); Điệu thứ 2 đệm cho điệu hát Then ( Điệu hát của thầy cúng, thầy mo); Điệu thứ 3 là đệm cho hát Sao sên ( Trai gái hát đối nhau). Trong đó, đánh tính tẩu đệm cho điệu hát Then là khó nhất, vì nó có nhiều câu, 5 điệu riêng nữa. Chính vì thế không thể thiếu được tiếng tính tẩu, vì nó ăn sâu vào trong trái tim, tiếng tính tẩu nó giúp ta xua đi mọi ốm đau, nhọc nhằn trong cuộc sống, nhất là vào dịp năm mới”- Ông Điêu Văn Minh cho biết như vậy và say sưa thể hiện 3 điệu hát được đánh đệm tính tẩu để minh chứng cho điều mình vừa nói.
Đàn tính tẩu được đồng bào yêu thích, quan trọng như vậy, nhưng để chế tác được một cây đàn ứng ý không phải ai cũng làm được. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ hiện nay công việc chế tác Đàn tính tẩu càng trở nên khó khăn hơn. Nên công việc này chủ yếu chỉ do các ông, các bác cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm, những người thực sự tâm huyết với nhạc cụ dân tộc mới làm được, nhưng các nghệ nhân như này ở Quỳnh Nhai bây giờ cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. “Chất liệu để làm nên chiếc đàn tính (tính tẩu), thứ nhất mình đi tìm gỗ đã, thường thường muốn cho nó dẻo, nó nhẹ mình làm bằng cây gỗ hoa sữa, tiếng Thái gọi là “co tin pết, tin cáy” là tốt nhất để làm thân đàn. Xong mang về nhà để khô từ 6 tháng đến một năm để gỗ không bị mọt mới bắt đầu làm. Quả bầu mình cũng phải để trên gác bếp từ 6 tháng đến 1 năm để thật khô đã, có quả non thì bị con mối con mọt nó ăn, phải quả già, quả thật già. Khi mình đem về đóng thì mình phải cạo sạch phần trong nó đi thì tiếng nó mới vang, cắt đi ¼ quả bầu, xong mình khoét lỗ để tiếng nó vang”.- Ông Điêu Chính Lả, một trong số rất ít người còn giữ được nghề biết chế tác tính tẩu hiện nay ở bản Nghe Toỏng, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết.
Ngày nay, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ít thanh niên dùng đàn tính tẩu sang nhà bạn gái để tỏ tình như xưa, nhưng cây đàn tính tẩu vẫn được bà con người Thái Quỳnh Nhai sử dụng thường xuyên trong các dịp vui bản, vui mường, lễ hội kin pang Then, Tết Síp sí, mừng nhà mới, mừng đám cưới, mừng tuổi, mừng thọ, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hay cuộc hội ngộ liên hoan vui vẻ anh em, bạn bè…..
Mỗi dịp Tết đến Xuân về ở khắp các bản làng người Thái trắng, bà con đi từ nhà này sang nhà khác chúc tụng nhau, và không thể thiếu được tiếng đàn tính tẩu ngân vang, để làm cho không khí ngày tết thêm vui tươi, đầm ấm, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. “Đến Tết, đánh tính tẩu đệm hát, đệm múa, được bà con khắp các bản làng người Thái trắng đón nhận rất sôi nổi. Cách đây hơn 10 năm, do di dân thuỷ điện Sơn La, nhiều hộ đã di dân tái định cư về một số huyện trong tỉnh như Mai Sơn, Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu nhưng bà con cũng vẫn mang theo cây đàn tính tẩu. Kể cả không có người biết chế tác, hay bị hỏng hóc nhưng bà con vẫn tìm đến quê cũ Quỳnh Nhai để nhờ các nghệ nhân, hoặc tìm mua bằng được đàn tính mang về, vẫn giữ được truyền thống của dân tộc mình”, Ông Điêu Chính Hiến, ở Xóm 3, thị trấn Quỳnh Nhai, huyện Quỳnh Nhai chia sẻ.
Dù thời gian có đổi thay, nhưng mỗi người con đồng bào Thái trắng Quỳnh Nhai vẫn luôn coi đàn tính tẩu như báu vật của bản mường và gìn giữ, nâng niu cây đàn từ thế hệ này sang thế hệ khác./.