Để câu then lan tỏa trong trường học
VOV.VN - Để di sản hát then được bảo tồn và phát huy giá trị trong cộng đồng, nhiều tỉnh Đông Bắc đã tích cực đưa việc truyền dạy hát then vào nhà trường. Với nhiều hình thức sáng tạo, hát then đang được lan tỏa và trở thành niềm say mê, yêu thích của học sinh nhiều lứa tuổi.
Căn nhà của Triệu Tuấn Minh (học sinh lớp 7 trường THCS dân tộc nội trú huyện Văn Quan) thường không mấy khi vắng tiếng đàn tính và những câu Then. Ngoài thời gian dành làm bài các môn học và liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, Tuấn Minh vô cùng đam mê cây đàn tính và những điệu then cổ.
Tuấn Minh cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, không được đến lớp để luyện tập với thầy cô, bạn bè nhưng hàng ngày, em đều tự mình luyện tập: “Em bắt đầu học đàn tính từ đầu năm 2020, em thấy rất vui vì được học những làn điệu truyền thống của dân tộc mình. Không chỉ em và rất nhiều các bạn khác cũng đều rất thích. Thầy cô còn mời các nghệ nhân về dạy chúng em các điệu múa chầu. Những bài Then chúng em học có rất nhiều ý nghĩa, có bài nói về phòng chống ma túy, bài nói về cảnh đẹp của quê hương, hay có bài nói về tình yêu thương dành cho cha mẹ… Khi cầm cây đàn tính, em cảm thấy vô cùng tự hào vì góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc".
CLB hát then của trường THCS dân tộc nội trú huyện Văn Quan hiện có gần 100 em học sinh tham gia. Ngoài giờ lên lớp, hình ảnh thầy và trò say sưa với những làn điệu then tính đã trở nên vô cùng quen thuộc nơi sân trường. Có được điều này là sự đóng góp không nhỏ của thầy giáo trẻ Phùng Văn Thời. Những năm trước, khi còn công tác tại trường THPT Lương Văn Tri, một trường THPT có đến hơn 90% học sinh là người dân tộc Tày, Nùng nhưng trong các buổi sinh hoạt tập thể lại “vắng bóng” những làn điệu dân ca. Thầy giáo Phùng Văn Thời suy nghĩ “Làm thế nào để học sinh hiểu và yêu thích hát then, đàn tính, biết đàn, biết hát dân ca?”.
Bắt đầu bằng việc sưu tầm các bài hát then, đàn tính... thầy giáo Phùng Văn Thời đã cùng các giao viên khác của nhà trường mạnh dạn đưa một số bài hát then vào các chương trình phát thanh của Đoàn trường; tuyên truyền, khuyến khích học sinh, giáo viên tìm hiểu và tham gia hát then, mời các nghệ nhân đến trường để truyền dạy cho các em học sinh ngoài giờ… Đến nay, những tiết mục hát then, đàn tính đã được các em trình diễn nhuần nhuyễn trên sân khấu vào các dịp khai giảng, ngày lễ hay các hội thi diễn văn nghệ.
Thầy giáo Phùng Văn Thời, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Văn Quan, cho biết: “Các em nhận thức rất nhanh, vài buổi thôi thì các em đã thuộc các nốt nhạc cơ bản. Khoảng 10 buổi thì các em đã ghép được hát và đàn. Những giờ giải lao là các em lại mang đàn ra tập rất tự giác, không cần ai nhắc nhở. Sau này khi các em công tác ở nhiều địa phương thì chính các em sẽ là những hạt nhân tích cực để giữ gìn, phát huy tốt hơn giá trị văn hóa độc đáo này. Tôi nghĩ rằng việc dạy hát then đàn tính cho học sinh là một giải pháp rất tốt để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân gian nói chung cũng như nghệ thuật hát then nói riêng.”
Việc thành lập các CLB hát then đàn tính ở cộng đồng và trong các trường học đã góp phần thiết thực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc; đồng thời góp phần hình thành nhân cách cho các em. Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Việc tổ chức các CLB hát then trong các nhà trường là cơ hội để các em học sinh biết trân trọng và tự hào hơn về giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn tiếp tục khuyến khích các nhà trường tổ chức các CLB văn nghệ, trong đó có những CLB về hát then, đàn tính. Chúng tôi sẽ tích cực kết nối với các nhà trường, các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ các em về nhạc cụ, về điều kiện luyện tập. Đồng thời tổ chức các hội diễn, hội thi văn nghệ để qua đó giúp các em học sinh có cơ hội giao lưu học hỏi toàn diện, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục ngoài giờ lên lớp.”
Tuy nhiên, việc đưa Then vào giảng dạy trong trường học tại Lạng Sơn cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất, nhạc cụ, thiết bị âm thanh chưa đáp ứng được các hoạt động truyền dạy và tổ chức biểu diễn. Mặt khác, nghệ nhân truyền dạy được hát Then tại địa phương không nhiều và cũng chưa có cơ chế để thu hút các nghệ nhân có khả năng truyền dạy then, tính cho học sinh.
Nghệ nhân Triệu Thủy Tiên - Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn và hát dân ca tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc thành lập các CLB Hát then - Đàn tính ở cộng đồng và trong các nhà trường là hoạt động thiết thực để nét đẹp văn hóa này đến gần hơn, thấm sâu vào tâm hồn thế hệ tương lai của đất nước, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật Then truyền thống của dân tộc./.