Đúng sai gì, phải tôn trọng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

VOV.VN - Mỗi người có quan điểm riêng dù đúng hay sai thì nhạc sĩ lớn tuổi Nguyễn Ánh 9 vẫn phải được tôn trọng... – nhạc sĩ Dương Thụ nói.

Ngày 28/8, tại buổi họp báo giới thiệu chương trình Hòa nhạc “Điều còn mãi” ở Hà Nội, nhạc sĩ Dương Thụ đã trả lời phỏng vấn của báo chí về những trăn trở khi làm nghề, sự cảm thông với nỗi vất vả của nghệ sĩ và những ồn ào không đáng có của showbiz Việt.

PV: Trong mấy ngày vừa qua, giới truyền thông và dư luận rất chú ý đến những lời nhận xét thẳng thắn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về một số ca sĩ và âm nhạc Việt Nam hiện nay. Là một nhạc sĩ cùng thế hệ với Nguyễn Ánh 9, ông có đồng ý với những suy nghĩ đó?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi rất quý nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ông là một nghệ sĩ có chuyên môn rất giỏi, đã đưa được nhiều ca sĩ thành danh.

Theo quan điểm cá nhân tôi, mỗi người đều có cách nhìn nhận vấn đề, cách suy nghĩ và quyền được đưa ra quan điểm riêng. Sở dĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét về các ca sĩ như vậy là vì ông không gần các nghệ sĩ, không hiểu được hoàn cảnh của họ.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Đánh giá một ca sĩ, không thể chỉ dựa vào một bài hát. Chẳng hạn như, Thanh Lam sinh ra ở miền Bắc, hưởng thụ một nền văn hóa khác với Sài Gòn cũ của Nguyễn Ánh 9, nên Thanh Lam không hát được là chuyện bình thường.

Nếu những Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh… chỉ có kỹ thuật hát thì họ không bao giờ có thể đạt đến vị trí như ngày nay, có hàng nghìn người mến mộ. Chúng ta cũng nên hiểu và thông cảm cho nghệ sĩ. Có những khi họ mệt mỏi, bị chi phối bởi nhiều yếu tố tâm lý nên không còn hơi sức để hát, hát không ra hồn thì nên thông cảm. Không nên chỉ nghe họ hát một lần mà đã phán xét họ hát dở.

Tuy nhiên, tôi cũng rất thích sự “khó tính” của Nguyễn Ánh 9, khó tính vì nghệ thuật là điều tốt. Chúng ta không nên dễ dãi với nghệ thuật chân chính.

PV: Nhạc sĩ Dương Thụ rất thẳng thắn trong việc nhận xét về các nghệ sĩ. Có bao giờ ông lo ngại sự thẳng thắn của mình sẽ gây bất hòa với các nghệ sĩ như trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Việc hiểu nhầm hay bất hòa cũng là một phần của đời sống. Ngay gia đình, bố mẹ, anh chị em nhiều lúc cũng giận nhau. Ai giận tôi, có thể bỏ đi và không bao giờ gặp mặt nữa. Mọi chuyện không bao giờ được như mình mong muốn hay có thể điều khiển. Tôi cũng có nhiều sai lầm, nhiều cái xấu nhưng đó là con người tôi. Điều quan trọng là phải giữ mình trong sạch, không để những cái khác lẫn vào. Trong sạch lúc nào cũng đi cùng thẳng thắn, người thẳng thắn rất trong sạch và rất nhạy cảm.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng rất hồn nhiên, không suy nghĩ và không sợ hãi gì khi nhận xét các ca sĩ, nhưng do sự hiểu nhầm và phóng đại quan điểm mới khiến mọi chuyện ầm ĩ chứ ông không hề có ý nhục mạ hay vùi dập ai cả.

PV: Qua vụ việc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ông có nghĩ rằng nhiều ca sĩ trẻ hiện nay có cái tôi quá lớn, không biết lắng nghe những lời nhận xét, góp ý thẳng thắn?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Ca sĩ thời nay khác với thời xưa, họ không chỉ đơn thuần phải hát mà còn phải hoạt động rất nhiều để giữ danh tiếng với khán giả. Có những khi, ca khúc mình nghĩ hay thì người khác nghĩ dở. Tôi nghĩ, nên tôn trọng ý kiến của người khác, kể cả khi không đúng cũng nên tôn trọng. Đặc biệt là những góp ý của bậc tiền bối dành cho những nghệ sĩ trẻ.

Cách phản ứng của ca sĩ khi nhận phải những lời góp ý, phê bình, thể hiện văn hóa ứng xử của người đó. Có những khi, kể cả bố mình cũng sai. Nhưng cái sai của bố rất khác cái sai của bạn, chúng ta xử sự với bố không thể như với bạn, càng không thể nói là “ngụy quân tử” này nọ.

Mỗi người có một góc nhìn, Nguyễn Ánh 9 là nhạc sĩ sáng tác, ông nhìn đúng với chuyên môn của mình về ca khúc họ hát. Tôi không giỏi hơn Nguyễn Ánh 9 nhưng tôi làm việc với những nghệ sĩ, tôi hiểu họ hơn và mong mọi người thông cảm cho họ. Dù có thế nào thì cũng không nên “ném đá” nhau, kể cả “ném đá” giới trẻ.

PV: Phải chăng giới nghệ sĩ hiện nay có quá ít những lời nhận xét thẳng thắn nên lời góp ý thật mới tạo ra ầm ĩ như việc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Phê bình âm nhạc luôn là việc rất khó. Trước giờ chúng ta không quen nghe phê bình nên hiệu quả luôn không tới. Có người khen hay, có người chê dở thì phải tôn trọng ý kiến. Còn người bị phê bình có thể nhận những gì mà họ cảm thấy có lợi chứ không ai ép được. Phê bình rất khó, như Nguyễn Ánh 9 chỉ cần nói vài câu đã tạo thành chuyện ầm ĩ.

PV: Nhạc sĩ có nói, khó tính vì nghệ thuật là điều tốt. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lại cho rằng, âm nhạc chỉ nên mang tính giải trí, không nên nặng về nghệ thuật. Ông nghĩ sao về điều này?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Nhạc gì thì nhạc, khán giả phải nghe được, phải cảm nhận và rung động được. Âm nhạc sinh ra là để nghe chứ không phải để xem. Hãy trả lại cho âm nhạc vị trí của nó, nó đang trở thành kép phụ của nghệ thuật. Thời trang cũng dùng nhạc, nhảy múa cũng dùng nhạc.

Với tư cách là nhạc sĩ, tôi muốn mọi người được nghe nhạc. Chúng ta vẫn có yếu tố “xem” để bổ sung chứ không át đi yếu tố “nghe”. Giải trí nên ở đúng vị trí của nó vì nhạc thị trường sẽ không mất đi đâu, nó mang tính giải trí thì nó vẫn tồn tại. Cái chúng ta nên làm là nâng cao trình độ thưởng thức của người dân lên thôi.

Họp báo giới thiệu chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi" tại Hà Nội (ảnh: Lê Anh Dũng)

PV: Hòa nhạc “Điều còn mãi” là cố gắng của nhạc sĩ Dương Thụ để đưa nghệ thuật chân chính đến gần với người nghe hơn?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Hòa nhạc “Điều còn mãi” là nghệ thuật chân chính, không mang tính giải trí nhưng đúng là chúng tôi cố gắng để đưa nghệ thuật đến gần hơn với số đông công chúng. Những nghệ sĩ tham gia đều là những tên tuổi đã thành danh như NSND Trung Kiên, Mỹ Linh, Tùng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ,…

Các ca khúc trong phần thanh nhạc đều là những ca khúc đã quá quen thuộc với khán giả được chuyển thể sang nhạc giao hưởng. Phần khí nhạc cũng được đầu tư kỹ càng hơn với những bản nhạc mới.

Chúng tôi đã phải luyện tập rất vất vả bởi một dàn nhạc giao hưởng có đến cả trăm người. Thành thực mà nói, để có thể đưa một buổi trình diễn hòa nhạc như “Điều còn mãi” lên được sân khấu đã là một sự cố gắng và thành công lớn rồi. Các nghệ sĩ đến với chúng tôi đều lấy tiền cát xê rất thấp hoặc không lấy cát xê. Có rất nhiều điều chúng tôi nghĩ ra được, muốn thực hiện nhưng không đủ kinh phí vì chương trình không bán vé.

PV: Sau “Điều còn mãi”, nhạc sĩ có kế hoạch âm nhạc nào tiếp theo nữa?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi có bàn với dàn nhạc giao hưởng, 1 năm làm 1 chương trình mang tên “Những giai điệu Việt Nam”. Một phần những tác phẩm khí nhạc là giao hưởng chơi những bài dân ca, hay y như nhạc cổ điển. Chương trình này sẽ bán vé để trả công xứng đáng cho các nghệ sĩ tham gia chương trình.

Tôi sẽ xây dựng ekip mỗi năm 1 lần gồm những người hát được với dàn nhạc lớn như Nguyên Thảo, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương… Nếu khán giả ủng hộ thì mỗi năm sẽ được nghe những tác phẩm có giai điệu đẹp, có nhiều yếu tố âm nhạc tốt được thính phòng hóa, giao hưởng hóa.

PV: Cảm ơn nhạc sĩ Dương Thụ./.
 

Chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi" do báo VietNamNet tổ chức sẽ diễn ra vào 14h ngày Quốc Khánh 2/9/2013 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài THVN và truyền hình ANTV, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An tiếp sóng của VTV1. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng sẽ phát trực tiếp chương trình trên Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí (VOV3)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên