Gần 37 tỷ đồng tiền tác quyền trong quý II/2021 chủ yếu từ nhạc số
VOV.VN - Trong tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các hoạt động biểu diễn, tiền tác quyền âm nhạc lại gia tăng từ môi trường nhạc số.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có các hoạt động biểu diễn âm nhạc. Thị trường nhạc sống, liveshow, karaoke... gần như đóng băng, dẫn đến tiền tác quyền thu được trong Quý II/2021 từ các lĩnh vực này giảm mạnh.
Song, Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, tiền tác quyền thu được trong Quý II/2021 vẫn đạt gần 37 tỷ đồng, chủ yếu đến từ môi trường nhạc số. Trong thời gian giãn cách, người dân chủ yếu nghe nhạc từ trên mạng, bởi vậy số tiền thu được từ các đơn vị cung cấp nhạc số môi trường này tăng khá cao so với cùng kỳ những năm trước.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2019, VCPMC cũng đã đổi mới công nghệ trong việc tra soát, đối soát tác phẩm trên các website nhạc, các ứng dụng nhạc trên nền tảng Spotify, Tiktok, cũng như hợp tác giữa VCPMC với Youtube và Facebook... Chính vì thế, khi đại dịch Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, Trung tâm đã sớm có biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, đồng thời vẫn giữ được mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
Ngoài ra, trong thời gian nhiều địa phương phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch, VCPMC cũng đã linh hoạt thay đổi phương thức hoạt động, đảm bảo mọi công việc được thông suốt. Tại các Văn phòng Hà Nội, chi nhánh phía Nam và Văn phòng đại diện Đà Nẵng, đều bố trí cán bộ, nhân viên trực và giải quyết công việc, đảm bảo nguyên tắc 5K. Đồng thời, Trung tâm cũng khuyến khích các tác giả, đối tác liên hệ làm việc qua điện thoại và e-mail.
Việc phân phối, chi trả tiền tác quyền cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cũng rất kịp thời trong điều kiện giãn cách xã hội, dẫn đến cuộc sống của nhiều nhạc sĩ gặp khó khăn.
Nhạc sĩ Hoài An chia sẻ: “Những ngày giãn cách xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng như nhiều người phải làm việc ở nhà. Tính ra, tôi đã làm việc ở nhà từ khoảng giữa tháng 4/2021 đến nay. Cuộc sống cũng bị đảo lộn và có nhiều bất tiện. Thật may là vẫn có thu nhập từ tiền tác quyền. Chính nguồn thu này giúp Hoài An đảm bảo cho cuộc sống.
Anh Lê Duy Long, con trai cố nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết: “Covid-19 khiến cho việc đi lại khó khăn, nhưng VCPMC cũng đã cố gắng hết sức để chi trả tiền tác quyền cho các tác giả đúng kỳ hạn. Hầu hết là được chuyển qua tài khoản, còn những nhạc sĩ do không có tài khoản, hoặc chưa cần thiết thì cũng để hết giãn cách rồi tới Trung tâm lĩnh. Số tiền tác quyền của gia đình tôi quý II này cũng tương đương với số tiền của Quý I/2021 và tôi thấy hài lòng vì Trung tâm tạo thuận lợi cho nhạc sĩ”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, một trong số những nhạc sĩ nhận được số tiền tác quyền khá cao trong quý II/2021 cho biết: "Mặc dù Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động nghệ thuật, song số tiền tác quyền Chung nhận được khá cao. Trong điều kiện giãn cách xã hội hết sức khó khăn, bản thân mỗi người cũng phải đối diện với những trở ngại, vất vả trong cuộc sống riêng, thế nhưng VCPMC vẫn cố gắng hoàn thành tốt công việc. Thực hiện việc đối soát, chi trả cho các tác giả tác quyền quý II đúng thời hạn quy định.
Đối với các nhạc sĩ, số tiền tác quyền được nhận trong thời điểm này là cực kỳ cần thiết và quý giá, vì đó là chiếc phao giúp mọi người vượt qua hoàn cảnh khó khăn khi đại dịch kéo dài và diễn biến phức tạp"”.
Nhạc sĩ, ca sĩ Nguyễn Khắc Việt, một trong những tác giả trẻ thuộc top những người nhận được tác quyền cao trong Quý II/2021 khẳng định: “Tôi hoạt động âm nhạc với cả hai vai trò là nhạc sĩ và ca sĩ. Dịch Covid-19 khiến cho các hoạt động biểu diễn đóng băng, chỉ có nguồn thu duy nhất từ quyền tác giả. Khi công chúng không xem biểu diễn được thì họ lại nghe và xem trên các nền tảng Internet nhiều hơn, nhất là khi công nghệ thông tin phát triển với nhiều hình thức có sử dụng âm nhạc phong phú. Trong đại dịch này, nếu không có Trung tâm với những công nghệ hiện đại thì khó có thể mang lại quyền lợi cho tác giả và như thế chất xám của nhạc sĩ sẽ thất thoát rất nhiều”.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là đại diện duy nhất - thành viên của CISAC đã ký thỏa thuận và hợp tác song phương với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản, với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện tại, VCMPC có trên 4.600 chủ sở hữu tác phẩm trong nước và khoảng 3 triệu tác giả nước ngoài ủy quyền cho VCPMC./.