"Giật mình” khi xem Giọng hát Việt nhí

(VOV) - Khán giả không chỉ nhớ đến một vài cái tên mà còn “giật mình” khi thấy mặt trái của showbiz đã và đang tác động đến những đứa trẻ.

Mới chỉ phát sóng 2 tập đầu tiên của vòng Giấu mặt nhưng chương trình “Giọng hát Việt nhí” đã nhanh chóng trở thành tâm điểm bình luận của nhiều khán giả truyền hình. Cũng giống như “đàn anh” Giọng hát Việt, cuộc thi dành cho trẻ em lứa tuổi từ 9-15 này thu hút khán giả bởi khả năng ca hát và sự bùng nổ trên sân khấu của các thí sinh.

Qua 2 tập phát sóng, khán giả cũng phần nào thấy được bức tranh về tài năng ca hát của trẻ em Việt Nam hiện nay. Dù nhỏ tuổi nhưng các em đã tự tin trình diễn trên sân khấu, hát tiếng Anh “đúng chuẩn” có phần còn tốt hơn đàn anh, đàn chị ở Giọng hát Việt.

Tuy nhiên, xem 2 tập này, khán giả không chỉ nhớ đến một vài cái tên nổi bật với các tiết mục có vẻ chuyên nghiệp mà còn “giật mình” khi thấy mặt trái của showbiz đã và đang tác động đến những đứa trẻ.

Vô tư hát ca khúc tình yêu sướt mướt

Khi đã xem Giọng hát Việt, khán giả không còn quá thắc mắc tại sao lại có nhiều thí sinh lựa chọn hát tiếng Anh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là việc lựa chọn ca khúc của các “ca sĩ nhí” lại không thực sự phù hợp với lứa tuổi. Một học sinh trung học cơ sở, thậm chí mới lớp 6 vẫn vô tư hát những ca khúc sướt mướt về tình yêu của các ca sĩ thế giới như Adele, Pink…dù chưa hiểu hết ý nghĩa của ca khúc ấy.  

Thí sinh Bùi Huyền Thảo My

Có nhiều người cho rằng nhạc Việt thiếu những ca khúc phù hợp với lứa tuổi 9-15 và lỗi này thuộc về …các nhạc sĩ. Có thí sinh của Giọng hát Việt nhí còn thổ lộ không thích nhạc Việt vì…“sến” nên đã lựa chọn ca khúc tiếng Anh dù biết không phù hợp. Thí sinh 12 tuổi Bùi Huyền Thảo My lựa chọn ca khúc “Set fire to the rain” của nữ ca sĩ Adele để biểu diễn. Đây là một ca khúc về tình yêu với ca từ không phù hợp cho một cô bé mới chỉ học lớp 6: “I let it fall, my heart. And as it fell, you rose to claim it. It was dark and I was over. Until you kissed my lips and you saved me…” (tạm dịch: Trái tim em tan vỡ. Trong khi chơi vơi, anh đã nâng đỡ nó. Màn đêm thì tăm tối và em tuyệt vọng. Cho đến khi anh hôn lên môi em và cứu vớt tình em…)

Hay thí sinh Mai Xuân Bách lại lựa chọn ca khúc “Stay” của nữ ca sĩ Rihanna cũng với chủ đề tình yêu với những ca từ như thế này: “It’s not much of a life you’re living. It’s not just something you take, it’s given. Round and around and around and around we go. Oh oh now tell me now tell me now you know…” (tạm dịch: Cuộc sống của riêng em cũng chẳng lấy gì tốt đẹp. Không phải những gì em muốn cũng được đáp ứng. Chúng ta cứ đi trong vòng luẩn quẩn. Em hãy nói cho anh điều em biết ngay bây giờ…).

Thí sinh Mai Xuân Bách

Tiếp cận sớm với hào nhoáng của showbiz

Không chỉ có những ca khúc “lệch tông” so với độ tuổi thí sinh, mà những màn “cướp” thí sinh của các huấn luyện viên cũng có những vấn đề đáng lo ngại. Bên cạnh những lời bình luận góp ý về chuyên môn cũng như lời khen thì có không ít những lời “mời gọi” quá phấn khích như việc sẽ có chuyên gia trang điểm, có nhà tạo mẫu riêng. Không những thế, huấn luyện viên không những thế còn sẵn sàng dùng sân khấu biểu diễn hay việc góp mặt trong album riêng để kêu gọi.

So với độ tuổi 9-15 của thí sinh, việc học hành vẫn là quan trọng nhất. Nhưng sự nổi tiếng có một sức hút không hề nhỏ và nó đang trực tiếp tác động đến với những thí sinh nhỏ tuổi bằng lời “dụ dỗ” của các HLV.

Nếu so sánh Giọng hát Việt nhí và Đồ Rê Mí (chương trình ca nhạc khác dành cho thiếu nhi do VTV sản xuất) quả thực hơi khập khiễng vì tính chất của hai cuộc thi này khá khác nhau. Đồ Rê Mí là cuộc thi “ươm mầm tài năng âm nhạc nhí” nhưng cũng là sân chơi đúng nghĩa dành cho thiếu nhi lứa tuổi mầm non, tiểu học. Tính chất thi đấu, giành giật giữa các thí sinh không nhiều và gây áp lực như ở Giọng hát Việt nhí.

Quán quân Đồ Rê Mí Đỗ Trí Dũng tiếp tục tham gia Giọng hát Việt nhí

Nền giải trí Hàn Quốc đang đau đầu vì có quá nhiều đứa trẻ từ 10-12 tuổi ngày đêm phải tập luyện để trở thành “sao” và thậm chí lên sân khấu khi mới 14 tuổi. Nhiều em đã bị “tước” đi quyền học văn hóa, chơi, kết bạn…để đổ mồ hôi trong những phòng thu hay sàn tập nhảy. Trẻ em Việt Nam không đến mức như trẻ em Hàn Quốc nhưng không phủ nhận các thí sinh nhí cũng khát khao được nổi tiếng và nếu thắng cuộc cũng khó nằm ngoài vòng quay đào tạo khắc nghiệt đó (!?).

Tạm kết

Giọng hát Việt nhí mới chỉ phát sóng những tập đầu tiên và chắc hẳn khán giả sẽ còn phải “giật mình” hơn nữa trong suốt chiều dài cuộc thi. Sự khốc liệt ở vòng Đối đầu khi phải một đấu một hay sự căng thẳng ở vòng liveshow sẽ “nhào nhặn” các thí sinh nhí ra sao? Liệu giọt nước mắt khi các em phải ra về sớm hay khi trở thành người thắng cuộc sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với các bậc phụ huynh và tác động đến các trẻ em khác ra sao? Câu hỏi không quá khó để tìm ra câu trả lời…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên