Hàn Quốc ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện bản quyền bài hát "Baby Shark"
VOV.VN - Một tòa án ở Seoul đã ra phán quyết trong vụ kiện vi phạm bản quyền ca khúc "Baby Shark", giữa nguyên đơn Johnny Only (Mỹ) và bị đơn là công ty SmartStudy (Hàn Quốc).
Năm 2015, công ty SmartStudy của Hàn Quốc, chủ sở hữu của Pinkfong, đã phát hành một phiên bản mới của ca khúc "Baby Shark". Video "Baby Shark Dance" được đăng lên Youtube vào năm 2016, trở thành video trẻ em phổ biến nhất thế giới với hơn 9 tỷ lượt xem.
Tháng 3/2019, phía Johnny Only đã đệ đơn kiện lên tòa án ở Seoul, cho rằng bài hát của phía Hàn Quốc vi phạm bản quyền. Năm 2011, Johnny Only đã tạo ra một phiên bản "Baby Shark" với một số thay đổi, trên nền bài hát thiếu nhi nổi tiếng được truyền miệng. Nhà soạn nhạc người Mỹ cho rằng công ty SmartStudy đã sao chép bài hát "Baby Shark" của ông.
Tuy nhiên, SmartStudy đã bác bỏ cáo buộc đạo nhạc, cho rằng bài hát của họ là sự tái hiện của một bài hát thiếu nhi ở Bắc Mỹ vốn không có bản quyền hợp lệ. Tháng trước, phía Johnny Only đã bày tỏ ý định rút đơn kiện, nhưng SmartStudy không đồng ý.
Ngày 23/7, Tòa án ở Hàn Quốc đã bác bỏ đơn kiện của Johnny Only, cho rằng những bài hát trẻ em được truyền miệng thì không có bản quyền, và phiên bản của Johnny Only cũng không có thêm các sáng tạo mới.
Tòa án cho biết: "Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc đã xem xét lại vụ việc và cho biết, rất khó thừa nhận rằng bài hát của nguyên đơn đã thêm một yếu tố sáng tạo mới vào bài hát truyền thống. Ngay cả khi bài hát của nguyên đơn được công nhận về tính sáng tạo như một tác phẩm mới, rất khó để công nhận bị đơn vi phạm bản quyền của nguyên đơn".
Bài hát nổi tiếng "Baby Shark" đã không ít lần dính vào các tranh chấp. Năm 2019, một đảng đối lập ở Hàn Quốc sử dụng "Baby Shark" làm bài hát vận động bầu cử. SmartStudy khi đó dọa đâm đơn kiện, đồng thời lên tiếng khẳng định những người sáng tạo nội dung của họ đã tạo ra "Baby Shark" bằng cách thêm nhịp điệu lạc quan và giai điệu mới mẻ./.