Hát dặm Nghệ Tĩnh: Vốn âm nhạc dân tộc quý báu của tổ tiên
VOV.VN - Cũng như hát Ví, Hát dặm là thể loại dân ca cổ truyền đậm đà nhất về phong cách dân ca của vùng Nghệ Tĩnh.
Hát dặm là một thể loại dân ca cổ truyền và phổ biến nhất ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Một bài Hát dặm có thể gồm nhiều phần, mỗi phần thường được gọi là khổ. Mỗi khổ Hát dặm cổ truyền gồm 5 câu thơ, mỗi câu thơ có 5 chữ. Câu thơ thứ 5 bao giờ cũng nhắc lại câu thơ thứ 4. Nhưng xuất phát từ cách biến hóa của giai điệu nên lời thơ ở âm thứ 3 cũng phải thay đổi từ âm không dấu trở thành âm có dấu huyền. Ví dụ như câu Hát dặm cổ truyền sau đây: “Mự nó biết tui mô/ Tui nỏ biết mự mô/ Sóng ngoài bể đồn vô/ Mây rừng xanh kéo lại/ Mây đại ngàn kéo lại”.
Chúng ta chú ý câu thứ 4: Mây rừng xanh…và câu thứ 5: mây đại ngàn...thì sẽ thấy câu thứ 5 được nhắc lại câu thứ 4. Hiện tượng nhắc lại này đã được nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh đặt cho nó một cái tên là Dặm và thể loại dân ca này là Hát dặm.
Ảnh minh họa. |
Khác với hát ví, Hát dặm không kèm theo cái tên riêng của người hát như ví phường vải, ví phường chiếu, ví phường nón…Xem như vậy thì Hát dặm thịnh hành trong hoàn cảnh kinh tế hàng hóa chưa phát triển mấy, sự giao lưu buôn bán còn hạn chế, nên kinh tế nông nghiệp còn mang nặng về tự cung tự cấp, cho nên ta có thể nói rằng Hát dặm là những khúc tự tình của người nông dân Nghệ Tĩnh.
Họ thường hát trong những lúc gặt lúa, đi cấy có khi chúc tụng yến lão, mừng xuân, cưới xin và có khi dãi bày tâm sự với người yêu.
Trong quá trình phát triển và tồn tại, nội dung của những khúc tự tình này đã vượt ra ngoài khuôn khổ cổ truyền, đề cập hoặc châm biếm đả kích bọn cường hào, hương lý tham nhũng: “Mồm quơ như lưới thép/ Tay lai thả lưới tơ/ Bắt câu gáy là mè/ Vơ cả tôm lẫn tép”.
Nhiều khi bài hát còn đề cập đến những vấn đề lớn hơn như vậy: vận động nhân dân hưởng ứng phong trào văn thân chống Pháp, cuộc vận động cải cách dân chủ của cụ Phan Bội Châu, vận động nhân dân nổi dậy trong phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931: “Ta cùng đoàn kết lại/ Để tranh đấu cho đời/ Hãy nổi dậy nơi nơi/ Dưới ngọn cờ Xô Viết/ Theo ngọn cờ Xô Viết”. Hoặc vận động binh lính địch bỏ hàng ngũ như: “Nào thầy cai, thầy đội/ Nào khố đỏ, khố xanh/ Lo gác cổng canh thành/ Cho thằng tây nó ngủ/ Cho mẹ đầm nó ngủ”.
Những câu hát này trong dân gian gọi là vè dặm. Trong những năm kháng chiến cứu nước, chúng ta từng nghe bài hát "Thần sấm ngã" được soạn giả Thanh Bình viết theo điệu này. Đây là bài hát kể chuyện dân quân xã Thạch Ngọc (Thạch Hà, Hà Tĩnh) hạ thần sấm Mỹ. Bài hát này đã được sáng tác vào năm 1967, khi mà nhân dân Nghệ Tĩnh đã chiến đấu vô cùng oanh liệt: “Thần sấm kia cũng ngã/ Mà quỷ trời cũng nhào/ Dù bay thấp bay cao/ Dù bổ thẳng bổ nhào/ Bà con ta đừng sợ/ Thằng Mỹ không có gì đáng sợ…”
Về sau do yêu cầu của nội dung tình cẩm, Hát dặm được phát triển thêm một bước. Mỗi khổ Hát dặm không nằm trong khuôn khổ 5 câu mà có khi từ 6-7 câu hoặc nhiều hơn. Thí dụ như một khổ Hát dặm vào đầu thế kỉ thứ 19: “Tôi một nón không quai/ Mự một nón không quai/ Ta lên rú truông Đài/ Chặt cây song chẻ lạt/ Tui một nón có quai/ Mự một nón có quai/ Không chung chiêng được nữa/ Không trùng triềng được nữa.” Và một khổ Hát dặm cuối thế kỉ 19: “Đồn chợ Cầu hơn đỗ/ Đồn chợ Trổ hơn vưng/ Gạo chợ Trổ cầm thưng/ Tui với mự chung lưng/ Tui năm quan tiền kẽm/ Mự một vài tiền đồng/ Ai chung nữa cũng không/ Vô đàng trong chạm gạo/ Ra đàng ngoài chạm gạo…”
Tuy những khổ Hát dặm này đã vượt qua ra ngoài khuôn khổ 5 câu nhưng câu cuối của mỗi khổ bao giờ cũng là câu dặm và được vận động đúng theo qui cách cổ truyền.
Vào đầu thế kỉ 20, Hát dặm được biến tấu thêm một bước, do sự biến tấu này, mỗi câu hát không bị gò bó trong giới hạn 5 chữ mà đã vượt đến 7 hoặc 8 chữ, cũng có thể nhiều hơn nữa. Ví dụ như ở Can Lộc (Hà Tĩnh) có câu hát: “Khi mô con lươn hắn lên rừng mần ổ/ Khi mô con vượn hắn chống noốc đi buôn…” Và ở Nghệ An, ông Nguyễn Trung Phong (Diễn Châu) cũng mở rộng câu Hát dặm thành 7-8 chữ và ghép nó sau một câu ví để dựng lên bài hát dân ca mới như bài hát "Giận mà thương". Bài hát này được phổ cập một cách sâu rộng. Hoặc khi đến Yên Thành (Nghệ An) tham quan nơi Bác Hồ về thăm phát động phong trào trồng cây, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã nghiên cứu chính lý thêm và biên soạn thành bài hát "Trồng cây lại nhớ đến Người". Cũng trong dịp này tôi (Dân Huyền) cũng hoàn thành bài “Phong thư sông Lam”, nói về tình cảm giữa hậu phương và tiền tuyến thông qua lá thư của người vợ gửi cho chồng trong những ngày chống Mỹ cứu nước.
Vẫn dưới thể thức mở rộng Hát dặm này chúng ta còn gặp một số bài hát khác: ví dụ như bài "Quỳnh Lưu đất mẹ anh hùng". Trong bài này phần Hát dặm đã được biến hóa một cách sinh động
Một số nhạc sĩ không khai thác câu Hát dặm cụ thể nào cả nhưng lại khái quát được sự vận động của các quãng đặc trưng quanh trục điện thức trong cơ cấu của Hát dặm và đã sáng tác ra nhữn ca khúc mới mà trong đó ngôn ngữ âm nhạc được phát triển từ cơ sở của Hát dặm. Ví dụ như bài "Ta lại đào công sự" của Nguyễn Đức Toàn", "Chào em cô gái Lam Hồng" của Anh Dương, “Cô gái sông La” của Doãn Nho và Phương Thúy, “Từ Làng Sen” của Phạm Tuyên,“Thành phố đỏ thành phố xanh” của Dân Huyền ...
Cũng như hát Ví, Hát dặm là thể loại dân ca cổ truyền đậm đà nhất về phong cách dân ca của vùng Nghệ Tĩnh. Đây là một trong nhiều vốn âm nhạc dân tộc quí báu của tổ tiên để lại được thế giới công nhận và tôn vinh./.