“Không cần cấp phép cho những ca khúc đã nổi tiếng”
VOV.VN - Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho rằng, không cần cấp phép cho những ca khúc đã nổi tiếng và có đời sống bền bỉ trong công chúng.
Sau sự việc cấm lưu hành 5 ca khúc, quyết định cấp phép cho 10 ca khúc sáng tác trước 1975 của Cục NTBD tiếp tục bị dư luận và người trong giới phản ứng.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội, cho biết: “Còn thương rau đắng mọc sau hè” hay nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như “Nối vòng tay lớn” có bị cấm đâu mà bây giờ lại cấp phép? Âm nhạc là để phát triển chứ không phải để cấm đoán. Việc cấp phép các bài hát nổi tiếng, có đời sống bền bỉ trong công chúng, đã tồn tại qua bao nhiêu thế hệ là việc làm mất thời gian, vô bổ.
Ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" được nhạc sĩ Bắc Sơn sáng tác năm 1973. |
Khi bài hát không vi phạm những điều trong luật, không có nội dung chống phá nhà nước, không vi phạm thuần phong mỹ tục thì nghiễm nhiên được phổ biến hoặc được lưu hành theo chủ quan của tác giả. Còn nếu vi phạm những điều trên thì các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm “cấm” và cấm luôn. Việc những ca khúc như “Nối vòng tay lớn” (NS Trịnh Công Sơn) hay “Còn thương rau đắng mọc sau hè” (NS Bắc Sơn) bỗng nhiên được cấp phép, hóa ra là trước đây bị cấm phổ biến?”.
Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, việc cấp phép bài hát cũng phải theo luật. Ví dụ, tác giả hay người nhà tác giả được ủy quyền xin cấp phép thì cơ quan chức năng mới cấp phép.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh. Ảnh: TL |
"Liệu có phải ngược đời không khi việc kiểm duyệt khắt khe không áp dụng với gameshow, với những ca khúc nhạc trẻ mới ra đời có nội dung nhảm nhí, tục tĩu nhưng lại được áp dụng với những ca khúc đã có bề dày thời gian, có nội dung nhân văn, ca ngợi tình yêu đẹp đẽ".
“Tôi cho rằng những ca khúc sáng tác trước 1975 như “Con đường xưa em đi”, “Còn thương rau đắng mọc sau hè” và nhiều ca khúc vừa mới dính lùm xùm mới đây không có bất kỳ vi phạm gì để đáng phải cấm đoán. Thay vì cấm đoán, hãy dành nhiều thời gian xây dựng các chiến lược phát triển âm nhạc”.
Nhà báo Phan Phương, Trưởng ban Hội viên, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) cho hay: “Đã đến lúc cần tái thiết lập cơ chế kiểm duyệt ca khúc thay vì cấp phép như hiện nay”.
Nhà báo Phan Phương, Trưởng ban Hội viên, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) |
Đại diện VCPMC viện dẫn câu chuyện ca sĩ Hương Giang Idol xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân mới đây.
“Nguyên nhân của vấn đề này là do thiếu sự kiểm duyệt. Nhiệm vụ của Cục NTBD ở đâu trong vấn đề này? Đây là băn khoăn không chỉ của nhiều người. Trong khi chương trình Táo Quân phải được Cục NTBD kiểm duyệt thì các gameshow khác thế nào? Việc thiếu kiểm duyệt khiến nghệ sĩ diễn mà không có kịch bản, dẫn đến tình trạng “nói văng mạng” trên sân khấu, trước rất đông khán giả”.
Theo nhà báo Phan Phương, có một thực tế là rất nhiều gameshow thiếu kiểm duyệt trong khi các ca khúc ra đời rất lâu, phổ biến rộng rãi thì lại phải luôn đối diện với các “án” cấm lưu hành, chưa cấp phép.
Trước đây, qua các thời kỳ phát triển của đất nước, việc quản lý các ca khúc đều được áp dụng theo cơ chế kiểm duyệt. Một ca khúc ra đời đều được kiểm duyệt xem có đủ tiêu chí để được cấp phép phổ biến không. Và việc kiểm duyệt này cũng chỉ thực hiện một lần chứ không cần mỗi lần biểu diễn lại phải đến xin cấp phép như hiện nay.
Việc cấp phép phải lặp đi lặp lại nhiều lần trong khi nhiều nhà sản xuất chương trình lại trốn tránh trách nhiệm trả tiền bản quyền tác giả. Thực trạng này khiến VCPMC từng rất khó khăn trong công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Theo nhà báo Phan Phương, hiện nay, Cục NTBD đang được trao cho quá nhiều quyền hạn. “Bất kỳ nhạc phẩm nào cũng là tài sản của cá nhân tác giả, không phải của Cục NTBD. Bởi thế Cục NTBD không có quyền cấp phép cho nhiều chương trình biểu diễn mà các đơn vị này phải xin phép tác giả.
Nhà báo Phan Phương cho rằng, điều này giống như bên Bộ Giao thông Vận tải có Cục Đăng kiểm. Cá nhân có ô tô mang đến đăng kiểm thì Cục Đăng kiểm sẽ soi các hệ thống điều khiển xem có đủ tiêu chuẩn an toàn để tham gia giao thông hay không. Sau khi đã xong thủ tục đăng kiểm thì chiếc ô tô đó phải thuộc quyền sở hữu của người chủ. Đối với một ca khúc cũng thế. Kiểm duyệt tác phẩm, nếu ca khúc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, thì kiểm duyệt xong tác phẩm đó phải là của tác giả, thuộc sự sở hữu của cá nhân tác giả. Việc Cục NTBD cấp phép tác phẩm đó cho một người, đơn vị thứ 3 mà mặc kệ tác giả là vô lý.
“Với nhiều tác giả, việc cấm đoán, cấm lưu hành hay chưa cấp phép đối với một tác phẩm đã trở nên nổi tiếng và lan tỏa rộng rãi trong công chúng là cách hành xử lạc hậu. Những sáng tác âm nhạc ra đời trước 1975, nếu thống kê cũng phải lên tới hàng vạn ca khúc. Nếu cứ cấp phép nhỏ giọt “5 bài”, “10 bài” chỉ càng làm dậy sóng dư luận”, nhà báo Phan Phương cho biết./.
Cấp phép ca khúc trước 1975: Chỉ như nước đổ xuống biển