Lắng nghe "Cảm xúc tháng Mười" trong ngày Giải phóng Thủ đô
VOV.VN - Cứ mỗi khi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 là Hà Nội và nhiều nơi lại vang lên ca khúc “Cảm xúc tháng Mười” (sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Thành, lời thơ Tạ Hữu Yên).
Về bài hát “Cảm xúc tháng Mười”, có lần nhà thơ Tạ Hữu Yên kể: “Năm đó, có cuộc thi sáng tác ca khúc nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Hai chàng sĩ quan trẻ (đại úy Tạ Hữu Yên và thượng úy Nguyễn Thành) rủ nhau cùng tham gia.
Ðể lấy cảm hứng, hai ông đạp xe lên Cầu Giấy, cửa ô mà 20 năm trước Trung đoàn Thủ đô đã theo lối ấy trở về tiếp quản quê hương.
Khi dừng chân trước Hồ Gươm, họ thấy một màu trời xanh trên đầu và cả dưới bóng nước Hồ Gươm… Những câu thơ đầu tiên được cất lên một cách chính xác từ trực quan sinh động: Không thể nói trời không trong hơn, Và mắt em xanh khác ngày thường... Cảm xúc quá mạnh và tự nhiên, câu thơ cũng không cần rành rẽ, trau chuốt…”. Tứ lớn đã mở, bài thơ cuộn chảy. Ðêm đó, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã làm xong trọn vẹn bài thơ.
Sau đêm ấy, trên gác 5 khu tập thể Thành Công, có một ngọn đèn thức khuya hơn mọi hôm, bầu trời đêm rung lên trong tiếng đàn piano thánh thót: La mi đố son si si si... Hai tác giả cùng đàn hát với nhau trong niềm hạnh phúc, tự hào về Thủ đô Hà Nội. Sau đó bài hát được gửi ngay đến ban tổ chức cuộc thi và là một trong những tác phẩm giành giải A. Kiều Hưng là nghệ sĩ đầu tiên hát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam bài “Cảm xúc tháng Mười”.
Và bài hát “Cảm xúc tháng Mười” đã được chọn để thính giả viết lời bình trong chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” của chương trình Ca nhạc theo yêu cầu thính giả tháng 8/2000.
Đây là lá thư viết ngày 31/08/2000 của một thính giả dấu tên, gửi từ Ba Vì tới chương trình: “Mỗi khi nghe ca khúc “Cảm xúc tháng Mười”, tôi như được sống giữa bầu trời thu Hà Nội năm 1954 trong sáng vô ngần - bầu trời của tự do, hòa bình và chứng kiến một thời kỳ lịch sử. Trong tiết thu ấy hòa trong tiếng reo, tiếng trống, nụ cười và niềm vui chiến thắng là hình ảnh của mẹ: Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt/Xốn xang mẹ thầm gọi “Các con...”/Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ/Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn…”.
Bạn Lại Thị Linh ở đội 5 xã Hà Vân, Hà Trung, Thanh Hóa trong lá thư ngày 29/09/2000 đã viết “Nói hộ lòng tôi: Cảm xúc tháng Mười/Như nói hộ những triệu triệu con người. Nghe “Cảm xúc tháng Mười”, tôi bồi hồi xúc động nhớ về mùa thu năm ấy Không thể nói trời không trong hơn/Và mắt em xanh khác ngày thường/Khi đoàn quân kéo về mùa Thu ấy/Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường. Có bài lịch sử nào nói về cái khí thế anh hùng vô song, tưng bừng rộn rã của đoàn quân tháng 10 năm ấy như những câu thơ trên. Những câu thơ đã khơi nguồn cảm hứng cho bài hát ra đời.
Tôi đã từng nghe nhiều câu thơ, bài hát ca ngợi chiến thắng lẫy lừng nhưng không hiểu sao hai câu thơ: Tháng Mười ấy là khúc ca xanh/Khúc ca của những chiến công đầy - của nhà thơ Tạ Hữu Yên khi vang lên cùng âm nhạc lại làm tôi xao xuyến đến vậy”.
Bạn Vũ Tiến Nghiên ở phân xưởng khai thác số 2 mỏ than Tân Lập, Hòn Gai, Quảng Ninh, trong lá thư tham gia bình bài hát “Cảm xúc tháng Mười” viết bằng nét chữ rất đẹp: “Tôi sinh ra khi đất nước còn bị chia cắt, non sông chưa liền một dải. Lúc 5 tuổi tôi mới được nhìn thấy những chùm pháo hoa sáng rực bầu trời, chứng kiến một đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng, cho nên những bài ca cách mạng đã được tôi đón nhận từ khi bi bô biết hát. Và cứ mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh, ngày giải phóng Thủ đô, trời thu như trong xanh hơn. Con người Việt Nam đã từng chứng kiến những năm tháng hào hùng của dân tộc, ánh mắt của họ như sáng hơn, tươi trẻ hơn như hai câu đầu của mạch cảm xúc hai tâm hồn thơ và nhạc đã gặp nhau ở ca khúc “Cảm xúc tháng Mười”.
Đón chào đoàn quân trở về là nhân dân Thủ đô Hà Nội, hình ảnh người mẹ đứng hàng đầu “rưng rưng nước mắt” và lòng mẹ xốn xang “mẹ thầm gọi các con”…
Tới đây, bạn Vũ Tiến Nghiên bộc bạch một chút về mình: "Tôi đang là một công nhân mỏ ngày đêm khơi lên nguồn năng lượng cho đời, những ca từ đó làm tôi không thể tả được cảm xúc của mình nữa… Tôi chưa một lần đặt chân đến Hà Nội, nhưng Hà Nội đã có ở trong tôi bằng hàng trăm ca khúc xưa và nay, và cứ như thế mạch cảm xúc được nối liền, chảy mãi, hát mãi trong tôi”.