Luật không chặt chẽ, vi phạm bản quyền tràn lan
Quy định bất cập trong các văn bản pháp quy khiến tình trạng vi phạm bản quyền lan tràn.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó giám đốc Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc bắt đầu bài phát biểu của mình tại hội nghị tổng kết 5 năm tăng cường quản lý quyền tác giả (sáng 22/5) bằng một lời hứa. Ông hứa rằng phát biểu của mình sẽ đầy ắp thực tế. Ông Cẩn sau đó quả nhiên đã dẫn ra đủ loại ví dụ vi phạm quyền tác giả. Đến nỗi Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn phải yêu cầu nói tóm gọn. Và một trong những tóm gọn của ông Cẩn là: “Từ khi Nghị định 79/2012 ra đời, số tiền bản quyền của Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc giảm hẳn”.
Trên thực tế, nghị định này chỉ yêu cầu đơn vị xin cấp phép cam kết thực thi đúng pháp luật quyền tác giả chứ không yêu cầu chứng minh đã thực hiện quyền tác giả như trước. Chính vì thế, theo bà Trần Thị Trường, Phó giám đốc của trung tâm trên, thì nếu đơn vị “bắt được” mới có thể thu được tiền. “Như chương trình Chế Linh chẳng hạn, chúng tôi không xuống các tỉnh kịp thì không thu được”, bà Trường nói. Cũng theo bà, cách quy định như thế sẽ thuận cho những người ngay từ đầu đã không muốn đóng tiền bản quyền.
Việc thu tác quyền gặp nhiều khó khăn do có nhiều kẽ hở. (ảnh: Tuổi trẻ) |
Nhưng không chỉ có Nghị định 79/2012 khiến việc thu tác quyền trở nên khó khăn hơn. Có những quy định khác cũng khiến đơn vị liên quan dở khóc dở cười. Chẳng hạn, Đài truyền hình Việt Nam VTV đang khốn khổ vì quy định tại điều 16 của Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền - ban hành theo Quyết định 20/2011 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư 09/2012 của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT). Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền được tự ý tiếp phát các kênh VTV1, VTV2, VTV4, VTV5 mà không cần thỏa thuận về bản quyền.
“Chúng tôi đã mua, trao đổi bản quyền nhiều chương trình của đối tác trong nước cũng như ngoài nước”, đại diện VTV nêu rõ. “Vì vậy, việc các doanh nghiệp tự ý tiếp phát sóng sẽ dẫn đến việc các đối tác phản ứng. Đối tác có thể cáo buộc VTV vi phạm hợp đồng bản quyền đã ký kết”. Và trên thực tế không chỉ tiếp sóng, các doanh nghiệp còn tự ý xóa quảng cáo đi kèm rồi chèn quảng cáo riêng thu tiền của mình vào chương trình.
“Qua tư vấn, các văn phòng luật sư đã chỉ ra quy định tại điều 16 của quy chế trên và Thông tư 09 của Bộ TT-TT là không đúng pháp luật về sở hữu trí tuệ”, đại diện VTV cho biết. “Để giải quyết vấn đề này, rất cần có tiếng nói chung của các cơ quan quản lý bản quyền nhằm sửa đổi, thay thế các quy định tại các văn bản nói trên”.
Một vấn đề khác là sự “giằng xé” trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn giữa các nhà quản lý. Chẳng hạn, Bộ TT-TT thực hiện chức năng quản lý các lĩnh vực công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử. Song chức năng quản lý về quyền tác giả, quyền liên quan lại thuộc Bộ VH-TT-DL. “Vì thế, Bộ TT-TT không thể trực tiếp xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Cũng chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa hai bộ trong hoạt động thanh tra và xử lý vi phạm về bản quyền trong các lĩnh vực của Bộ TT-TT”, đại diện Bộ TT-TT cho biết.
Như vậy, bài học từ thực tế cho thấy những khe hở của pháp luật về bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan. Cộng thêm lực lượng thanh tra mỏng, chế tài thấp, chúng ta đang có một môi trường dung dưỡng vi phạm bản quyền tác giả. Có lẽ, rà soát lại một loạt các văn bản pháp luật dựa trên đóng góp từ thực tế của các đơn vị liên quan là điều cần thiết./.