Ông Nguyễn Thế Kỷ:

Mỗi làng quê, ngọn núi, dòng sông trên dải đất này đều mang dáng hình Tổ quốc

VOV.VN - Với nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, mỗi làng quê, ngọn núi, dòng sông trên dải đất này đều mang dáng hình Tổ quốc, đau đáu, thương yêu.

NSƯT Quốc Hưng cùng dàn hợp xướng thể hiện ca khúc Tổ quốc, lời thơ của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, được nhạc sĩ Lê Quang phổ nhạc.

- Được biết, bài thơ “Tổ quốc” được ông sáng tác ngay sau khi dự lễ Quốc khánh 2/9/2015, hẳn đó là cảm xúc dâng trào khi ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc trong ngày trọng đại của đất nước?

Bài thơ được viết đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2/9. Hôm đó, tôi ngồi ở quảng trường Ba Đình, trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi nghe tiếng Quốc ca cất lên và lá Quốc kì tung bay, rồi tiếp đó là các khối diễu binh, diễu hành, tôi xúc động, bồi hồi nghĩ về lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.

Đất nước ta, từ thuở hồng hoang đã nằm bên Biển Đông quanh năm sóng vỗ. Các nhà nghiên cứu sau này gọi đó là địa chiến lược, địa kinh tế... Có phải vì vậy mà dân tộc ta luôn bị ngoại bang nhòm ngó, thèm khát?

Một dân tộc suốt hàng ngàn năm phải đương đầu với những cuộc chiến tranh lớn nhỏ, phần lớn bắt đầu từ biển, từ biên giới phía Bắc. Biết bao cuộc chiến đấu anh dũng, nhiều mất mát hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của cha ông. Một dân tộc mà máu, mồ hôi, nước mắt của những người mẹ, người vợ, người em không sông biển nào so nổi; những núi Vọng Phu, những “Chinh phụ ngâm”, những “Cung oán ngâm khúc”...đi cùng năm tháng, ơi hời bên nôi những đứa trẻ…

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả bài thơ "Tổ quốc". 

Những sông Như Nguyệt, Bạch Đằng, Hồng Hà, những Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Đống Đa, Rạch Gầm, Xoài Mút, Gạc Ma..đều chói ngời sắc đỏ anh hùng và xương máu tiền nhân.

Ngay cả bây giờ, dân tộc ấy vẫn chưa thực sự có nền hòa bình bền vững. Hoàng Sa đang nằm trong tay kẻ khác, Trường Sa vẫn ngày đêm bị đe dọa, Biển Đông đang bị lăm le thôn tính.

Dường như những trận bão lũ, cuồng phong từ bên ngoài luôn thổi rạt trên dải đất hình chữ S này. Hàng ngàn năm nay, người Việt luôn canh cánh, luôn khắc sâu tâm thế dựng nước đi đôi với giữ nước, câu thơ song hành với vó ngựa, cây bút đi kề với ngọn dáo, cây súng.

Những suy nghĩ và trăn trở khắc khoải đó, là cảm xúc, là cái tứ để tôi viết nên bài thơ “Tổ quốc”.

- Bài thơ đưa người đọc đi dọc chiều dài đất nước, tấc đất nào, thôn ấp nào, ngọn núi nào, dòng sông nào, hòn đảo nào - dẫu nổi hay chìm, gần bờ bay giữa trùng khơi vạn dặm, cũng xứng đáng với hai từ anh hùng. Bài thơ - đúng như tên gọi - mang dáng hình Tổ quốc?

Đất nước mình “Ào ạt mấy ngàn năm châu thổ/ Những bờ đê chắn lũ, ngăn thù/ Cùng bọc trứng các con đi trăm ngả/ Vẫn thắm lòng dưa hấu chốn đảo xa/ Ào ạt mấy ngàn năm... Thánh Gióng/ Mới lên ba đã giáp sắt, tre ngà/ Câu thơ thần nhuộm đỏ sông Như Nguyệt/ Đỏ Bạch Đằng cuồn cuộn sóng bể xa..”.

Mỗi làng quê, ngọn núi, dòng sông trên dải đất này đều mang một dáng hình Tổ quốc. Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ

Ở một đất nước mà đứa trẻ mới lên ba như Thánh Gióng đã “buộc phải lớn” (hay mơ lớn nhanh như thổi) để mặc áo giáp sắt ra trận; những người lưu lạc nơi đảo xa như Mai An Tiêm vẫn trồng dưa hấu đỏ thắm tình yêu với cội nguồn; mỗi địa danh Bạch Đằng, Như Nguyệt, Hiền Lương, Khâm Thiên, Sơn Mỹ, Thổ Chu, Vị Xuyên, Gạc Ma… là một biểu tượng anh hùng, một dáng hình Tổ quốc, gắn với những cuộc chiến đấu anh dũng, nhiều hy sinh, gian khổ của cha ông.

Khi đọc bài thơ, mỗi người sẽ có những cảm nhận của riêng mình, nhưng mẫu số chung chính là Tổ quốc này, đất nước này, dáng hình này qua hàng nghìn năm mất mát đau thương và kiên cường, vẫn luôn vững chãi, kiêu hãnh trong tim mỗi người con đất Việt, dù họ sống trong nước hay ở nước ngoài.

Một hình ảnh khiến tôi ấn tượng sâu sắc, đó là hình ảnh, hình tượng những người phụ nữ trong chiến tranh. Người đàn ông ra trận có thể ngã xuống giữa trận tiền, da ngựa bọc thây, “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, nhưng người chịu đau thương, hy sinh, mất mát lớn nhất, dai dẳng nhất, khắc khoải nhất, ấy là những người phụ nữ, những chinh phụ.

Người chồng, người con, người cháu của họ ngã xuống nhưng với họ, họ phải sống, sống trong đợi chờ, hy vọng, sống để thờ chồng, thờ con, thờ cháu; chăm con thơ, nuôi cha mẹ, lo chuyện họ tộc, làng nước.

Bức ảnh Bắc Nam sum họp do Võ An Khánh chụp năm 1975 tại huyện Hồng Dân - Bạc Liêu, nhân dịp các bà mẹ miền Bắc và miền Nam gặp nhau nhân dịp thống nhất đất nước.

- Dường như hình ảnh người bà, người mẹ, người em nơi hậu phương trong suốt những năm tháng cả dân tộc ra trận cũng là cảm hứng mà nhà thơ trăn trở, vì trước đó trong bài “Trước nàng Tô Thị", nhà thơ cũng từng nhắc tới điều này? 

Đúng, đó là điều khiến tôi trăn trở, và là một trong những cảm hứng để tôi sáng tác bài thơ “Trước nàng Tô Thị’’. Cũng cần nói thêm rằng, cảm xúc, cảm hứng về Tổ quốc anh hùng, nhân dân vĩ đại còn trào dâng trong các sáng tác của tôi. Đó là các vở kịch hát “Mai Hắc Đế”, “Hừng Đông”, “Chuyện tình Khau Vai” hay các bài thơ “Trường Sa”, “Bâng khuâng Trường Sa”, “Với Cần Thơ”, “Ga Sy”, “Chiều thu Hà Nội”, “Miền Trung ơi”..

Tôi không nghĩ nàng Tô Thị như là câu chuyện dân gian lưu truyền (về hai anh em ruột). Không hà cớ gì mà ở nơi biên ải phía bắc Tổ quốc lại có một bức tượng mẹ/vợ bồng con chờ chồng. Với hình tượng ấy, tôi nghĩ đến ba khả năng: (1) “Chiều nao khói lửa mịt mù/ Ôm con nàng ngóng chinh phu cuối trời”; (2) “Hay từ đất khách xa xôi/ Vần thơ đi sứ rối bời niềm đau”; (3) “Hay nơi ngõ vắng sông sâu/ Thương trường lỡ bước, vó câu bẽ bàng”.

Và khả năng rõ nhất, thuyết phục nhất, vẫn là cảnh tình của chinh phụ-chinh phu. Tất nhiên đây chỉ là theo suy đoán của người làm thơ, còn những người viết sử, những nhà nghiên cứu, họ có thể có căn cứ, lập luận khác.

- Sinh ra khi đất nước đang ở những năm tháng đau thương của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, trên mảnh đất miền Trung bị bom đạn cày xới dữ dội và ác liệt, chứng kiến những mất mát, hy sinh, đó có phải lý do khiến ông kết thúc bài thơ bằng hình ảnh khao khát hoà bình, nhân ái? 

Tôi nghĩ, ước mơ hòa bình, nhân ái là khát vọng chung của loài người. Nhất là những dân tộc đi qua những cuộc chiến tranh ác liệt, nhiều đớn đau, hy sinh, mất mát.

Chiến tranh (xâm lược) chỉ là tham vọng của những kẻ buôn súng, những nhà cầm quyền khát máu, còn nhân dân, không bao giờ thích chiến tranh cả. Vì người mất mát nhiều nhất, chính là nhân dân. Họ phải chịu nhiều đau thương khi người chồng, người con, người cha, người thân yêu của mình ra trận không hẹn ngày về. Họ sống trong cảnh cô đơn, cơ cực, nơm nớp lo sợ, không một ngày bình yên.

Trong bài thơ “Tổ quốc”, bốn câu kết là nỗi niềm đau đáu của những người con đất Việt, là khát khao hòa bình đến cháy bỏng: “Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc/ Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa/ Ngày đỏ mắt Trường Sa giông báo/ Lại bút, gươm, giữ cõi xây nhà”.

Mỗi làng quê, ngọn núi, dòng sông trên dải đất này đều mang một dáng hình Tổ quốc. (ảnh: Tri thức trẻ)

- Không chỉ bài thơ “Tổ quốc”, trong rất nhiều sáng tác của ông, dường như cảm hứng xuyên suốt là cảm hứng dân tộc, cảm hứng yêu nước, hay nói rộng hơn, những bài thơ ấy - là lòng yêu nước trong thời bình?

Tôi may mắn khi đến tuổi trưởng thành thì chiến tranh vừa kết thúc, nhưng tuổi thơ tôi là những năm tháng gắn liền với bom đạn ác liệt. Hình ảnh làng quê xơ xác, hoang tàn khi Mỹ ném những loạt bom đầu tiên ở miền Bắc mà quê tôi đã phải hứng chịu đã in sâu vào kí ức tuổi thơ tôi.

Ngày ấy, trong hiểu biết non nớt của tôi là tiếng gầm rú của máy bay, là sức tàn phá khủng khiếp của bom đạn, là những cái chết đau thương của bao người thân yêu. Năm này qua tháng khác, đến bom đạn, dường như cũng trở thành chuyện cơm bữa nên quen dần, máy bay đến, ném bom cũng không còn quá sợ như trước đó.

Rồi tôi còn nhớ hình ảnh từng đoàn quân vào miền Nam chiến đấu, đi qua ngôi làng nhỏ, ngủ lại một đêm, vài ba đêm ở nhà tôi, vừa kịp làm quen thì hôm sau, vài bữa sau các chú đã hành quân ra trận…Lớp học của chúng tôi, chỉ một đêm bom Mỹ thả, trở thành trạm cứu thương dã chiến, bao nhiêu chú thương binh, liệt sỹ nằm la liệt. Máu các chú đỏ cả nền nhà lớp học. Những kỷ niệm ấy mãi ám ảnh tôi, theo tôi suốt cuộc đời.

Cứ thế, những câu chuyện về một thời đạn lửa, về những chàng thanh niên mặc áo lính bước vào chiến trường lòng không chút sợ hãi đã hình thành trong tôi cảm xúc về đất nước, về con người, về lòng biết ơn…Và đến ngày hôm nay, bao niềm chất chứa ấy trở về trong những bài thơ của tôi.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

TỔ QUỐC

Nếu có thể đo xương máu tiền nhân

Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được

Bao người mẹ, người vợ, người em - nước mắt

Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng

Bão trường chinh ào ạt mấy ngàn năm...

Ào ạt mấy ngàn năm châu thổ

Những bờ đê chắn lũ, ngăn thù

Cùng bọc trứng các con đi trăm ngả

Vẫn thắm lòng dưa hấu chốn đảo xa

Ào ạt mấy ngàn năm... Thánh Gióng

Mới lên ba đã giáp sắt, tre ngà

Câu thơ thần nhuộm đỏ sông Như Nguyệt

Đỏ Bạch Đằng cuồn cuộn sóng bể xa

Mấy ngàn năm... Vọng Phu xứ Bắc

Phụ Tử bùi ngùi doi đất trời Nam

Những cuộc chia ly, những vành khăn trắng

Chẳng nguôi ngoai dù xác giặc chất chồng

Chẳng thể dịu nỗi Rạch Gầm, Xoài Mút

Hiền Lương, Khâm Thiên, Sơn Mỹ, Thổ Chu

Máu Vị Xuyên, Gạc Ma bầm chát

Vạn nghĩa trang hương khói nguyện cầu

Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc

Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa

Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão

Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà.

Bài thơ “Tổ quốc” nằm trong tập thơ “Về lại triền sông” – tập hợp những bài thơ được nhớ và chép lại trong khoảng vài, ba chục năm trở lại đây, hơn một nửa trong số đó được chép trên máy điện thoại cầm tay và trên facebook của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ.

Ông nói: “Nhiều khi, đọc lại, ngẫm nghĩ những bài thơ của mình, tôi có cảm giác, chúng không hay, không rung động, thua xa một số bài thơ mà cha tôi, một cựu chiến binh, một thương binh nặng thời chống Pháp viết về ông, về đồng đội, về thời ông đã sống. Vì thơ ông, được chưng cất từ mồ hôi, nước mắt và máu…

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xúc động nghe ca khúc 'Tổ quốc' phổ nhạc từ thơ của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Xúc động nghe ca khúc 'Tổ quốc' phổ nhạc từ thơ của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

Từ bài thơ cùng tên giàu cảm xúc của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nhạc sỹ Lê Quang phổ nhạc và ra mắt ca khúc 'Tổ quốc'.

Xúc động nghe ca khúc 'Tổ quốc' phổ nhạc từ thơ của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

Xúc động nghe ca khúc 'Tổ quốc' phổ nhạc từ thơ của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

Từ bài thơ cùng tên giàu cảm xúc của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nhạc sỹ Lê Quang phổ nhạc và ra mắt ca khúc 'Tổ quốc'.

“Xương máu tiền nhân không gì đo được”
“Xương máu tiền nhân không gì đo được”

VOV.VN - Với dân tộc Việt Nam, Tổ quốc được hình thành qua hằng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, được xây bằng biết bao xương máu cha ông. 

“Xương máu tiền nhân không gì đo được”

“Xương máu tiền nhân không gì đo được”

VOV.VN - Với dân tộc Việt Nam, Tổ quốc được hình thành qua hằng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, được xây bằng biết bao xương máu cha ông.