Người truyền cảm hứng cho lớp trẻ yêu đàn tỳ bà
VOV.VN - Bằng niềm đam mê, tình yêu, giảng viên, nghệ sĩ đàn tỳ bà Nghiêm Thu đã và đang tìm cách truyền cảm hứng cho lớp trẻ về tình yêu với đàn tỳ bà.
Theo đuổi âm nhạc truyền thống trong dòng chảy vồn vã của nhạc thị trường hiện nay vốn không mấy dễ dàng. Nhưng bằng niềm đam mê, tình yêu và sự trân quý dành cho cây đàn tỳ bà, giảng viên, nghệ sĩ đàn tỳ bà Nghiêm Thu đã và đang tìm cách truyền cảm hứng cho lớp trẻ về tình yêu với đàn tỳ bà. Với cô, tất cả phải bắt đầu từ niềm đam mê.
Với mong muốn được truyền cảm hứng rộng rãi đến những người yêu nghệ thuật, Nghiêm Thu chọn cách vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa tích cực tham gia giảng dạy |
Những ngày chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường học đóng cửa, nhưng đều đặn ngày hai buổi, giảng viên, nghệ sĩ đàn tỳ bà Nghiêm Thu vẫn miệt mài bên cây đàn cùng màn hình máy tính để tiếp tục truyền lửa đam mê đến với học trò của mình qua những buổi học online.
Nghiêm Thu, tên đầy đủ là Nghiêm Thị Kim Thu, là một trong những thành viên sáng lập của nhóm nhạc Cỏ lạ với phong cách dân gian đương đại. Ra mắt khán giả lần đầu tiên vào năm 2006, Cỏ lạ đã thổi một làn gió mới vào những làn điệu dân ca, khiến những người yêu nhạc không khỏi ngỡ ngàng về sự biến hóa kỳ diệu của âm nhạc truyền thống. Những giai điệu độc đáo, đầy cảm xúc đã đưa tên tuổi của Nghiêm Thu và các thành viên nhóm Cỏ lạ đến gần hơn với khán giả trong và ngoài nước.
Thị trường âm nhạc Việt Nam luôn sôi động, luôn đổi mới, kéo theo những người làm nghệ thuật như Nghiêm Thu cũng phải biết cách sáng tạo và làm mới bản thân |
Với mong muốn được truyền cảm hứng rộng rãi đến những người yêu nghệ thuật, Nghiêm Thu chọn cách vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa tích cực giảng dạy. Suốt hơn 20 năm theo nghiệp giảng dạy, từ trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho đến Nhạc viện TP. HCM, cô đã và đang lan tỏa tình yêu và truyền cảm hứng đắm say cho nhiều bạn trẻ sáng tạo khi đến với cây đàn tỳ bà.
"Bây giờ tôi và những người chơi đàn tỳ bà cũng đang góp sức mỗi người một chút để mình cất lên được tiếng nói của cây đàn tỳ bà Việt Nam. Qua đó cũng là để mọi người hiểu và biết rõ hơn về đàn tỳ bà Việt Nam", nghệ sĩ Nghiêm Thu cho hay.
Điều khiến giảng viên này trăn trở nhất là làm thế nào để vừa giữ được chuẩn mực truyền thống vừa đáp ứng được nhu cầu của khán giả, đặc biệt là lớp trẻ. Bởi, nếu dạy mãi những bản nhạc cổ truyền thì rất khó để đông đảo các bạn trẻ tiếp nhận mà “thị trường hóa” âm nhạc truyền thống thì cần khéo léo để không làm mất đi cái gốc của âm nhạc dân tộc. Do đó, Nghiêm Thu chọn cách kết hợp hai yếu tố này với nhau.
Bên cạnh, những bài giảng kỹ thuật đúng chất hàn lâm, cô dành thời gian cùng với học viên làm mới; thậm chí dùng tỳ bà chơi các bản nhạc trẻ như Em gì ơi, Ngô đồng, Con bướm xuân… Theo nghệ sĩ Nghiêm Thu, sự cởi mở này sẽ làm cho lớp trẻ thêm hứng thú, say mê và ngày càng thấy rõ giá trị của nhạc cụ, âm nhạc truyền thống.
Nghệ sĩ Nghiêm Thu độc tấu đàn tỳ bà |
Nhìn cách cô ân cần, tỉ mỉ uốn nắn từng chút một, từ tư thế ngồi cho đến cách gảy đàn, bấm đàn theo từng nhịp, tiết tấu lên xuống mới hiểu được vì sao học trò lại chăm chỉ học và dành cho cô những tình cảm trìu mến đến vậy. Với bạn sinh viên năm nhất lớp tỳ bà Bùi Thị Ngọc Hân, được học với cô Thu là cả một sự may mắn bởi cô không chỉ là “người đưa đò” tận tâm mà còn là một người bạn tuyệt vời, hết mình chia sẻ kinh nghiệm trong nghề cũng như trong cuộc sống.
"Khi nghe cô Thu đánh trong dàn nhạc, mình mới thấy là mỗi cây đàn có một nhiệm vụ khác nhau và nhận ra được mức độ quan trọng của đàn tỳ bà trong dàn nhạc, đấy là chưa nói đến đánh solo", bạn Bùi Thị Ngọc Hân nói.
Theo ThS. Đinh Tuyết Lê, giảng viên đàn Tam Thập Lục, Phó Trưởng khoa Âm nhạc Truyền thống, Nhạc viện TP.HCM, ngay từ những ngày đầu về dạy ở trường, cô Nghiêm Thu đã để lại những ấn tượng sâu sắc về sự nhiệt tình và không quản ngại khó khăn. Năm 2018, tại cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc lần thứ nhất tại TP.HCM, lúc đấy vì thiếu người nên cô Nghiêm Thu đã xung phong đệm đàn cho tất cả các bạn thí sinh tham gia chứ không riêng gì thí sinh của Nhạc viện TP.HCM.
Nhóm Cỏ lạ |
Nói về Nghiêm Thu, ThS. Huỳnh Thị Thu Hiền, giảng viên đàn tranh, khoa Âm nhạc Truyền thống, Nhạc viện TP. HCM nhận xét rằng, dạy âm nhạc truyền thống vốn đã khó, dạy nhạc cụ hiếm như đàn tỳ bà lại càng khó hơn. Nhưng với cái tâm, cái tài, Nghiêm Thu đã giúp cho các bạn trẻ ngày càng yêu thích và theo học đông hơn
"Nàng ấy đi đến đâu là tỏa năng lượng, nhiệt huyết đến đấy. Nhiều lần buổi trưa nghe thấy tiếng tỳ bà trên khoa, hóa ra là tập cho các em đi thi. Cống hiến bất kể giờ giấc mà lúc nào cũng rạng rỡ nụ cười trên môi, không thấy mệt, than vãn hay chùn bước", ThS. Huỳnh Thị Thu Hiền tâm sự.
Trải qua nhiều truân chuyên của chuyện nghề chuyện đời, cây đàn tỳ bà vẫn ở bên nghệ sĩ Nghiêm Thu như một duyên nợ của cuộc đời, cùng cô thổi tình yêu diệu kỳ đến với các bạn trẻ./.