Nhạc sĩ Thuận Yến – người có nhiều bài hát hay nhất về Bác Hồ

VOV.VN - Nhạc sĩ Thuận Yến có 14 tác phẩm viết về Bác Hồ kính yêu - kỷ lục hiếm có của một người sáng tác trong làng nhạc Việt Nam.

Nghệ sĩ ưu tú Hồ Thanh Hương cùng đồng hương với tôi, nên mỗi khi gặp nhau không quên “giở tiếng Nghệ” ra trò chuyện rất thân tình. Khi nhạc sĩ Thuận Yến (chồng chị) sắp về làm Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN), Thanh Hương có ngỏ lời nhờ “đồng hương” ủng hộ. Tôi bảo: “O cứ yên tâm, Dượng Công về Đài là đúng vị trí rồi. Chỉ riêng gia tài tác phẩm đã đầy thuyết phục đồng nghiệp trong và ngoài Đài”.

Đúng vậy, sau khi nhận nhiệm vụ mới, Thuận Yến đã chiếm được sự yêu mến của nhiều người, bởi anh xử sự công việc đều rất có lý, có tình và rất dễ gần. Tôi và anh nhiều lần cùng ăn trưa với nhau rồi nghỉ ngơi và trò chuyện đủ thứ…

Nhạc sĩ Thuận Yến thời trẻ (Ảnh tư liệu)

Đoàn Hữu Công (tên khai sinh của Thuận Yến), quê ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Một vùng quê ươm tơ dệt lụa nổi tiếng, nên sự giao lưu văn hóa văn nghệ với các vùng khác rất sớm. Thuận Yến kể: “Năm 1940 đã có âm nhạc cải lương, hát bội, hô bài chòi, có âm nhạc nhà thờ công giáo xứ Trà Kiệu. Cha mình biết chơi đàn bầu, ông là nhà giáo dạy chữ Nho. Trong làng có hát hò khoan đối đáp, nhiều người biết chơi đàn măng-đô-lin. Vì vậy, từ bé mình đã biết các nốt nhạc đô, rê. mi…

Năm 1949, mình vô Bình Định, may mắn là được ở Ban đại diện văn hóa văn nghệ Liên khu 5 cùng với các anh Phan Thao, Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh, … Sau này có thêm các anh Phan Huỳnh Điểu, Dương Minh Ninh, Bích Sơn…từ đó mới thật đam mê âm nhạc. May quá, trong tủ sách của Ban có cuốn “Ký âm pháp và hòa âm” của anh Ngọc Trai, mình xem tự học và tập sáng tác, cùng với sự dìu dắt của các anh lớp trước.

Năm 1953, mình và các anh Võ Bài, Ngô Quang Thắng được biệt phái sang quân đội, phục vụ chiến dịch Bắc Tây Nguyên (1953 – 1954). Chúng mình sáng tác phục vụ dân công Phù Mỹ, Phù Cát gánh gạo lên Ba Tơ. Sáng tác nhanh bài hát, hát xong xếp lại bỏ túi, chẳng dám khoe với ai, sợ xấu hổ.

Từ trái qua: Nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ Phan Phúc và nhạc sĩ Dân Huyền

Sau năm 1954, mình ở lại Đoàn văn công Quân đội Liên khu 5, rồi tập kết ra bắc. Vừa kéo violon, vừa sáng tác nghiệp dư phục vụ cho đoàn. Thấy mình có năng khiếu, nên các thủ trưởng cho tôi đi học trung cấp ở Trường Âm nhạc Việt nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - TG).

Đến năm 1965, mình xung phong đi chiến trường B cùng với đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên. Từ đây, mình viết và thường xuyên gửi ra Đài TNVN những tác phẩm bằng đường quân bưu. Hai bài đầu tiên mình gửi là “Hát mừng quê ta giải phóng” và “Mỗi bước ta đi”. Mình đề tên là Thuận Yên (là tên quê nội và quê ngoại), chẳng biết vì sao, khi Đài giới thiệu lại là Thuận Yến. Cả đoàn nghe cười ngạc nhiên và nói thế cũng vui rồi. Từ đó, về sau mọi người quen với tên Thuận Yến”.

Cho đến khi ông nghỉ hưu, nhạc sĩ Thuận Yến đã có 11 ca khúc viết về người mẹ Việt nam như: Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc, Người mẹ quê tôi, Lắng nghe con mẹ ru mẹ hát…23 ca khúc viết về người chiến sĩ như: Mỗi bước ta đi, Gửi em ở cuối sông Hồng, Màu hoa đỏ, Con gái mẹ đã thành chiến sĩ… 24 ca khúc viết về tình yêu như: Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Khát vọng, Đi trong hương Tràm… 41 ca khúc về đất nươc và các miền quê như: Hát mừng quê ta giải phóng, Ngũ Hành Sơn dáng đứng quê tôi, Hát trước tượng đài Quang Trung… 5 ca khúc về bạn bè quốc tế như: Tạm biệt Ap-xa-ra, Tôi nghe đàn Kô-tô, Phu-Xi ơi

Riêng với tôi, tôi rất phục tài năng của ông với 14 tác phẩm viết về Bác Hồ kính yêu - kỷ lục hiếm có của một người sáng tác của làng nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Thuận Yến tâm sự tiếp: “Giữa năm 1966, mình cùng với 16 anh chị em trong đoàn Văn công giải phóng Trị Thiên ra Hà Nội tập huấn. Sau hai tuần, được tin Bác Hồ mời cả đoàn vào biểu diễn phục vụ các vị lãnh đạo của Trung ương. Chúng mình đang ở phòng hóa trang thì bất ngờ Bác Hồ xuất hiện và hỏi thăm từng người, thật là cảm động.

Hôm ấy, cứ sau một tiết mục Bác thưởng cho mỗi người 2 cái kẹo. Chúng mình là những đứa con từ miền Trung ra đều thấy xúc động và rất tự hào bởi Bác gần gủi và rất giản dị. Sự yêu thương, tấm lòng nhân ái ấy của Bác đã thôi thúc chúng mình hát hay hơn, phục vụ tốt hơn. Với mình gắng viết cho hay để ghi nhớ suốt đời buổi gặp gỡ có một không hai ấy”.

Sau đó 3 năm, nhạc sĩ Thuận Yến trở lại Hà Nội học tiếp lớp sáng tác và có thêm 3 tác phẩm khí nhạc và giao hưởng hợp xướng.

Những năm sau đó, khi ở Đoàn văn công bộ đội Trường Sơn, hay khi là Đoàn nghệ thuật Quân Khu 2 trước khi về Đài TNVN công tác, ông đều dành thời gian viết về Bác Hồ kính yêu. Những tác phẩm sáng tác trước cũng như thời gian này đều chiếm được cảm tình người nghe như: Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin, Bác Hồ một tình yêu bao la, Miền Trung nhớ Bác, Vầng trăng Ba Đình, Người về thăm quê, Tạc tượng Bác Hồ trong niềm vui thống nhất, Bay trong tình Bác

Khi được tin người nhạc sĩ sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thu Bồn, người đã cùng chúng tôi – những biên tập viên, nghệ sĩ của Đài TNVN vui buồn có nhau sau hơn một chục năm cộng tác và giàu tình cảm – đã ra đi về cõi vĩnh hằng, tôi đã lặng người xúc động và tiếc thương ông. Vậy là người nhạc sĩ có nhiều bài hát hay về Bác Hồ đã trở về với thế giới người hiền trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mà ông đã vinh dự được gặp. Vĩnh biệt ông – nhạc sĩ Thuận Yến./. 

Lễ viếng nhạc sĩ Thuận Yến sẽ diễn ra từ 10-12h30 phút ngày 27/5, lễ truy điệu được tổ chức lúc 12h30 phút tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng được tổ chức lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Hà Nội.

 
 

 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên