Nhạc sĩ Văn An và những sáng tác về Đảng và Bác Hồ kính yêu

VOV.VN - Những ca khúc của Văn An là tiếng nói của tình yêu nhân dân ta với Đảng và Bác Hồ kính yêu cùng cuộc đấu tranh cách mạng trong những tháng năm không thể nào quên.

Nhạc sĩ Văn An là một trong những nhạc sĩ quân đội có bản sắc riêng. Ca khúc của ông phản ánh sự đa dạng của cuộc sống, chiến đấu của bộ đội ta qua những chặng đường cách mạng. Hình ảnh người chiến sĩ trong ca khúc của ông là hình ảnh của những người lính rất đỗi thân thương, bình dị, hồn nhiên, luôn lạc quan cách mạng. Không chỉ có vậy, ca khúc của Văn An còn là tiếng nói của tình yêu nhân dân ta với Đảng và Bác Hồ kính yêu cùng cuộc đấu tranh cách mạng trong những tháng năm không thể nào quên.

Nhạc sĩ Văn An sinh ngày 05/05/1929, tên thật là Nguyễn Văn An. Ông quê ở Nam Định. Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông nhập ngũ. Lúc đầu, chàng lính trẻ Văn An ở đơn vị chiến đấu, tham gia công tác tuyên truyền văn nghệ năm 1946, rồi chuyển sang Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc năm 1947, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị năm 1953… Đến năm 1958, sau khi học lớp bồi dưỡng sáng tác âm nhạc của quân đội do các chuyên gia Triều Tiên giảng dạy, Văn An về Tổng cục Chính trị, phụ trách chương trình Văn nghệ quân đội trên làn sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.

Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Văn An đã có mặt ở Trung du, Tây Bắc… cùng với các văn nghệ sĩ phục vụ kháng chiến. Những ca khúc đầu tiên của Văn An đã ra đời như: Đường lên Tây Bắc, Mùa gặt… Những ca khúc này đã trở thành người bạn chiến đấu của bộ đội và dân quân khi tham gia chiến dịch. Hình ảnh làng quê Việt Nam buổi đầu kháng chiến được thể hiện trong các ca khúc thật gần gũi, đậm đà. Đường lên Tây Bắc là bài hát nổi tiếng nhất của ông trong sáng tác thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Trong những năm hòa bình lập lại, nhằm kịp thời phản ánh hình ảnh bộ đội chính quy hiện đại, nhiều ca khúc đã ra đời và thể hiện rõ một số đặc điểm cơ bản trong phong cách sáng tác của Văn An: cấu trúc khúc triết, giai điệu gọn gàng, mạch lạc, rất dễ phổ biến, phù hợp với sinh hoạt luyện tập và chiến đấu của bộ đội ta lúc đó. Đó là những ca khúc: Đâu Đảng cần, chúng ta có mặt (1956), Cánh diều miền Bắc (1956), Rẽ sóng ra khơi (1958), Quân đội ta, quân đội anh hùng (1974).

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Văn An đã nhanh chóng khẳng định phong cách của mình trong nhiều ca khúc, phải kể tới: Thái Văn A đứng đó (1968), Cồn Cỏ vang bài ca anh hùng (1968), Ta ra trận hôm nay (1970), Tiếng nói Hà Nội (phỏng thơ Cảnh Trà, 1971).

Một đặc điểm nổi bật trong nhiều sáng tác của Văn An là chất trữ tình trong sáng, thể hiện rõ qua các ca khúc: Đôi dép Bác Hồ (phổ thơ Tạ Hữu Yên, 1970), Đường dây ai rải (1972), Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương (phổ thơ Tạ Hữu Yên, 1975), Trên đường hạnh phúc (1975), Nhịp cầu nối những bờ vui (phổ thơ Phan Văn Từ, 1980).

Ngay cả đối với những đề tài tưởng chừng khó thể hiện, ông vẫn tìm ra cách thể hiện rất trữ tình, như các ca khúc: Lá cờ Đảng (1980), Ấm tình quê Bác (1982).

Suốt cuộc đời phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến, Văn An đã có hàng trăm ca khúc phổ biến. Trong cụm 5 ca khúc mang lại Giải thưởng Nhà nước cho Văn An, phải kể tới ca khúc "Đôi dép Bác Hồ". Đây cũng là ca khúc chuyên mục Bạn yêu nhạc bình nhạc của chương trình Ca nhạc theo yêu cầu thính giả chọn để các thính giả viết lời bình.

Xin trích thư của bác Hoàng Ngọc Khuyến ở khu 3, thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình viết ngày 15/4/2001:

"Bác Hồ đã đi xa. Di sản Bác để lại có rất nhiều, nhưng ấn tượng nhất, sống động nhất trong tôi có lẽ là đôi dép cao su. Năm nay 60 tuổi, tôi có diễm phúc từ năm 1960 đến năm 1968 bốn lần được tận mắt thấy Bác. Điều lạ kỳ là cả bốn lần đều thấy Bác đi dép cao su. Bằng 'mục kích' kết hợp với lời kể của nhiều người, tôi đúc kết được một điều hết sức thú vị: Bác Hồ đã đi dép cao su suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến. Sự việc đã được nhà thơ Tạ Hữu Yên đưa vào tác phẩm của mình: '… phố phường trận địa, nhà máy đồng quê đều in dấu dép Bác về Bác ơi…' Đến đây, tôi liên tưởng tới những câu chuyện đậm sắc cổ tích như đôi hài vạn dặm. Đôi dép cao su cùng Bác Hồ – một ông tiên bằng xương bằng thịt – đi khắp đó đây để tìm đường cứu nước".

Bác viết tiếp: "Bài thơ 'Đôi dép Bác Hồ' của Tạ Hữu Yên là một bài thơ mang đậm hương sắc ca dao Việt Nam. Theo cảm quan của tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Bài thơ còn hay ở chỗ có tính nhạc cao, lời lẽ giản dị, trong sáng, dễ đi vào lòng người. Bài thơ ra đời đã được nhạc sĩ Văn An phổ nhạc gần như không thay đổi mấy lời thơ, nếu như không muốn nói là giữ nguyên bài thơ và trở thành bài hát nổi tiếng".

Bác Hoàng Ngọc Khuyến chia sẻ thêm: "Năm 1970, Đài Tiếng nói Việt Nam đã dạy bài hát 'Đôi dép Bác Hồ' trên sóng phát thanh. Bài hát nhanh chóng lan truyền khắp cả nước cho tới tận bây giờ. Có thể hiểu đây là một dạng lãnh tụ ca, nhưng điều thú vị là bài hát rất tự nhiên, không khô cứng, khuôn sáo, khiên cưỡng! Thơ hay, nhạc nhuần nhuyễn, giọng hát lại truyền cảm. Xin cảm ơn Tạ Hữu Yên, Văn An, Vũ Dậu đã cống hiến cho thính giả nhiều thế hệ bài hát về Bác Hồ hay đến như thế – bài 'Đôi dép Bác Hồ'!".

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt chùm 3 ca khúc mừng Đảng, mừng xuân
Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt chùm 3 ca khúc mừng Đảng, mừng xuân

VOV.VN - Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung đã giới thiệu tới công chúng bộ 3 tác phẩm: “Đất nước yêu người”, “Xin rạng ngời” và “Đất nước vươn mình”. Các tác phẩm được 2 giọng ca hàng đầu của dòng nhạc thính phòng Việt Nam là NSND Quốc Hưng và NSƯT Đăng Dương trình bày.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt chùm 3 ca khúc mừng Đảng, mừng xuân

Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt chùm 3 ca khúc mừng Đảng, mừng xuân

VOV.VN - Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung đã giới thiệu tới công chúng bộ 3 tác phẩm: “Đất nước yêu người”, “Xin rạng ngời” và “Đất nước vươn mình”. Các tác phẩm được 2 giọng ca hàng đầu của dòng nhạc thính phòng Việt Nam là NSND Quốc Hưng và NSƯT Đăng Dương trình bày.

Dàn Anh tài, Chị đẹp góp mặt trong "bữa tiệc âm nhạc" Hoa xuân ca 2025
Dàn Anh tài, Chị đẹp góp mặt trong "bữa tiệc âm nhạc" Hoa xuân ca 2025

VOV.VN - Với gần 20 tiết mục nghệ thuật được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn cách thể hiện, sự góp mặt của nhiều ca sĩ hàng đầu và các màn kết hợp độc đáo trên sân khấu chuyển động ấn tượng, “Hoa xuân ca 2025” hứa hẹn mang đến một bữa tiệc âm nhạc rực rỡ chào đón năm mới.

Dàn Anh tài, Chị đẹp góp mặt trong "bữa tiệc âm nhạc" Hoa xuân ca 2025

Dàn Anh tài, Chị đẹp góp mặt trong "bữa tiệc âm nhạc" Hoa xuân ca 2025

VOV.VN - Với gần 20 tiết mục nghệ thuật được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn cách thể hiện, sự góp mặt của nhiều ca sĩ hàng đầu và các màn kết hợp độc đáo trên sân khấu chuyển động ấn tượng, “Hoa xuân ca 2025” hứa hẹn mang đến một bữa tiệc âm nhạc rực rỡ chào đón năm mới.

“Sông Đăk Rông mùa xuân về” - Ca khúc để đời của nhạc sĩ Tố Hải
“Sông Đăk Rông mùa xuân về” - Ca khúc để đời của nhạc sĩ Tố Hải

VOV.VN - Giá trị nhân văn cao đẹp của nhạc phẩm là mùa xuân với sức sống mãnh liệt biểu trưng là con sông Đăk Rông gắn liền với con người Tây Nguyên đang sống, lao động, chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

“Sông Đăk Rông mùa xuân về” - Ca khúc để đời của nhạc sĩ Tố Hải

“Sông Đăk Rông mùa xuân về” - Ca khúc để đời của nhạc sĩ Tố Hải

VOV.VN - Giá trị nhân văn cao đẹp của nhạc phẩm là mùa xuân với sức sống mãnh liệt biểu trưng là con sông Đăk Rông gắn liền với con người Tây Nguyên đang sống, lao động, chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.