Nhớ An Thuyên - một tâm hồn âm nhạc đẫm chất dân ca
VOV.VN - An Thuyên- người nhạc sĩ tài hoa với các ca khúc trữ tình “Huế thương”, “Ca dao em và tôi”, “Chín bậc tình yêu”... đã đột ngột ra đi mãi mãi.
Sau các nhạc sĩ Trần Văn Khê, Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân, thính giả yêu nhạc Việt Nam lại đau lòng chứng kiến sự ra đi bất ngờ của nhạc sĩ An Thuyên.
Nhạc sĩ An Thuyên không chỉ nổi danh là một người nhạc sĩ tài hoa mà ông còn là người có công lớn trong việc đào tạo những nghệ sĩ, nhạc sĩ có ảnh hưởng tới nền âm nhạc Việt Nam. Sự ra đi đột ngột của ông đã khiến nhiều người sửng sốt khi ông vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết với nền âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ An Thuyên |
Thấm đẫm chất dân ca
Sinh ra và lớn lên tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, tuổi thơ của nhạc sĩ An Thuyên gắn liền với những bài ca dao, câu hát điệu ví của xứ Nghệ. Năm 11 tuổi, nhạc sỹ An Thuyên đã có tiếng là đàn hay, sáo giỏi và là người chơi các nhạc cụ dân tộc rất có duyên. Ngoài 20 tuổi, gia tài âm nhạc của ông đã có những tác phẩm được công chúng yêu thích như: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Đây cũng là hai ngọn lửa đầu tiên trong cuộc đời âm nhạc của ông, 2 ca khúc được ông yêu nhất làm bừng lên sự nghiệp sáng tạo của ông đến hôm nay vẫn cháy...
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: “Trong ông có 2 dòng chảy. Thứ nhất là mạch nguồn dân ca. Ông là người kế tục một cách xuất sắc truyền thống dân gian, dân tộc đặc biệt là âm nhạc Nghệ Tĩnh, cũng như là âm nhạc các dân tộc miền núi phía Bắc để đưa vào những sáng tác mới của mình. Tôi cho rằng đó là một sự sáng tạo rất xuất sắc, đáng ghi nhận của nhạc sĩ An Thuyên. Thứ 2 ông không dừng lại ở những sáng tác ca khúc, hành khúc mà ông luôn luôn muốn vươn tới những điều lớn hơn.”
Nổi tiếng với các ca khúc trữ tình được nhiều người yêu thích như: “Huế thương”; “Ca dao em và tôi”; “Chín bậc tình yêu”; “Neo đậu bến quê”; “Mẹ Việt Nam Anh hùng”; “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”; “Hành quân lên Tây Bắc”; “Khi xe tăng qua miền quan họ”...Nhạc sĩ An Thuyên còn có nhiều sáng tác nhạc kịch nổi tiếng như: “Trương Chi”, “Đôi đũa kim giao”, “Biển tình cay đắng”; “Đất nước đứng lên”...
Nhạc công từ nhỏ
Ở mảng ca khúc nào ông cũng vận dụng và làm nổi bật bản sắc dân ca Nghệ Tĩnh một cách tài tình và hiệu quả. Tình yêu với dải đất miền Trung luôn cháy bỏng trong tái tim ông, đến nỗi, dù sống ở thủ đô bao nhiêu năm nhưng ông vẫn giữ âm sắc Nghệ An trong giọng nói, hàng ngày vẫn uống nước lá từ quê gửi ra. Ông từng chia sẻ: “Tôi có một may mắn, gia đình tôi ở làng Đáy (Quỳnh Lưu, Nghệ An) – nghèo tận đáy nhưng có phong trào văn hóa văn nghệ, có nền âm nhạc dân gian rất phát triển. Nhà tôi là một gánh hát tuồng, cải lương, hát phường vải. 11 tuổi tôi đã trở thành một “nhạc công” thổi sáo, kéo nhị cho mọi người hát. Âm nhạc dân gian thấm đượm với tôi từ bé, như sữa mẹ mình được bú từ nhỏ vậy”. Điều đó lý giải vì sao các tác phẩm âm nhạc của ông thấm đẫm chất dân ca, ngọt ngào, da diết mà hồn hậu.
Nhạc sĩ Đức Trịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá – Nghệ thuật Quân đội, người từng làm việc nhiều năm với nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ: “Bản thân anh ấy xuất thân từ cái nôi của dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh thế nên trong tất cả những giai điệu của anh đều đậm chất dân ca mà có thể nói là thấm đậm chất truyền thống, dễ đi vào lòng người. Ngoài tính học thuật ra thì ca khúc của anh đi thẳng vào trái tim con người cho nên các tác phẩm của anh luôn để lại trong lòng công chúng một cách sâu sắc.”
Hoài bão lớn
Với những ai từng có cơ hội làm việc với nhạc sĩ An Thuyên đều thấy trong ông luôn ấp ủi những ý tưởng, những dự định, hoài bão làm thế nào để phát triển nền âm nhạc Việt Nam trở thành nền âm nhạc chuyên nghiệp, làm thế nào để âm nhạc dân tộc luôn toả sáng...
Năng lượng sáng tạo của ông luôn căng tràn, và trải dài ở các sáng tác ca khúc, giảng dạy, chăm chút cho thế hệ âm nhạc trẻ. Chẳng thế mà nhiều năm giữ vị trí Hiệu trưởng Trường đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, ông đã đào tạo ra những ca sĩ, nghệ sĩ thành danh như Trọng Tấn, Thu Hiền, Quang Linh, Anh Thơ, Hà Linh, Hồ Quỳnh Hương…
Nhạc sĩ Đức Trịnh nói: “Anh đã có công xây dựng lên trường trở thành một nhà trường có uy tín trong xã hội cũng như là trong quân đội. Đặc biệt là đào tạo ra nhiều văn nghệ sĩ trên mọi nẻo đường đất nước,. Anh là người rất là tâm huyết đặc biệt là đối với lớp trẻ, anh luôn tạo điều kiện để lớp trẻ được cống hiến, được học tập, được trở thành những người tài giỏi sau này. Và anh luôn luôn phát hiện những tài năng ở lớp trẻ. Đó là những điều cần phải học hỏi từ anh.”
Với những đóng góp của mình, nhạc sĩ An Thuyên vinh dự được tặng thưởng “Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa - Nghệ thuật” với chùm tác phẩm: "Em chọn lối này", "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác", "Hành quân lên Tây Bắc". Bên cạnh đó là các giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985; Giải nhất của Bộ Văn hóa -Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1985 với bài “Khi xe tăng qua miền quan họ” và “Mẹ Việt Nam Anh hùng”…
Nhưng cơn bạo bệnh đột ngột đã ngăn trở nhịp đập của trái tim người nhạc sĩ tài năng, để lại nhiều đau xót cho giới nghệ thuật cũng như thính giả yêu nhạc. Vĩnh biệt ông – người nhạc sĩ tài hoa./.