Nhớ nhạc sĩ Phan Nhân

VOV.VN - Trước khi về cõi vĩnh hằng, anh Phan Nhân hãy ghé thăm Hà Nội một lần nữa, như bài hát năm xưa anh viết “Về lại Thủ đô, đông đang qua mùa xuân đang tới…”.

Khi tôi (tác giả bài viết) về làm phóng viên phòng Thời sự, Đài phát thanh Giải phóng A (giữa năm 1974) thì các anh chị Trần Quang Khải, Đào Quang Cường, Nguyễn Thị Kim Cúc, Trần Đức Nuôi… cùng các bạn trẻ Dương Xuân Huê, Huyền Dung… đã là người thân của anh Phan Nhân rồi. Anh Phan Nhân người to con, mặt vuông, có chất giọng Nam Bộ rõ ràng. Đặc biệt, khi nói các từ có phụ âm “R” anh hay nói uốn lưỡi rất rõ. Vợ anh, chị Phi Điểu (sau được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú) là phát thanh viên giọng Nam Bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhạc sĩ Phan Nhân (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Theo các anh chị nói, thì anh Phan Nhân vốn học piano, sau chuyển sang sáng tác. Trước đó, anh đã có một số bài hát, trong đó có bài viết cho thiếu nhi, rất được các em yêu thích. Những ngày B.52 ném bom Hà Nội, anh Phan Nhân đã cùng mọi người bám trụ tại 58 Quán Sứ (trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam). Và bài hát “Hà Nội - niềm tin và hy vọng” ra đời. Thi thoảng, anh lại dẫn chúng tôi sang phòng thu M của 58 Quán Sứ, cho nghe nhạc. Bài “Hà Nội - niềm tin và hy vọng” lúc đó chúng tôi thường hát với anh. Khỏi phải nói rằng chúng tôi “mê” bài hát đó như thế nào.

Anh Phan Nhân vừa đi Trường Sơn về, và bài hát “Em ở nơi đâu” theo điệu “lới lơ” ra đời với giọng hát tuyệt hay của Kiều Hưng. Hình ảnh các nữ chiến sĩ Thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn theo chân anh mãi. Sau này, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, có dịp nhắc đến họ, anh Phan Nhân thấy mình “lúc nào cũng như có lỗi”.

Lũ chúng tôi mới ngoài 20 tuổi, anh coi như em út trong nhà, nên hay vòi vĩnh bắt anh đàn và hát cho nghe. Tôi nhớ mãi khi Pi-nô-chê (Pinochet) làm đảo chính, giết hại Tổng thống Chi Lê A-gien-đê (Salvador Allende) và nhiều người yêu nước khác, trong đó có ca sĩ cách mạng Vích-to Ha-ra (Victor Jara), anh Phan Nhân, trong niềm xúc động dâng trào, đã viết bài hát “Cây đàn ghi ta - Vích to Ha-ra” với những lời mở đầu tha thiết: “Cây đàn ghi ta, của Vích-to Ha-ra. Là súng gươm tiêu diệt thù. Bừng cháy niềm tin…”. Và chúng tôi là những người đầu tiên được nghe anh hát.

Tập bài hát được giải thưởng của nhạc sĩ Phan Nhân. Ông thường hay kẻ khuôn nhạc và tự viết lời cho bản nhạc của mình

Sau 30/4/1975, vì công việc, chúng tôi được đi máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Còn anh Phan Nhân thì cùng gia đình theo xe ô tô của cơ quan vào sau. Tôi có kể cho anh nghe cảm giác thấy đất nước trọn vẹn dưới cánh máy bay. Và cảm giác ấy được anh mở đầu trong bài “Tình ca đất nước” - bài hát đầu tiên anh viết khi về Nam (Giải A cuộc thi sáng tác của Ngành Âm nhạc Giải phóng miền Nam):

“Rằng đã về ta, cỏ cây sông nước ruộng đồng, Cửu Long, Sông Hồng thỏa bao chờ mong. Sài Gòn mến yêu của ta, đêm dài đã qua, tình quê hương thêm thiết tha. Ngọt ngào hương hoa, đẹp ngàn lần non sông ta, ngân vang tiếng ca…”.

Tôi vốn không biết về nhạc, chỉ cảm qua giai điệu và lời. Cho nên trò chuyện với tôi, anh Phan Nhân không nói về nhạc, chỉ nói về những điều anh gửi gắm qua ca từ.

Viết “Tình ca đất nước” với 4 lời, anh bảo: “Anh không nhắc gì đến các chữ “truyền thống”, “Đảng”… nhưng có đủ cả đấy. Này nhé “Là đất Hùng Vương, dành cho con cháu Lạc-Hồng” - không nói về truyền thống thì nói gì? Này nhé “Rằng Bác còn đây, tình thương sông nước tràn đầy. Lòng ta ơn Người có bao giờ phai. Đường Hồ Chí Minh đẹp thay mang tình bốn phương mà tình ta thêm sáng trong”. Bác Hồ là Đảng ta đấy, đường Hồ Chí Minh là Đảng ta đấy”…

Trong số những ca sĩ hát bài của Phan Nhân, nghệ sĩ Trần Khánh được anh thương mến nhất. Anh kể, khi viết “Hà Nội - niềm tin và hy vọng”, anh viết “Đường lộng gió 4 phương 5 cửa ô”, nhưng khi hát, Trần Khánh hát thành “Đường lộng gió thênh thang 5 cửa ô” anh cũng chấp nhận. Tôi đã nhìn thấy nhiều bản chép tay bản nhạc “Hà Nội - niềm tin và hy vọng” của anh (xin nói thêm là nhạc sĩ Phan Nhân chép nhạc rất đẹp), trong đó có một bản ghi “Phan Nhân và Trần Khánh”.

Bản nhạc "Hà Nội - niềm tin và hy vọng"

Năm đầu tiên (1975) ở thành phố Hồ Chí Minh là năm nhạc sĩ Phan Nhân có nhiều trăn trở. Anh thường gọi tôi ra quán nước bên kia đường, trước cửa số 7 Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) tâm sự. Bởi thế cho nên tôi rất vui khi một hôm anh khoe: Hòa ơi, anh vừa có bài này “Màu xanh và Ánh mắt” viết nhạc cho một phim tài liệu. Anh ngân nga: “Khi ta có đất trời tự do nâng cao đôi cánh tình yêu”… Từ đó trở đi, mạch sáng tác của anh lại dồi dào. Và tôi lại được nghe anh đàn cho phần nhạc, trước khi viết lời, rồi khi có lời rồi, lại nói thêm “tại sao lại viết thế?”.

Tháng 2/1979, tôi được chuyển ra Hà Nội. Bài hát cuối cùng tôi được nghe anh Phan Nhân hát là một bài về mùa xuân. Mùa xuân năm Đinh Tỵ 1977... Bài “Đường lên hạnh phúc” mở đầu bằng các câu: “Đường lên hạnh phúc thênh thênh rộng mở. Có nắng mùa xuân, có gió biển khơi. Tình yêu non nước xây nên cuộc đời vui”… Anh nói: “Hát đoạn này thì phải “đong đưa” một chút thì mới đúng nhạc”. Từ đó, tôi chỉ còn gặp anh Phan Nhân mỗi lần anh ra Hà Nội hoặc chúc Tết anh qua điện thoại.

Chiều 29/6/2015, nghe tin Nhạc sĩ Phan Nhân qua đời, tôi bấm điện thoại gọi cho Dương Xuân Huê, đang ở thành phố Hồ Chí Minh, và Huyền Dung (đang ở Hà Nội) - hai cô bé ở CP 90 hay “nhõng nhẽo” anh Phan Nhân nhất. Đầu dây bên kia, Huyền Dung nói: “Tớ cũng vừa định gọi cho Hòa báo tin anh Phan Nhân…”. Còn Dương Xuân Huê thì bảo: “Anh Phan Nhân thì cả nước biết rồi. Nhưng đối với chúng mình thì là người Anh quý mến. Hòa phải viết về anh Phan Nhan với tụi mình đi”...

 

Tôi viết những dòng này để tưởng nhớ một người anh đã nâng đỡ tâm hồn chúng tôi qua bom đạn gian nan vất vả. Tôi viết những dòng này để tưởng nhớ một người con Hà Nội đã viết lên một trong những bản anh hùng ca hay nhất về Hà Nội. Anh Phan Nhân ơi, “mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời” chào đón anh về. Trước khi về cõi vĩnh hằng, anh hãy ghé thăm một lần nữa, Hà Nội, như bài hát năm xưa anh viết “Về lại Thủ đô, đông đang qua mùa xuân đang tới, đường lộng gió 5 cửa ô, càng tỏa ngát hương Thủ đô…” (bài hát “Về lại Thủ đô” - 10/1978).

Anh Phan Nhân ơi “mặt Hồ gươm vẫn lung linh mây trời” ngày anh đi xa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhạc sĩ Phan Nhân, tác giả “Hà Nội niềm tin và hy vọng” qua đời
Nhạc sĩ Phan Nhân, tác giả “Hà Nội niềm tin và hy vọng” qua đời

Nhạc sĩ Phan Nhân, tác giả của nhiều ca khúc quen thuộc như Hà Nội niềm tin và hy vọng, Chú ếch con... vừa qua đời tại nhà riêng vì bệnh nặng.

Nhạc sĩ Phan Nhân, tác giả “Hà Nội niềm tin và hy vọng” qua đời

Nhạc sĩ Phan Nhân, tác giả “Hà Nội niềm tin và hy vọng” qua đời

Nhạc sĩ Phan Nhân, tác giả của nhiều ca khúc quen thuộc như Hà Nội niềm tin và hy vọng, Chú ếch con... vừa qua đời tại nhà riêng vì bệnh nặng.