NSND Phạm Anh Phương kể chuyện làm tác phẩm opera thuần Việt
VOV.VN - “Lá đỏ” không chỉ có quy mô lớn về mặt dàn dựng, giàu ý nghĩa với cuộc sống đương đại mà còn là vở opera thuần Việt đầu tiên từ năm 1975 đến nay.
Ra đời theo Đề án khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 – 1975, vở opera “Lá đỏ” đang thu hút sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật.
Với đội ngũ thực hiện gồm nhiều gương mặt tên tuổi như nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, NSND Phạm Anh Phương…, vở opera không chỉ có quy mô lớn về mặt dàn dựng, giàu ý nghĩa đối với cuộc sống đương đại mà còn là tác phẩm opera thuần Việt đầu tiên từ năm 1975 đến nay.
Phóng viên VOV phỏng vấn NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam về vở opera “Lá đỏ”.
NSND Phạm Anh Phương (Ảnh: Muavietnam.com) |
PV: Đã rất lâu rồi chúng ta mới lại có một vở opera thuần Việt như “Lá đỏ”, ông có thể chia sẻ đôi điều về vở diễn?
NSND Phạm Anh Phương: Sau những vở opera Việt Nam đầu tiên là “Cô Sao”, “Bên bờ K'rông Pa”, rồi những vở ngắn hơn xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước, từ đó đến nay chúng ta rất ít khi có điều kiện để xây dựng những vở opera tầm cỡ, có học thuật, chuyển tải những câu chuyện về cuộc chiến tranh hay cuộc sống.
Chúng tôi cho rằng đấy là những dự án nghệ thuật rất cần thiết. Một mặt là mang văn hóa tinh thần đến cho người dân, một mặt là cũng giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng, những hào khí dân tộc để cho mỗi người Việt Nam đều có một sự tự hào thông qua vở diễn opera.
Thế hệ trẻ mà không tham gia chiến tranh thì họ cũng được dịp đến xem để hiểu được cuộc sống gian khổ của những người không có tuổi thanh xuân, gửi tuổi thanh xuân của mình trong Trường Sơn. Đấy là những thông điệp lớn nhất. Vở “Lá đỏ” rất có giá trị trong cuộc sống, đặc biệt là trong cuộc sống mà kinh tế thị trường đang phát triển thì lại càng cần những tác phẩm như thế này.
PV: Được biết những vở opera nổi tiếng của Việt Nam như “Cô Sao”, “Bên bờ K’rông Pa” đều là những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, giống như “Lá đỏ”. Vậy “Lá đỏ” có điểm gì khác biệt để hấp dẫn khán giả?
NSND Phạm Anh Phương: Đây là một dự án nghệ thuật do Cục Nghệ thuật biểu diễn đứng ra tổ chức theo một đề án của Chính phủ là xây dựng những tác phẩm, kịch mục mang tính chất hoành tráng, phản ánh về hai cuộc đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Cục Nghệ thuật biểu diễn đã mời nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát viết kịch bản văn học, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chấp bút thành vở opera “Lá đỏ”. Đây là một đề tài phản ánh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và địa điểm chính là được hư cấu từ câu chuyện Hang Tám Cô, trên dãy núi Trường Sơn.
Tuy câu chuyện phản ánh đề tài chiến tranh những đã được hư cấu thành một câu chuyện để chuyển tải bằng hình thức nghệ thuật opera, bằng những khúc hát, lời thoại diễn tả lại cuộc chiến đấu rất cam go và oanh liệt, thời chiến tranh Trường Sơn.
Do đó, khác biệt đầu tiên là khác biệt của câu chuyện. Toàn bộ tính kịch, giai điệu âm nhạc rồi những lớp diễn được hình thành quanh câu chuyện Hang Tám Cô, giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử, không gian diễn ra khác biệt.
Tổng duyệt vở opera "Lá đỏ" tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 24/5. (Ảnh: VnExpress) |
PV: Sử dụng nghệ thuật đỉnh cao là opera, một loại hình nghệ thuật kén khán giả để chuyển tải, ekip thực hiện có gia giảm các yếu tố để “Lá đỏ” gần gũi với khán giả Việt Nam không?
NSND Phạm Anh Phương: Chúng tôi nghĩ rằng đây là câu chuyện opera của Việt Nam thì xuất phát nó đã là một câu chuyện của Việt Nam rồi, nên việc cảm nhận về câu chuyện, về tính lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ đã ngấm vào mỗi người dân Việt Nam, đồng thời câu chuyện, huyền tích về Hang Tám Cô đã rất nổi tiếng. Nó đi vào tâm tư, tình cảm thậm chí là tâm linh của những con người Việt Nam. Hiện nay thế hệ trẻ cũng đã biết hết về câu chuyện đấy. Cho nên những câu chuyện này để chuyển tài đến khán giả cũng rất là dễ, dễ xem, dễ hiểu, dễ cảm nhận và hình như mình cũng là một cái bóng ở trong đó.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã thêm vào phần âm nhạc những bài hát gần gũi với khán giả như “Lá đỏ” hay “Hành quân trên dãy Trường Sơn”, đồng thời có những đoạn hò âm hưởng dân ca rõ nét, đi vào lòng người.
Tôi nghĩ là ở đây, tất cả các yếu tố âm nhạc dân tộc đã được nâng lên mang tính bác học, được hòa quyện với nhau để tạo thành một vở diễn. Người xem sẽ cảm thấy vở diễn có màu sắc dân tộc và có tính nghệ thuật cao.
PV: Với “Lá đỏ”, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã có kế hoạch nào để tác phẩm không lâm vào cảnh “cất kho” sau khi ra mắt chưa, thưa ông?
NSND Phạm Anh Phương: Ý muốn của chúng tôi là không chỉ diễn 1 đêm, chắc chắn là diễn đi diễn lại. Khát vọng, mong muốn được diễn nhiều, không phải là diễn 1 đêm hay 2 đêm, chỉ có điều là điều kiện cho cho phép chúng tôi diễn hay không. Bởi vì điều kiện còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí tiếp theo chứ còn đã là nghệ sĩ thì luôn luôn muốn diễn nhiều.
Với vở này cũng như những vở ba-lê trước đây chúng tôi làm, chúng tôi cũng diễn được 5-6 buổi. Nhưng sau đây muốn nó có thể trở thành các kịch mục được lưu giữ, được dàn dựng lại, điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
PV: Cảm ơn NSND Phạm Anh Phương!./.